Lao động khu vực FDI: Mới "tốt nước sơn"
Tính đến tháng 5/2018, Việt Nam thu hút được 25.691 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần 323 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 179,12 tỷ USD, bằng 55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định, vốn FDI là nguồn bổ sung quan trọng vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhất là trong giai đoạn đầu Việt Nam mở cửa. Những năm gần đây, nguồn vốn FDI thực hiện đạt trên 17 tỷ USD, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP.
Hiện có 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp FDI. Theo TS. Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam, lao động của các doanh nghiệp FDI tuy có đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, nhưng chủ yếu đến từ thu hút lao động theo số lượng, trong khi tăng trưởng năng suất lao động do năng lực của chính khu vực này còn khá khiêm tốn và chưa phải là sự cải thiện năng suất lao động trong nội tại
từng ngành.
"Bên cạnh đó, khả năng tác động gián tiếp vào năng suất lao động của khu vực FDI thông qua hiệu ứng tràn về công nghệ và kỹ năng lao động cũng thấp", ông Hùng nói.
Hiện nay, chỉ 15-20% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu - là mức thấp nếu so với con số 45% của Indonesia và gần 60% của Malaysia và Thái Lan. Thống kê của Công ty Manpower Việt Nam (thuộc Tập đoàn Manpower) cũng cho thấy, lực lượng lao động của Việt Nam tuy trẻ và năng động, nhưng chỉ 11% là có tay nghề cao. Thu hút lao động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam còn thiên về khai thác nguồn lao động có giá nhân công rẻ, ít đào tạo, thậm chí dùng cơ chế thử việc để liên tục thay lao động.
Thu hút nhân lực chất lượng cao để tăng năng suất lao động
Đặt vấn đề Việt Nam cần phải làm gì để thay đổi nhận định của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường lao động của Việt Nam, ông Colin Blackwell (thuộc Nhóm nhân sự, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF Việt Nam) cho rằng, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn còn tập trung tìm kiếm lao động giá rẻ, công việc thiếu tính sáng tạo, thiếu tính tự động hóa...
Để cải thiện chất lượng năng suất lao động, ông Colin Blackwell cho rằng, cần đa dạng hóa hình thức đào tạo, tăng cường các sàn giao dịch việc làm để tạo kết nối giữa lực lượng lao động và người sử dụng lao động, nâng cao chất lượng đào tạo nghề bằng cách liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
"Đây là chiến lược quan trọng và lâu dài để hình thành và phát triển bền vững đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam", ông Colin Blackwell nhấn mạnh.
Về vấn đề trên, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, việc thu hút FDI thời gian tới được Việt Nam xác định phải chuyển đổi theo hướng từ thu hút số lượng sang chất lượng, thu hút công nghệ cao, thân thiện với môi trường và đặc biệt, từng bước chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.
“Để tăng năng suất lao động, từ đó nâng cao năng lực, không có cách nào khác là phải nâng trình độ của người lao động, bởi năng suất luôn tỷ lệ thuận với năng lực của người lao động", TS. Lê Văn Hùng khẳng định.
Theo ông Hùng, ngay từ khâu thu hút FDI, cần gắn chặt với chiến lược phát triển quốc gia, chỉ tập trung ưu tiên thu hút một số ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh theo từng vùng. Đồng thời, chủ động trong đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam đang hướng tới thu hút đầu tư.
Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai - tỉnh có nhiều lao động làm việc tại các khu công nghiệp công nghệ cao - cũng cho rằng, để tăng năng suất lao động trong khu vực FDI trong thời gian tới, cần chuyển hướng thu hút FDI theo hướng tăng chất lượng, tăng ngành dịch vụ công nghiệp kỹ thuật cao, đặc biệt chú trọng thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ.
"Phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ khuyến khích ứng dụng, sử dụng khoa học công nghệ cao. Theo đó, lực lượng lao động có cơ hội được tiếp xúc, học hỏi, nâng cao tay nghề, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Đồng thời, hạn chế việc nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài, tăng cường giải quyết việc làm cho người dân địa phương, tạo gia tăng cho nền kinh tế...", ông Cộng khuyến nghị.