Thủ tục nhận chuyển nhượng nhà của người Việt sống ở nước ngoài

(ĐTCK) Tôi là người gốc Việt sinh sống tại Nga từ năm 1993, hàng năm tôi có gửi tiền về, mẹ tôi đã tiết kiệm số tiền này để dành mua đất. Bây giờ mẹ tôi để lại cho tôi và tôi muốn đứng tên mảnh đất này thì có được không? Tôi có thể ủy quyền cho người khác làm giấy tờ không hay phải trực tiếp về Việt Nam để làm?
Thủ tục nhận chuyển nhượng nhà của người Việt sống ở nước ngoài

Trả lời:

Điều 5, Luật Đất đai 2013 quy định, người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này bao gồm: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch…

Theo Khoản 3, Điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (có quốc tịch Việt Nam) và người gốc Việt Nam (đã từng có quốc tịch Việt Nam) cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 và Khoản 1; Điểm b, Khoản 2, Điều 8, Luật Nhà ở năm 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở Việt Nam.

Theo Khoản 2, Điều 5, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì phải có giấy tờ sau đây:

- Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu.

- Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Khoản 1, Điều 6 của Nghị định này quy định, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu không được nhập cảnh vào Việt Nam mà được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở tại Việt Nam thì không được công nhận quyền sở hữu nhà ở, mà phải thực hiện quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 78 của Nghị định này.

Nếu bạn được nhập cảnh vào Việt Nam và có giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam theo Khoản 2, Điều 5, Nghị định 99/2015 thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Trường hợp bạn đang ở nước ngoài không thể về nước thì có thể ủy quyền để người khác thay bạn tiến hành khai nhận di sản theo quy định của pháp luật. Việc ủy quyền được thực hiện tại Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam tại Nga.

Trong giấy ủy quyền ghi rõ các thông tin: thông tin về người ủy quyền và người được ủy quyền; căn cứ ủy quyền. Sau khi có giấy ủy quyền của người đang ở nước ngoài gửi về thì người được ủy quyền có thể cùng với những đồng thừa kế khác đến tổ chức công chứng để yêu cầu tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Người được ủy quyền chỉ thực hiện các công việc trong phạm vi được ủy quyền.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục