Thu hút đầu tư lĩnh vực dầu khí cần gói ưu đãi đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba (khai mạc tháng 5/2022) và thông qua vào kỳ họp thứ tư (cuối năm 2022).
Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu tại phiên họp Ủy ban Kinh tế sáng 31/3( Ảnh - PT) Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu tại phiên họp Ủy ban Kinh tế sáng 31/3( Ảnh - PT)

Tham gia thẩm tra Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sáng 31/3, các ý kiến tại Ủy ban Kinh tế và một số vị đại biểu từ Ủy ban Tư pháp, Pháp luật, Tài chính - Ngân sách, Đối ngoại, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đều tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định cụ thể tại dự thảo cần được cân nhắc kỹ hơn vì đây là luật liên quan đến rất nhiều đạo luật khác, bao gồm cả pháp luật về đầu tư, kinh doanh, dân sự, hình sự...

Cân nhắc kỹ thẩm quyền

Một trong những vấn đề theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cần phải cân nhắc rất kỹ, đó là quy định tại điều 14 về phê duyệt hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Cụ thể, khoản 1 điều này quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí.

Khoản 2 quy định: Phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở để nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí và thay thế phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công đối với dự án dầu khí.

Việc chốt "thay thế phê duyệt chủ trương đầu tư" ở khoản 2, theo đại biểu Cường có thể sẽ vướng. Vì, nếu dự án quan trọng quốc gia (có mức vốn 10.000 tỷ đồng trở lên, có cơ chế đặc thù cần Quốc hội quyết định...) thì phải do Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, mà trong thực tế, ở lĩnh vực dầu khí thì rất có thể có các dự án rơi vào tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Vậy quy định như trên thì có phải "bác" quy định của Luật Đầu tư công không? Phó chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Cường băn khoăn.

Từ phân tích trên, đại biểu Cường đề nghị thiết kế quy định phải rõ thẩm quyền, chứ không thể 2 trong 1 như điều 14.

Vẫn liên quan đến thẩm quyền, dự thảo luật quy định thời hạn hợp đồng dầu khí có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 5 năm; thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 5 năm. Trong trường hợp đặc biệt vì lý do quốc phòng an ninh, điều kiện địa chất dầu khí phức tạp, điều kiện thực địa triển khai hoạt động dầu khí có những khó khăn rất đặc thù hoặc cần bảo đảm thời gian khai thác khí hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho phép tiếp tục gia hạn thời hạn hợp đồng dầu khí và thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí vượt các thời hạn quy định tại Điều này.

Theo đại biểu Cường, quy định này là cần thiết nhưng dự thảo luật cần quy định thời hạn gia hạn hợp đồng của Thủ tướng, để không vượt quá giới hạn được Quốc hội cho phép.

"Tất nhiên chúng ta tin tưởng Thủ tướng thôi nhưng quy định của luật phải chặt chẽ", Phó chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Cường phát biểu.

Cần gói ưu đãi đặc biệt

Một trong những vấn đề cấp thiết của lần sửa đổi này, theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Ngọc Sơn là tạo ra cơ chế hấp dẫn hơn để khuyến khích hơn các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực dầu khí.

Hiện tại, những con số nhìn ở khâu đầu tư thăm dò dầu khí là đáng báo động, ông Sơn nhìn nhận và cho biết thời gian qua có nhiều lô được mời chào nhưng nhà đầu tư họ không tham gia vì không đủ ưu đãi.

7 năm qua chỉ ký được 3 hợp đồng mới, còn số hợp đồng chấm dứt là 18 cái, sản lượng liên tục suy giảm hàng năm và gia tăng trữ lượng hàng năm không bù được, ông Sơn nhấn mạnh.

Tổng thể hơn, ông Sơn thông tin có108 hợp đồng đã ký và hiện nay còn 55 hợp đồng, nhưng có 5 hợp đồng đang làm thủ tục chấm dứt, như thế chỉ còn 50 hợp đồng và trong số đó lại có nhiều hợp đồng "ngủ đông".

Với hiện trạng như thế, ông Sơn cho rằng nếu vẫn giữ cơ chế như hiện tại thì chưa chắc đã thu hút được nhà đầu tư.

Lần sửa đổi này, Ban Soạn thảo đề xuất mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% áp dụng đối với lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Nội dung này được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam. Cụ thể: mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia 25%, Trung Quốc 25%, Myanmar 30%; mức thu hồi chi phí (tối đa) của Malaysia là 75%, Indonesia 90%.

Tuy nhiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, với chính sách thuế toàn cầu thì ưu đãi về thuế tại dự thảo luật không còn nhiều lợi thế.

Phải có gói cơ chế ưu đãi đặc biệt theo nhu cầu của nhà đầu tư mà hai bên đều tìm thấy lợi ích chung, ông Hiếu nêu quan điểm.

Thừa nhận ưu đãi thuế không còn nhiều lợi thế như đại biểu Hiếu phân tích, Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng, tới đây sẽ nghiên cứu và có bộ ưu đãi khác. Nhưng hiện tại công cụ thuế vẫn còn tác dụng.

Về ý kiến ưu đãi thuế không nên quy định ở luật này, ông Tiến nói Chính phủ đã cân nhắc kỹ, nhưng trong khi luật về thuế chưa sửa được thì trước mắt cần đưa ưu đãi thuế vào Luật Dầu khí (sửa đổi), nếu không thì không phát huy được quy định này khi ban hành luật.

Phát biểu kết luận, liên quan đến ưu đãi đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đồng tình cần có gói ưu đãi mà không quá lệ thuộc vào công cụ thuế.

Cho rằng, dự thảo luật đã đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022), ông Thanh lưu ý cần đầu tư thích đáng để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật nhưng vẫn đưa ra được các quy định đặc thù cho ngành dầu khí tại dự thảo luật này.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục