Thủ tục phá sản DN tài chính, bảo hiểm, chứng khoán

(ĐTCK-online) Bộ Tài chính (BTC) đang xây dựng Nghị định hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với DN hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác. Theo quan điểm của BTC, bảo hiểm, chứng khoán và tài chính là những lĩnh vực đặc thù, có ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế và xã hội, vì vậy, việc phá sản đối với DN trong lĩnh vực này sẽ được tiến hành hết sức thận trọng.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh, tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới trong hoàn cảnh nền kinh tế còn ở trình độ thấp và đang trong giai đoạn chuyển đổi, DN Việt Nam còn nhỏ, vốn ít, kỹ thuật lạc hậu, trình độ quản lý thấp nhưng phải cạnh tranh bình đẳng với những DN lớn, những công ty đa quốc gia trên thế giới thì việc DN trong nước bị phá sản là điều tất yếu diễn ra.

Mặc dù được xác định là những lĩnh vực nhạy cảm và có ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế, song Nghị định cũng chỉ điều chỉnh một số ít đối tượng là DN kinh doanh bảo hiểm, môi giới bảo hiểm (lĩnh vực bảo hiểm); DN kinh doanh cung cấp dịch vụ và đầu tư chứng khoán, ngoại trừ quỹ đầu tư chứng khoán (lĩnh vực chứng khoán). Riêng đối với lĩnh vực tài chính thì chỉ có DN nằm trong danh mục do Bộ trưởng BTC lập và công bố hằng năm đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí gồm, được thành lập theo giấy phép, quyết định của BTC hoặc hoạt động dưới sự quản lý nhà nước của BTC để trực tiếp cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực tài chính và DN có vị trí quan trọng, việc phá sản đối với những DN này ảnh hưởng đến nền kinh tế, đời sống, xã hội của đất nước hoặc của một khu vực lãnh thổ mới chịu sự điều chỉnh của Nghị định. Những DN còn lại, mặc dù hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, tài chính vẫn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn Luật này.

Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với DN hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác thì chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần của DN, đại diện của người lao động trong DN hoặc đại diện của Công đoàn DN, chủ DN hoặc đại diện hợp pháp của DN, đại diện chủ sở hữu vốn (đối với DN nhà nước), các cổ đông (công ty cổ phần) và thành viên hợp danh (DN hoạt động dưới hình thức công ty hợp danh) đều có quyền và nghĩa vụ nộp đơn đề nghị tòa án tuyên bố phá sản DN. Ngoài ra, để bảo đảm sự thận trọng, dự thảo còn cho phép BTC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và các cơ quan quản lý nhà nước nếu nhận thấy DN lâm vào tình trạng phá sản sẽ thông báo cho các đối tượng trên xem xét việc nộp đơn yêu cầu tòa án tiến hành các thủ tục phá sản. Trong tờ trình Chính phủ, BTC kiến nghị, để phù hợp với đặc thù của lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính, Nghị định cần quy định, tòa án chỉ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác khi đã nhận được văn bản của BTC, UBCK hoặc chủ sở hữu thông báo không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của DN.

Cũng theo tờ trình kể trên, để đảm bảo sự thận trọng, đồng thời bảo đảm phù hợp với những luật chuyên ngành khác như Luật Kinh doanh bảo hiểm (quy định về việc kiểm soát khả năng thanh toán) và Luật Chứng khoán (quy định về cảnh báo), thủ tục phá sản đối với DN hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác sẽ được chia ra 2 trường hợp. Cụ thể, nếu BTC, UBCK hoặc cơ quan có liên quan đã có văn bản chấm dứt áp dụng kiểm soát khả năng thanh toán hoặc các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán và hoạt động kinh doanh thì thẩm phán sẽ quyết định mở thủ tục phá sản và thực hiện ngay thủ tục thanh lý tài sản của DN. Nếu các cơ quan kể trên không áp dụng kiểm soát khả năng thanh toán hoặc các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán và hoạt động kinh doanh thì các DN này phải thực hiện đầy đủ 4 bước trong việc phá sản như những DN thông thường khác.            

Mạnh Bôn
Mạnh Bôn

Tin cùng chuyên mục