Ông Đinh Thanh Phương. |
"Khách thuê tăng đáng kể, tín hiệu phục hồi đã rất rõ ràng" - Ông Đinh Thanh Phương, Giám đốc phát triển kinh doanh Khu công nghiệp Việt Nam
Theo ghi nhận của Phòng Kinh doanh Khu công nghiệp Việt Nam, ngay khi có thông tin chính thức về mở cửa các chuyến bay thương mại từ ngày 15/3, lượng yêu cầu thuê kho xưởng Khu công nghiệp Việt Nam nhận được tăng đáng kể so với thời điểm 2 tuần đầu tháng 2. Đây là một tín hiệu tích cực về sự phục hồi kinh tế mà Khu công nghiệp Việt Nam nhận được.
Sự linh hoạt và quyết liệt trong việc mở lại các chuyến bay thương mại thực sự là một dấu hiệu tích cực, một cột mốc quan trọng cho nền kinh tế. Chúng tôi hy vọng sớm có hướng dẫn cụ thể cũng như sự phối hợp giữa các công ty hàng không và cục xuất nhập cảnh để việc đi lại của các nhà đầu tư được dễ dàng và linh động, giúp thúc đẩy việc ra quyết định đầu tư và cuối cùng là thúc đẩy nền kinh tế.
Bà Vũ Thị Thu Hằng. |
“Khối ngoại đang đẩy mạnh mở rộng quy mô” - Bà Vũ Thị Thu Hằng, Giám đốc kinh doanh CTCP Đầu tư phát triển TNI Holdings Vietnam
Việc mở lại đường bay quốc tế đã mang lại cho các nhà đầu tư nước ngoài nhiều cơ hội trong việc nâng cao năng suất sản xuất hàng hóa, đơn hàng được thông thương nhiều hơn và các nhân sự cấp cao của các tập đoàn đa quốc gia có thể di chuyển công tác tới Việt Nam dễ dàng hơn.
Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, điển hình nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm cách mở rộng quy mô, đặt thêm nhiều chi nhánh trong các khu công nghiệp khác nhau. Kết quả chỉ riêng tháng 1/2022, Việt Nam thu hút 2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Bước sang năm 2022, lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp được dự báo sẽ hưởng lợi lớn do tình hình dịch bệnh được kiểm soát trên cả nước nhờ chiến dịch tiêm vaccine, các chuyến bay thương mại quốc tế được nối lại từ tháng 3/2022, các nhà đầu tư và chuyên gia quay lại Việt Nam và chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 như giảm thuế VAT 8%, đầu tư công 1,6% GDP.
Nhờ những điều kiện thuận lợi trên, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào các khu công nghiệp có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới với chủ đạo là các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và EU.
Bà Đỗ Lan Anh. |
“Có nhiều yếu tố thúc đẩy sự bùng nổ của hoạt động M&A trong năm 2022” - Bà Đỗ Lan Anh, Thành viên Hội đồng Đầu tư quỹ Asia Business Builders, Giám Đốc M&A của ABB Merchant Banking
Việc mở lại các đường bay quốc tế, đơn giản hóa các thủ tục visa và cách ly có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các giao dịch cross-border M&A (mua bán, sáp nhập xuyên biên giới).
Đối tượng mua bán trong các giao dịch M&A là một hàng hóa phức tạp, đòi hỏi sự tìm hiểu sâu sắc về môi trường kinh doanh, pháp lý, tiềm năng ngành, văn hóa doanh nghiệp, lịch sử phát triển, tình hình tài chính, hệ thống quản trị, năng lực ban lãnh đạo... Tất cả những điều đó không dễ dàng có thể chuyển qua online 100%.
Trong năm 2021, ABB Merchant Banking đã tư vấn thành công nhiều giao dịch M&A, trong đó các đối tác nước ngoài sẵn sàng đến Việt Nam và cách ly 14 - 21 ngày để tìm hiểu và đàm phán các giao dịch M&A, sau đó trở về nước lại tiếp tục cách ly thêm 14 - 21 ngày để có thể trở lại cuộc sống bình thường. Vì vậy, việc mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3 tới, theo góc nhìn của chúng tôi là cú hích vô cùng quan trọng với các hoạt động cross-border M&A nói riêng và cho cả các hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài khác tại Việt Nam.
Năm 2022 chắc chắn sẽ là một năm bùng nổ với các hoạt động M&A, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố như: Chính sách kiên định của Chính phủ trong việc chuyển đổi trạng thái; Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhờ sự ổn định chính trị; Dòng vốn dồi dào; Các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ.
Ông John Campbell. |
“Các hoạt động đầu tư và M&A đã rất sôi động” - Ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phát triển vượt kỳ vọng trong năm 2022 khi nhu cầu trong nước phục hồi cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI vẫn duy trì ổn định.
Bên cạnh đó, các điều kiện kinh doanh được cải thiện đáng kể trong 5 tháng qua sau những cản trở của đợt bùng phát dịch Covid-19 biến chủng Delta năm 2021.
Việc mở cửa trở lại là yếu tố quan trọng giúp củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế, đồng thời hứa hẹn một năm 2022 phát triển thành công của lĩnh vực công nghiệp. Thực tế cho thấy ngay trong quý đầu năm, không ít nhà đầu tư lớn đã đầu tư nhà máy để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Trong tháng 3 này, Savills Việt Nam đã hỗ trợ Tập đoàn Fuchs thuê thành công khu đất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, Fuchs - tập đoàn dầu nhớt hàng đầu của Đức - đã mở rộng hoạt động tại Việt Nam với việc thuê dài hạn khu đất 20.000 m2 tại Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3.
Trước đó, vào tháng 2, Savills Việt Nam cũng thực hiện thành công thương vụ thuê nhà xưởng giữa framas và KTG Industrial. framas, nhà sản xuất máy ép phun hàng đầu của Đức, đã thuê một cơ sở xây sẵn rộng 20.000 m2 tại KTG Industrial Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai. Hợp đồng thuê có thời hạn 10 năm được ký vào cuối đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất của Việt Nam thể hiện sức mạnh không ngừng của nền kinh tế Việt Nam và lĩnh vực bất động sản công nghiệp trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Về phía các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp, thị trường trong 3 tháng qua đã rất sôi động với những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD tại các khu công nghiệp trên cả nước. Ví dụ, cuối tháng 12/2021, Gaw NP Industrial đã khởi công dự án nhà máy xây sẵn (RBF) rộng 16 ha tại Trung tâm Công nghiệp GNP Yên Bình 2. Cuối tháng 2, Khu công nghiệp Việt Nam cũng đã tổ chức lễ khởi công Dự án nhà xưởng và nhà kho tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, tỉnh Long An với quy mô 13,4 ha.
Nói về các thương vụ đã thực hiện, tôi cho rằng, thị trường đã hoạt động tích cực kể từ đầu năm nay. Tiêu biểu, LOGOS Viet Nam Logistics Venture thực hiện thương vụ M&A thứ 4 tại Việt Nam. Ngày 17/2, LOGOS và Manulife Investment Management đã thiết lập mối quan hệ đối tác liên doanh để mua lại một nhà xưởng logistics hiện đại xây theo yêu cầu (built-to-suit) có tổng diện tích 116.000 m2 với giá trị đầu tư lên đến 80 triệu USD.
Bên cạnh đó, CapitaLand Development cũng đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư 1 tỷ USD với tỉnh Bắc Giang để phát triển khu công nghiệp, khu hậu cần và khu đô thị đầu tiên của CLD tại Việt Nam. Ngoài ra,, Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW đã mua lại Khu công nghiệp DEEP C với quy mô khoảng 74.000 m2 tại Khu công nghiệp Bắc Tiên Phong, tỉnh Quảng Ninh.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 7,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Thái Nguyên mặc dù không thu hút được dự án mới, nhưng với 2 dự án điều chỉnh vốn quy mô lớn, Thái Nguyên xếp thứ hai với gần 924 triệu USD, chiếm gần 18,5% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Nghệ An, Long An…
2 tháng đầu năm đã có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,4 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư, giảm 12% so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 538 triệu USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư, giảm 29,3% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan…