Nhiều mặt hàng nông sản vào EU có thuế giảm về 0%
Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban Kinh tế và thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, trong số 10 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào EU thì Việt Nam đứng thứ 10, chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu vào EU.
Theo bà Ferrer, hàng nông sản của Việt Nam có nhiều tiềm năng, song để có thể tăng xuất khẩu vào thị trường EU, các doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn chung về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ...
“Yêu cầu là khắt khe, nhưng sẽ không quá khó nếu làm đúng, làm đủ. EU là thị trường chung, song quy định được xét từ từng quốc gia và bởi Ủy ban Liên minh Châu Âu nên phải có tiêu chuẩn chung”, bà Ferrer nói.
EU đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, là điểm đến của 18% lượng hàng xuất khẩu trong nước, trong đó chủ yếu là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu đạt 52,89 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2016.
Đặc biệt, khi EVFTA chính thức được thông qua và có hiệu lực sẽ là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam bởi thuế hàng nông sản sẽ giảm mạnh, tiếp cận mức 0-5% trong vòng 7-10 năm, nhất là các mặt hàng như gạo, mía đường.
Hiện nay, hàng nông sản của Việt Nam xuất sang EU đang bị đánh thuế 14%. Nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại EU như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải…
Doanh nghiệp chủ động tiếp cận thị trường
Ông Phạm Văn Thường, Tổng giám đốc CTCP Chế biến thực phẩm xuất khẩu (GOC Food) cho biết, EU là thị trường dẫn đầu thế giới về các tiêu chuẩn, doanh nghiệp muốn xuất khẩu thành công sang thị trường này ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc, xuất xứ..., còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an sinh xã hội.
Theo ông Thường, cái lợi lớn nhất khi hàng hóa xuất sang thị trường EU không phải là lợi nhuận, mà chính là uy tín của doanh nghiệp. Bởi khi đã đáp ứng được tiêu chuẩn của EU, doanh nghiệp sẽ rộng đường xuất khẩu đi khắp thế giới.
"Các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đều dựa vào tiêu chuẩn của EU để nhập hàng hóa. Những doanh nghiệp như GOC Food nếu đưa được hàng hóa vào EU là đủ sức xuất khẩu ra khắp thế giới, nên việc chinh phục thành công thị trường khó tính này có ý nghĩa rất quan trọng.
Do đó, chúng tôi xác định xuất khẩu vào EU không phải vì số lượng, mà là giá trị gia tăng. Chúng tôi nhập máy móc hiện đại từ Ý và nguồn nguyên liệu đảm bảo để có sản phẩm đáp ứng chất lượng tốt nhất cho thị trường này”, ông Thường nhấn mạnh.
So với trước đây, xuất khẩu nông sản vào EU hiện thuận lợi hơn nhờ EVFTA, cho nên ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm cách tiếp cận thị trường này.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam chia sẻ: "Ban đầu, chúng tôi chỉ mong muốn làm sao bán được sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế. Nhưng với một số thị trường dễ tính, họ không quan tâm nhiều đến chất lượng và mua với giá rất rẻ, cho nên giá trị gia tăng cho sản phẩm quế, hồi của Việt Nam không nhiều. Trước thực tế này, chúng tôi đã định hướng lại và tập trung vào thị trường cấp cao như EU".
Theo bà Huyền, tuy EU là thị trường khó tính, nhưng người tiêu dùng lại sẵn sàng chi trả mức giá cao, đặc biệt là uy tín của doanh nghiệp sẽ gia tăng nếu xuất khẩu thành công.
"Ngoài yêu cầu về chất lượng sản phẩm, EU cũng có quy định riêng về bao bì, nên doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về chất lượng bao bì đạt chuẩn", bà Huyền lưu ý.
Để có thể thâm nhập và phát triển tại thị trường EU, giới chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động làm thương mại, truyền thông, tiếp thị hình ảnh và chất lượng sản phẩm nông sản Việt để người tiêu dùng EU biết đến nhiều hơn, bởi EU chính là cánh cửa đưa nông sản Việt vươn ra thị trường toàn cầu.