Bất động sản công nghiệp rục rịch đón khách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc nối lại các chuyến bay quốc tế đang mở ra cơ hội đón nhà đầu tư nước ngoài và mang đến sự hào hứng cho thị trường bất động sản công nghiệp.
Quy hoạch mặt bằng tốt sẽ giúp chủ đầu tư đón được khách thuê chất lượng. Ảnh: Thành Nguyễn Quy hoạch mặt bằng tốt sẽ giúp chủ đầu tư đón được khách thuê chất lượng. Ảnh: Thành Nguyễn

Đẩy mạnh mở rộng, thành lập mới khu công nghiệp

Hiện nay, nhiều địa phương đang lên kế hoạch mở rộng cũng như thành lập thêm các khu công nghiệp mới để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư. Chẳng hạn, Hà Nội phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập 5 khu công nghiệp mới trong năm nay, trong đó lớn nhất là Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng (389 ha), kế đến là Khu công nghiệp Sóc Sơn (302,8 ha), Khu công nghiệp Đông Anh (300 ha), Khu công nghiệp Phụng Hiệp (174,88 ha) và Khu công nghiệp Bắc Thường Tín (112 ha).

Ngoài những khu công nghiệp kể trên, Hà Nội còn có kế hoạch mở rộng các khu công nghiệp đã có chủ đầu tư như Khu công nghiệp Quang Minh I, huyện Mê Linh hay Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội tại quận Bắc Từ Liêm, đồng thời thực hiện rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (giai đoạn 2).

Tương tự, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hình thành 32 cụm công nghiệp mới với tổng diện tích gần 700 ha và đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp còn dở dang, thu hút đầu tư để lấp đầy 22 cụm công nghiệp đã thành lập trước đó.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Duy Thành, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh đang nỗ lực kiến tạo các khu công nghiệp bài bản, có hạ tầng tốt, cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao PCI để tạo tiền đề thu hút đầu tư. Hiện, Vĩnh Phúc đang tiếp cận với nhiều nhà đầu tư chiến lược, chủ động giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để các nhà đầu tư biết.

“Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có nhiều nhà đầu tư châu Âu đang nhắm đến Đông Nam Á và Việt Nam được xem là điểm đến tiềm năng nhất. Tương tự, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang có xu hướng đầu tư ra nước ngoài và nhiều doanh nghiệp cho biết sẵn sàng chọn Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến nay, mới có khoảng 3% số doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư được ra nước ngoài cho thấy, dư địa để thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam là rất lớn”, ông Thành nhấn mạnh.

Về phía chủ đầu tư, theo ghi nhận của phóng viên, việc chủ động “dọn nhà đón khách” cũng đang được đẩy mạnh.

“Ngay từ đầu năm, nhiều nhà đầu tư đã đi khảo sát để chuẩn bị cho việc thuê đất sản xuất. Từ buổi khai Xuân, chúng tôi đã dẫn khách đi thực tế tại khu công nghiệp rồi. Hiện có nhiều nhà đầu tư lớn hoạt động trong lĩnh vực logistics đang tiếp xúc với IDICO để khảo sát đầu tư”, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) chia sẻ.

Theo vị này, sau hơn 2 năm gián đoạn vì Covid-19, việc chính thức mở lại đường bay quốc tế khiến cả các khách thuê lẫn chủ đầu tư khu công nghiệp rất hào hứng và cả hai phía đều đang chủ động đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư. Với IDICO, ngay trước Tết Nhâm Dần đã đưa vào hoạt động nhà điều hành tại Khu công nghiệp IDICO, bên cạnh chuẩn bị khởi công nhà xưởng xây sẵn tại Khu công nghiệp Hựu Thạnh (Long An) để đáp ứng nhu cầu gia tăng của nhà đầu tư.

“Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 hiện có tỷ lệ lấp đầy trên 75%, Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 mở rộng lấp đầy trên 50%, còn Khu công nghiệp Hựu Thạnh mới khoảng 10%. Song, với việc các hoạt động kinh tế được khơi thông, đường bay quốc tế được mở trở lại, chúng tôi khá lạc quan về việc sẽ thu hút tốt các khách thuê lớn cả trong và ngoài nước”, đại diện IDICO nói.

Sản phẩm đã chuẩn bị sẵn để đón khách thuê. Ảnh: Thành Nguyễn

Sản phẩm đã chuẩn bị sẵn để đón khách thuê. Ảnh: Thành Nguyễn

Triển vọng lạc quan

Theo ông Vũ Công Trụ, chuyên gia bất động sản khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư, với việc mở lại đường bay quốc tế, một số khu công nghiệp có tích lũy quỹ đất lớn sẽ phải đẩy mạnh xúc tiến đa kênh để thu hút nhà đầu tư. Trong đó, chủ đầu tư có thương hiệu, có chiến lược dài hạn sẽ thực hiện các kế hoạch xúc tiến chuyên nghiệp hơn, nhắm vào nhóm khách hàng mục tiêu đã dự định trước, thậm chí là các khách hàng “mỏ neo”, tập đoàn đa quốc gia hoặc vendor (nhà cung cấp) cấp 1 của các công ty đa quốc gia để công tác xúc tiến đầu tư có trọng tâm hơn.

“Thời gian tới, các nhà đầu tư từ châu Âu và Hoa Kỳ sẽ quan tâm nhiều hơn đến khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Chúng ta đang có lợi thế, nhưng hoạt động của nhà đầu tư ngoại sẽ không theo hướng thâm dụng lao động, mà ở góc độ tận dụng các ưu đãi, các ngành công nghệ cao. Do đó, chủ đầu tư nào quy hoạch mặt bằng tốt, vị trí phù hợp thì sẽ có khả năng đón được khách thuê tốt và chất lượng hơn”, ông Trụ đánh giá.

Quan sát động thái khách thuê trong nước, ông Trụ cho rằng, nhóm khách hàng này bắt đầu mở rộng sản xuất trở lại, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày… Điều này xuất phát từ việc khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng, nhiều lao động bỏ về quê, thu nhập bị ảnh hưởng và hiện là lúc lực lượng này quay trở lại các khu công nghiệp để tìm việc làm.

Về nguồn cung, theo ông Trụ, hiện quỹ hàng sẵn sàng cho thuê không nhiều, nhưng khách thuê có thể sẽ chấp nhận việc ký hợp đồng thuê lại đất của các chủ đầu tư đã hoàn thiện pháp lý và đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng. Tuy nhiên, cách làm “cắt đất, phân lô” cho thuê đơn thuần mà ít đầu tư hạ tầng sẽ không còn hiệu quả. Do đó, các chủ đầu tư khu công nghiệp cần hướng đến các sản phẩm có cả hạ tầng cơ sở, hạ tầng mềm, dịch vụ trước, trong và sau khi thuê… để có thể thu hút khách thuê tốt hơn, với giá thuê cao hơn.

Quan sát diễn biến thị trường, ông Phạm Ngọc Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty IMG cho rằng, trong năm 2021, nhà đầu tư trong nước hoạt động tích cực hơn so với khối ngoại do dịch bệnh đã cản trở việc đi lại, khảo sát, xúc tiến đầu tư của khối này. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, độ mở lớn nhờ gia tăng các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp nước ngoài.

Theo ông Tùng, bối cảnh năm 2022 có nhiều điểm tích cực như dịch bệnh dần được kiểm soát, nền kinh tế thông suốt và dần tiến tới mở cửa hoàn toàn như trước dịch, đặc biệt là việc Chính phủ triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế với quy mô lên tới 350.000 tỷ đồng - là động lực kéo nền kinh tế đi lên. Trong gói hỗ trợ này, một phần rất lớn được đầu tư vào hạ tầng giao thông, đây là “cú huých” rất lớn cho bất động sản công nghiệp, đặc biệt tại khu vực miền Nam, nơi chịu nhiều tác động của dịch bệnh nhất thời gian qua.

“Trong năm 2021, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã hoàn thành quá trình khảo sát, nghiên cứu và năm 2022 sẽ đưa ra quyết định. Việt Nam luôn là thị trường ưa thích và dòng vốn ngoại được dự báo sẽ tăng lên trong năm 2022”, ông Tùng đánh giá.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục