Phát biểu tại Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” sáng nay (2/7), Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, CPTPP tác động rất mạnh đến Việt Nam, song về khía cạnh thương mại, CPTPP khó có thể khiến xuất khẩu của Việt Nam tăng đột biến.
Nguyên nhân là trong số 10 đối tác là thành viên của CPTPP, Việt Nam đã ký kết FTA với 7 đối tác. Việc ký kết CPTPP chỉ giúp Việt Nam có thêm 3 đối tác mới.Vì vậy, với CPTPP, các giá trị tăng thêm, sức ép cạnh tranh tăng thêm cũng như mở cửa thị trường tăng thêm gần như bằng không.
Thứ trưởng khẳng định, đang có nhiều sự hiểu lầm xung quanh CPTPP và thương mại quốc tế.
Thứ nhất, nhiều người nghĩ rằng cơ hội và thách thức của CPTPP đối với mặt hàng nông sản của chúng ta hết sức to lớn, tuy nhiên nó lại thật sự không lớn cả về phương diện cơ hội và thách thức.
Thứ hai, thương mại trong nước rất khác với thương mại quốc tế. Chúng ta có thói quen đánh giá nông sản bằng cảm quan mà chưa quan tâm đến nơi sản xuất ra sản phẩm. Chính vì vậy, nhiều nông dân nghĩ rằng người bán được ở trong nước thì sẽ bán được ở thị trường quốc tế. Tuy nhiên, người tiêu dùng thế giới lại rất khác: họ muốn biết quy trình sản xuất nông sản cụ thể như thế nào, ban hành các quy định bảo hành sản phẩm ra sao”, Thứ trưởng cho hay.
Hiểu nhầm thứ ba là, chúng ta nghĩ rằng Trung Quốc thường xuyên đột ngột thay đổi chính sách. Nhưng chính sách của họ vẫn giữ nguyên, họ vẫn chỉ cho phép xuất khẩu 8 loại quả. Thế nhưng, thậm chí chúng ta vẫn bán được các sản phẩm không có trong quy định như sắn, na, bơ sang đó bằng nhiều hình thức và phương cách như trao đổi giữa các cư dân.
Thứ tư, sản phẩm của chúng ta làm ra năm nào cũng phải có lãi, sản lượng năm mới cao hơn năm cũ. Do đó, nhiều nước họ có cơ hội “ép giá”, cho nên chúng ta dễ hiểu tại sao “được mùa mất giá”...
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, giá trị lớn nhất mà CPTPP mang lại chưa hẳn là mở cửa thị trường, bởi dù thị trường có mở thì nhiều nông sản Việt cũng cần có thời gian thay đổi thì mới đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Lợi ích lớn nhất mà hiệp định mang lại, là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đồng thời, tạo sức ép nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu và hình thành các chuỗi giá trị để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, để tận dụng tốt các cơ hội do CPTPP mang lại cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Hai là doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
“CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên. Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam”, bà Mai khuyến cáo.