Thu hút vốn ngoại, năm trầm lắng của bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm nội đã nới room ngoại lên 100%, nhưng các thương vụ mua bán cổ phần lớn vẫn chủ yếu thuộc về nhà đầu tư nội.
Việc nới room ngoại lên 100% là cơ sở để các doanh nghiệp bảo hiểm hút vốn ngoại trong tương lai. Việc nới room ngoại lên 100% là cơ sở để các doanh nghiệp bảo hiểm hút vốn ngoại trong tương lai.

Theo cam kết của Việt Nam tại WTO và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài. Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Như vậy, đến thời điểm này, “cửa” đã mở hết cỡ cho nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường bảo hiểm Việt Nam, nhưng thị trường bảo hiểm những năm qua không chỉ là “sân chơi” của những nhà đầu tư ngoại.

Thời của các “tay chơi” nội địa?

Việc thay đổi chiến lược từ tập đoàn mẹ ở nước ngoài tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nội tham gia sâu vào thị trường mới nổi này. Trường hợp khá tiêu biểu là Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam, theo thông tin mà Công ty cổ phần Tasco công bố, Bộ Tài chính đã có công văn chấp thuận cho Tasco được nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam từ Tập đoàn Groupama Assurances Mutuelles (Pháp).

Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam đã hoạt động tại thị trường Việt Nam hơn một thập niên. Bên cạnh các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế theo yêu cầu của doanh nghiệp, cá nhân thì hãng bảo hiểm này còn có các sản phẩm nổi tiếng như bảo hiểm đa rủi ro dành cho cửa hàng và các cơ sở thương mại, bảo hiểm đa rủi ro về nhà cho tư nhân, sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ… Sau khi Tasco mua lại, công ty bảo hiểm này sẽ phát triển mạnh lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới nhằm tận dụng thế mạnh về hệ thống 73 showroom của Savico cũng như 2,5 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ thu phí không dừng (VETC). Con số này dự kiến tăng lên 5 triệu khách hàng vào năm 2027.

Được biết, Tasco sở hữu 100% vốn của Công ty cổ phần SVC Holdings - cổ đông lớn nhất, chiếm 53,68% cổ phần của Savico.

Cùng với sự thay đổi của Groupama Việt Nam, tháng 12/2021, Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA về tay Tập đoàn Bamboo Capital. Sau thương vụ M&A gây chú ý trên thị trường Việt Nam, Bảo hiểm AAA đang tập trung nguồn lực và tài chính để nâng cấp hệ thống, cũng như phát triển thêm các dịch vụ mới dựa trên trải nghiệm khách hàng.

Điển hình như cổng thông tin dịch vụ khách hàng, ứng dụng di động cho khách hàng và đại lý, các sản phẩm bảo hiểm số hóa, dịch vụ khách hàng và bồi thường trực tuyến, thanh toán trực tuyến, mở rộng mạng lưới cung cấp các sản phẩm kỹ thuật số thông qua các đối tác Insurtech…

Bảo hiểm AAA xác định, bancassurance và Insurtech là hai kênh quan trọng sẽ được tập trung đầu tư trong tương lai. Công ty đang có kế hoạch hợp tác với hàng loạt ngân hàng và đối tác lớn khác. Cùng với đó, AAA đẩy mạnh cả kênh kỹ thuật số để có thể mang đến những trải nghiệm vượt trội cho khách hàng.

Để hiện thực hóa tham vọng trở thành công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam, ngoài chiến lược đẩy mạnh kênh phân phối, AAA còn mở rộng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc. Hiện AAA đang có 51 chi nhánh và 100 phòng giao dịch trên toàn quốc.

Một thương vụ “đổi chủ” đình đám không thể không kể đến trong thời gian qua đó là PTI. Sau khi Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thoái hết vốn tại PTI, hiện có 2 nhóm cổ đông lớn nhất là CTCP Chứng khoán VNDirect cùng các cổ đông theo ủy quyền (chiếm 42,33%) và Công ty Bảo hiểm DB - Hàn Quốc (chiếm 37,32%). PTI được đánh giá là mảnh ghép quan trọng để CTCP Tập đoàn Đầu tư IPA - tập đoàn của vợ chồng doanh nhân Phạm Minh Hương, Vũ Hiền - trở thành “định chế đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và công nghệ tài chính”.

Sau thương vụ thoái vốn, dù có nhiều xáo trộn về nhân sự cũ và lợi nhuận cũng kém sắc hơn, nhưng đến nay, PTI vẫn giữ vững được vị trí thứ 3 về thị phần doanh thu. Cụ thể, theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, 9 tháng đầu năm 2022, dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc là PVI, với doanh thu ước đạt 7.585 tỷ đồng, chiếm thị phần 14,95%; tiếp đến là Bảo Việt, với doanh thu ước đạt 7.268 tỷ đồng, chiếm thị phần 14,32%; PTI với doanh thu ước đạt 4.721 tỷ đồng, chiếm thị phần 9,3%...

Ở khối nhân thọ, trung tuần tháng 3/2022, FWD Assurance Việt Nam - một doanh nghiệp thuộc sở hữu của Tập đoàn FWD và hoàn toàn độc lập với FWD Việt Nam thông báo việc chuyển đổi quyền sở hữu 100% vốn điều lệ của FWD Assurance Việt Nam sang một nhóm nhà đầu tư (trong nước) đã được Bộ Tài chính chấp thuận về mặt nguyên tắc và việc chuyển đổi sở hữu vốn đã được hoàn tất.

Vài năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường nhân thọ Việt Nam khá yên ắng, ngoại trừ việc các tập đoàn tài chính - bảo hiểm lớn đổ thêm tiền để tăng vốn điều lệ cho các công ty bảo hiểm đang hiện hữu tại thị trường này.

Bảo hiểm Việt Nam còn hấp dẫn vốn ngoại?

Dù giao dịch không sôi động trong một vài năm gần đây vì yếu tố dịch bệnh, khó khăn kinh tế toàn cầu... nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam, bao gồm cả nhân thọ và phi nhân thọ vẫn được coi là có tiềm năng rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài “khai phá”.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam, bao gồm cả nhân thọ và phi nhân thọ vẫn được coi là có tiềm năng rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài “khai phá”.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 177.303 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 49.792 tỷ đồng, tăng 19,1%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.511 tỷ đồng, tăng 16,2%. Dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng doanh thu phí mới của cả hai khối bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Quan trọng hơn, thị trường Việt Nam vẫn được đánh giá còn thiếu hụt các khoản bảo vệ, trong đó có bảo hiểm. Trong các chuyến công du tới thị trường Việt Nam vừa qua, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài nhìn nhận, Việt Nam vẫn là thị trường trọng tâm của các tập đoàn này ở mảng nhân thọ.

“Việt Nam là con hổ châu Á mới và chúng tôi thực sự tự hào về những gì mà thị trường này mang lại”, ông Damien Green, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Manulife châu Á cho biết. Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 7/2022, ông Damien Green đã cam kết đầu tư lâu dài vào thị trường bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe Việt Nam và đây là một trong những thị trường đầu tiên ông đến thăm kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2022.

Trong khi đó, ông Kevin Strain, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sun Life chia sẻ với truyền thông nhân chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7/2022 rằng, Việt Nam có thể đóng vai trò là một phần của công ty toàn cầu, sự tăng trưởng của công ty con tại Việt Nam có ảnh hưởng tích cực tới kết quả kinh doanh chung của Tập đoàn.

Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam cũng cho biết: “Thị trường Việt Nam, với tiềm năng phát triển rất lớn của ngành bảo hiểm nhân thọ cũng như nhiều thuận lợi về kinh tế, chính trị luôn là một trong những thị trường trọng điểm được Tập đoàn chú trọng đầu tư về con người, công nghệ cũng như tiềm lực tài chính”.

Năm qua, Tập đoàn Generali rót thêm 350 tỷ đồng vào Generali Việt Nam, nâng vốn điều lệ của Công ty lên 7.202,6 tỷ đồng.

Ở khối phi nhân thọ, thành viên Ban điều hành HDI Global SE, đang nắm giữ cổ phần lớn tại PVI, từng chia sẻ, do thị trường Đức không tăng trưởng nữa, nên họ phải đi tới các thị trường khác để tìm kiếm cơ hội. Việt Nam được lựa chọn bởi tiềm năng phát triển trong tương lai.

Cơ hội tiếp tục rộng mở hơn đối với các nhà đầu tư ngoại tại thị trường này khi năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức cập nhật điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với 59 ngành nghề, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm (không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm).

Các hãng bảo hiểm như PTI, PJICO cũng đã nhận được văn bản của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của doanh nghiệp tăng từ 49% lên 100%. Cơ hội đón thêm nhà đầu tư ngoại tiếp tục mở ra tại các doanh nghiệp này.

Ở góc độ khác, với Bảo Minh, có lẽ việc được nới room ngoại lên 100% cũng sẽ góp phần “mở đường” cho việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vẫn sở hữu xấp xỉ 51% vốn tại Bảo Minh.

Trong một động thái khác, với chiến lược đầu tư vào các dự án công nghệ thông tin trọng điểm, bảo hiểm số và gia tăng năng lực tài chính, MIC đặt mục tiêu gia nhập nhóm 3 doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu về thị phần trong năm 2026 và dẫn đầu về chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam...

Hiện hãng bảo hiểm này đang cùng Ngân hàng TMCP Quân đội - ngân hàng mẹ (hiện nắm hơn 62% vốn của MIC) tìm kiếm các đối tác có uy tín, thương hiệu và kinh nghiệm phát triển bán lẻ, có khả năng hỗ trợ Công ty về mặt quản trị, chiến lược, phát triển công nghệ thông tin.

Gia Ngọc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục