Cần sớm hướng dẫn ngành nghề kinh doanh có điều kiện

(ĐTCK) Ngày 1/7 tới đây, Luật Doanh nghiệp 2015 sẽ có hiệu lực kèm với đó là sự nới rộng hơn về những ngành nghề cấm và kinh doanh có điều kiện.
Kinh doanh sàn vàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh Kinh doanh sàn vàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014, sau nhiều bàn thảo trong việc sửa hai Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, cuối cùng các phụ lục về danh sách các ngành nghề bị cấm và kinh doanh có điều kiện đã được ban hành kèm với luật.

Theo đó, cơ quan soạn thảo thống nhất với các bộ, ngành hữu quan thu hẹp từ 51 lĩnh vực, ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ xuống còn 6 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Tất cả 6 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh này đều đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhưng được tổng hợp trong Luật Đầu tư (sửa đổi) để làm rõ hơn quy định về quyền tự do kinh doanh của công dân.

Về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, số lượng các ngành nghề bị hạn chế từ 386 ngành nghề được quy định tại 391 văn bản pháp luật rút xuống còn 272 ngành nghề. Các điều kiện sẽ được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và được công bố công khai trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định của Chính phủ.

Với quy định mới này, giới kinh doanh kỳ vọng sẽ có một môi trường kinh doanh minh bạch hơn, làm rõ đâu là những hoạt động bị cấm, đâu là các hoạt động có điều kiện, phần còn lại doanh nghiệp được tự do kinh doanh.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là luật khung, cần có những hướng dẫn cụ thể để những quy định tại Luật đi vào cuộc sống. Và để hoạt động kinh doanh thông suốt thì từ nay đến khi Luật có hiệu lực, các bộ, ban ngành cần kịp thời rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các điều kiện kinh doanh này. Đây cũng là điều mà các đại biểu Quốc hội, các doanh nhân, các luật sư trông chờ.

Trên thực tế, trong giai đoạn Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, không ít ngành nghề tuy được chỉ rõ thuộc nhóm các ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định các điều kiện để được kinh doanh bị chậm trễ. Do đó, những ngành nghề này gần như bị cấm một cách không chính thức.

Ví dụ, vừa qua, cơ quan công an đã triệt phá nhiều sàn vàng ảo. Trước những hoang mang, lo sợ của những nhà đầu tư đã tham gia nhiều hoạt động kinh doanh của sàn vàng, đã có quan chức của Ngân hàng Nhà nước chính thức trả lời báo giới, cảnh báo về hoạt động sàn vàng ảo. Theo đó, Khoản 9 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân chỉ được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.

Do đó, hoạt động kinh doanh sàn giao dịch vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước và nước ngoài đều là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp Giấy phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác (gồm cả sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản). Mọi tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch vàng hay kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước và nước ngoài khi chưa được phép đều vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Tương tự, một hoạt động khác, bán khống cũng rơi vào tình trạng như vậy. Điều 71 Luật Chứng khoán 2007 quy định công ty chứng khoán “thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo quy định của Bộ Tài chính”.

Nhưng đến nay, chưa có một hướng dẫn cụ thể nào của Bộ Tài chính về việc CTCK được phép triển khai dịch vụ này. Thậm chí, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn có công văn yêu cầu: trong khi chưa có quy định thực hiện nghiệp vụ này, các CTCK không thực hiện nghiệp vụ nói trên. Cơ quan này cũng đã kiểm tra và xử phạt một số công ty chứng khoán vi phạm trong đó có cả những CTCK lớn như HSC, VNDirect.

Như vậy, dù luật đã mở rộng hơn điều kiện kinh doanh nhưng nếu các cơ quan chức năng không sớm thúc đẩy tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định các điều kiện thì doanh nghiệp khó có thể đặt chân vào một số lĩnh vực kinh doanh bị hạn chế. 

Cũng chính vì thế, trên nghị trường, từng có ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ những trường hợp nào phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và những trường hợp nào được thực hiện hoạt động kinh doanh khi có đủ điều kiện. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi muốn bước chân vào một lĩnh vực có điều kiện.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục