Đáng chú ý, với các “thủ thuật” tinh vi, giả cách kinh doanh vàng tài khoản, các đối tượng đã chiếm đoạt của khách hàng trên 60 tỷ đồng. Vụ việc một lần nữa cảnh báo người dân về nguy cơ trắng tay khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất hợp pháp này.
Gian lận từ đầu chí cuối
Lưu Công Khánh, kẻ chủ mưu lập ra sàn vàng “ảo” IG khai nhận, năm 2007, sau khi tốt nghiệp khoa Điện tử một trường đại học, Khánh xin vào làm việc tại một số công ty kinh doanh vàng tài khoản ở TP.HCM. Trải qua các vị trí nhân viên kinh doanh, đào tạo… nên Khánh nắm rất rõ phương thức hoạt động của các sàn vàng “ảo” này.
Mặc dù biết việc kinh doanh vàng tài khoản là trái phép và cơ quan công an đã vào cuộc xử lý một số sàn vàng “ảo” nhưng nhận thấy có rất nhiều khách hàng vẫn tham gia vào kênh đầu tư này, năm 2013, Khánh ra Hà Nội với ý đồ thành lập một sàn vàng trá hình.
Theo Khánh trình bày thì thời điểm này, tại TP.HCM có quá nhiều sàn vàng “ảo” hoạt động, sàn mới sẽ khó cạnh tranh. Trong khi ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, nhiều người chưa biết đến lĩnh vực kinh doanh này. Đã có kinh nghiệm trong thời gian làm việc tại các sàn vàng “ảo” trước đó nên Lưu Công Khánh tính toán rất kỹ lưỡng, thuê người đứng ra thành lập công ty, còn Khánh đứng phía sau chỉ đạo toàn bộ hoạt động.
Để tạo vỏ bọc cho hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, tháng 10/2013, Khánh lập Công ty cổ phần Kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG (thuê trụ sở tại tầng 8 tòa nhà 165 Thái Hà, Đống Đa). Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Công ty IG có chức năng kinh doanh vàng trang sức. Sau khi thành lập Công ty, Khánh thuê ông Mai Xuân Tú (SN 1950) làm Tổng giám đốc Công ty.
Khi đã có tư cách pháp nhân, Khánh nhờ Vũ Đình Hùng, là kỹ sư công nghệ thông tin mua giúp phần mềm MT4, là phần mềm chuyên giao dịch kinh doanh vàng, ngoại tệ trên tài khoản và hàng hóa khác. Hùng tìm mua được phần mềm này của Công ty Metaquotes có trụ sở tại Liên bang Nga với giá 6.000 USD/lần đầu, hàng tháng trả phí 1.500 USD. Để mua được phần mềm này, phía người mua phải chuyển đăng ký kinh doanh của công ty cho đối tác. Do đã có mưu đồ từ trước nên Khánh đã làm giả đăng ký kinh doanh của Công ty cổ phần đầu tư kim loại quý Bắc Mỹ (NAPMIG).
Thực tế, đây là một công ty có thật, chuyên kinh doanh vàng, ngoại tệ quốc tế, có trụ sở tại Mỹ, Canada... Do đó, để khách hàng lầm tưởng công ty NAPMIG trên giao dịch vàng tài khoản tại công ty IG là công ty NAPMIG quốc tế, Khánh đã vào trang web của công ty này sao chép thông tin, logo rồi chuyển cho Hùng đăng ký mua phần mềm với công ty Metaquotes. Cũng theo yêu cầu của Khánh, trong tờ khai mua phần mềm của Metaquotes, Hùng đã khai trụ sở công ty NAPMIG tại Canada.
“Thủ thuật” lừa khách hàng
Sau khi mua được phần mềm MT4 trên, Hùng và Khánh đã thiết lập thêm các chức năng quản lý khách hàng: xóa lệnh, đóng lệnh giao dịch, tạo nhóm khách hàng, thiết lập chênh lệch giá mua bán và đưa phần mềm này vào hoạt động. Lợi dụng chức năng kinh doanh vàng trang sức của Công ty IG, Khánh đã quảng cáo trên website vangquocte.net, tuyển dụng và tổ chức đào tạo nhân viên cách thức gọi điện thoại lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư vàng tài khoản.
Khánh huấn luyện cho nhân viên tư vấn cho khách hàng rằng, Công ty IG là đối tác của Công ty NAPMIG có trụ sở tại Canada. Để câu kéo khách hàng, Lưu Công Khánh và Vũ Đình Hùng thuê 2 máy chủ, một máy chạy phần mềm chơi thử và một máy chạy phần mềm chơi thật. Phần mềm chơi thử, khách hàng tự tải về miễn phí. Khi chơi thử, khách hàng bao giờ cũng thắng nên nhiều người đã quyết định “chơi thật”.
Khách hàng tham gia kinh doanh vàng tài khoản tại Công ty IG sẽ được ký một hợp đồng giao dịch hàng hóa và phải “ký quỹ” tối thiểu là 2.500 USD qua tài khoản hoặc nộp trực tiếp vào Công ty. Sau đó khách hàng được công ty giao cho mã giao dịch để chính thức kinh doanh vàng qua tài khoản. Lượng vàng tối thiểu mỗi lần đặt lệnh mua bán là 0,01 lot (1 lot tương đương 83 cây vàng), tối đa không quá 8 lot. Mỗi lệnh mua, bán, khách hàng sẽ bị thu phí 35 USD/lot.
Theo Vũ Đình Hùng khai nhận, các lệnh giao dịch của khách hàng trên máy chủ NAPMIG có thể thay đổi hoặc xóa được. Nếu khách hàng thắng với số lượng ít, chúng để cho khách rút tiền. Nếu khách thắng với số tiền lớn, chúng can thiệp kỹ thuật để đánh sập mạng rồi tự tạo thông báo của công ty NAPMIG về nguyên nhân sập là do khách quan.
Cũng theo khai nhận của Vũ Đình Hùng thì máy chủ NAPMIG không kết nối giao dịch gì với thị trường vàng, ngoại tệ quốc tế, chỉ có một kết nối duy nhất là kết nối biểu đồ giá lên xuống của thị trường vàng và tiền tệ thế giới. Do đó, khi nhìn vào biểu đồ này, khách hàng nhầm tưởng đang giao dịch, mua bán với Công ty NAPMIG thật. Với việc không kết nối giao dịch với thị trường vàng, ngoại tệ quốc tế này thì khi khách hàng chuyển tiền giao dịch, thực chất là chuyển vào tài khoản Công ty của Khánh.
Bài học đắt giá cho kinh doanh vàng “ảo”
Trung tá Hoàng Văn Anh, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Đống Đa cho biết, Lưu Công Khánh là đối tượng rất ranh ma. Nhằm đối phó với cơ quan công an, trong tổng số tiền 60 tỷ đồng chiếm đoạt của khách hàng kinh doanh vàng tài khoản tại Công ty IG, riêng Khánh chiếm đoạt 20 tỷ đồng bằng cách dựng lên việc chuyển tiền cho 2 sàn vàng “ảo” khác tại TP.HCM, nhưng thực chất không có việc chuyển tiền này.
Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng 3 C50, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã khám phá rất nhiều chuyên án có liên quan đến các đối tượng kinh doanh vàng tài khoản, đã cảnh báo thủ đoạn lôi kéo khách hàng tham gia nhưng vẫn còn nhiều người mất cảnh giác. Bước đầu qua khai thác máy chủ thu giữ được của Công ty IG, cơ quan công an đã xác định có hàng ngàn người chơi, trong đó khoảng 500 người đã nộp vào tài khoản của công ty IG số tiền trên 8 triệu USD.