Gỡ vướng cho doanh nghiệp
Sau nhiều chờ đợi, ngày 31/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật “điều kiện tiếp cận thị trường” trong 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm lĩnh vực bảo hiểm, trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư. Thông tin này ngay lập tức được các doanh nghiệp đón nhận.
Theo các thông tin được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, kinh doanh bảo hiểm, kể cả theo các cam kết tại các hiệp định như WTO, CPTPP, EVFTA, VJEPA, VKFTA hay theo pháp luật Việt Nam, đều “không hạn chế” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp bảo hiểm có thể thở phào, bởi đây là một trong những vướng mắc lớn của họ trong quá trình “vời” các cổ đông nước ngoài cùng tham gia đầu tư, kinh doanh.
Hơn 2 năm trước, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Tổng công ty Bảo Minh đã thông qua chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, từ mức 49% hiện tại. Bảo Minh vào thời điểm đó có hai cổ đông ngoại lớn nhất là AXA và First Land, với tỷ lệ sở hữu tương ứng là 16,65% và 5,65%.
Khi ấy, ông Lê Song Lai, Chủ tịch HĐQT Bảo Minh còn cho biết, ngay sau Đại hội, HĐQT sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng để được hướng dẫn về thủ tục nới room. Bảo Minh cũng không giấu tham vọng có thể hoàn tất các thủ tục này vào quý III/2019.
Hơn 2 năm đã trôi qua, Bảo Minh vẫn chưa thể nới room, dù đã nhiều lần có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Thậm chí, họ còn không biết mình có thuộc diện được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% không.
Điều 139, Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán đã hướng dẫn rằng: “Các công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định về sở hữu nước ngoài tại danh mục”.
Nhưng đồng thời, điều khoản này cũng quy định rằng: “Trường hợp ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện tại danh mục không quy định cụ thể điều kiện tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty là 50% vốn điều lệ”.
Cái khó là, trong danh mục các ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài không có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty bảo hiểm, nên doanh nghiệp càng loay hoay.
Mọi việc dần trở nên rõ ràng hơn, khi Điều 18, Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư quy định rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, tập hợp điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư.
5 tháng sau khi Nghị định 31/2021/NĐ-CP được ban hành, các “điều kiện tiếp cận thị trường” đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, gỡ vướng cho các doanh nghiệp.
“Mở cửa” cho nhà đầu tư ngoại
Cần nhắc lại rằng, suốt thời gian qua, thậm chí vào thời điểm cuối tháng 5/2021, Bộ Tài chính, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã phải gửi công văn tới một số bộ, ngành để “hỏi ý kiến” về tỷ lệ sở hữu vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Bảo Minh, theo các quy định hiện hành và cam kết quốc tế của Việt Nam. Quy định pháp luật chưa rõ ràng khiến Bảo Minh chưa thể nới room.
Thực tế, Bảo Minh không phải là doanh nghiệp duy nhất gặp khó trong nới room cho nhà đầu tư ngoại. Hiện có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm có cổ đông chiến lược nước ngoài sở hữu lượng cổ phần lớn như Bảo Việt, PTI, BIC, AAA, Vinare… PJICO cũng có cổ đông chiến lược nước ngoài là Samsung Fire & Marine Insurance Co., Ltd. Trong khi đó, Công ty cổ phần PVI (PVI Holdings) có cổ đông nước ngoài lớn nhất là HDI Global SE. PVI đã thông qua phương án nới room ngoại lên mức tối đa 100%, giống như Bảo Minh.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đều không giấu giếm mong muốn rằng, việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp họ mở rộng kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận. Ngoài ra, tính thanh khoản và giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng được cải thiện.
Khi quy định pháp lý rõ ràng, các doanh nghiệp sẽ được gỡ khó trong vấn đề nới room ngoại. Ở chiều ngược lại, đây cũng là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài, bởi từ đây, “cửa” sẽ mở hơn cho họ.
Thành viên Ban Điều hành HDI Global SE, đang nắm giữ cổ phần lớn tại PVI, từng cho biết, do thị trường Đức không tăng trưởng nữa, nên họ phải đi tới các thị trường khác để tìm kiếm. Và Việt Nam được lựa chọn, bởi tiềm năng phát triển trong tương lai.
Một nhà đầu tư khác là Allianz cũng đang nỗ lực giành thị phần và mở rộng tầm ảnh hưởng ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Với Allianz, châu Á là một thị trường trọng điểm và là động lực tăng trưởng của họ.
Ngay cả một trong những cổ đông nước ngoài của Bảo Minh là First Land cũng từng cho biết, họ lạc quan về thị trường bảo hiểm Việt Nam và sẽ nâng tỷ lệ sở hữu nếu có cơ hội.
Năm 2019, khi công bố kế hoạch nới room, ông Lê Song Lai còn cho biết, đã có một số nhà đầu tư quan tâm mua cổ phần của Bảo Minh khi quyết định nới room được thông qua. Chi tiết về các nhà đầu tư này không được tiết lộ và không biết tới thời điểm này họ còn mặn mà với Bảo Minh hay không. Tuy nhiên, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực bảo hiểm của Việt Nam là có thật.
Ở góc độ khác, với Bảo Minh, có lẽ việc được nới room ngoại lên 100% cũng sẽ góp phần “mở đường” cho việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vẫn sở hữu xấp xỉ 51% vốn tại Bảo Minh.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam, bao gồm cả nhân thọ và phi nhân thọ, được coi là có tiềm năng rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài “khai phá”. 6 tháng đầu năm nay, bất chấp dịch Covid-19, tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường vẫn ước đạt gần 96.800 tỷ đồng, tăng 16,22% so với cùng kỳ năm 2020.