Đây là những phản ánh đầy lo ngại của các DN dệt may và chuyên gia kinh tế tại Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, trong bối cảnh Thông tư 37 bắt đầu có hiệu lực ngay từ giữa tháng này.
Theo nhận xét thẳng thắn của các DN và nhiều chuyên gia, đây là một thông tư bất chấp ý kiến góp ý của DN và thậm chí đã đi ngược lại tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đã phải khẳng định rằng Thông tư này không hề đáp ứng tinh thần chung, cũng như từng yêu cầu cụ thể của Nghị quyết 19 đối với việc sửa đổi Thông tư 32 về hướng dẫn kiểm tra hàm lượng formaldehyt, vốn đang làm nhiều DN phải khổ sở vì sự phức tạp, tốn kém và mất thời gian.
Rất nhiều DN từng phải “kêu trời” khi mất tiền tỷ và không ít thời gian, công sức cho việc kiểm tra hàm lượng formaldehit trong sản phẩm dệt may theo Thông tư 32 của Bộ Công thương và nay lại là Thông tư 37.
Thông tư 37 có nhiều nội dung không rõ ràng và khó hiểu, do đó dễ dẫn đến việc mỗi nơi hiểu một cách khác nhau. Bên cạnh đó, xét theo tiêu chí và yêu cầu của Nghị quyết 19 thì Thông tư 37 còn khoảng cách khá xa.
Một DN dệt may chia sẻ: “DN phải tốn phí từ 1,67 triệu đồng/mẫu hàng dệt may để kiểm tra chất lượng. Trung bình, một lô hàng cần kiểm tra hàm lượng formaldehyt, các amin thơm từ 3-4 mẫu, có lô tới 7 mẫu. Sau đó, chờ 3-5 ngày làm việc mới có kết quả, nếu muốn nhanh hơn phải tốn thêm chi phí (khoảng 700.000 đồng để lấy trong ngày). Riêng chi nhánh Hà Nội, mỗi năm Công ty đã mất khoảng 1 tỷ đồng tiền kiểm dịch. Nếu tính cả ở TP. HCM, Công ty tốn gần 3 tỷ đồng cho khâu kiểm tra này mỗi năm. Nếu Thông tư không sớm sửa đổi về phí thì DN còn chịu tốn kém khá nhiều chi phí lưu kho và thời gian”.
Từ trường hợp này, ông Phạm Thanh Bình, Nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) ước tính sơ bộ, cả nước có hàng nghìn DN dệt may, tính ra chi phí cho việc tuân thủ Thông tư này mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng, một con số quá sức tưởng tượng về chi phí kiểm định.
Không chỉ DN “kêu trời”, bản thân phía cơ quan hải quan cũng “khổ” không kém bởi các Thông tư này. Một nhân viên hải quan tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) cho biết, Thông tư 32 cũ và ngay cả Thông tư 37 chuẩn bị có hiệu lực, nếu được thực hiện sẽ làm khổ cả hải quan lẫn DN.
Quy định phải kiểm tra tại cửa khẩu, hàng dừng tại cửa khẩu là DN phải chịu chi phí lưu kho, đỗ xe, trong khi cán bộ hải quan vất vả trước số lượng hàng nhập mỗi ngày không ít. Một sự lãng phí vô lý quá lớn nữa là khi DN nhập khẩu một bộ bàn ghế sô-pha mà phải lấy đi 1 chiếc ghế để kiểm tra coi như bỏ luôn một bộ; hay lô chăn nhập khẩu, phải lấy 1 chiếc để kiểm tra, có loại khá đắt tiền, gây tổn phí không nhỏ cho DN.
Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May Nhà Bè cho biết, DN đã có nhiều góp ý từ khi Thông tư 37 đang được dự thảo, nhưng “các góp ý không được quan tâm và đoái hoài”. Ngay cả Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng khẳng định, nội dung Thông tư 37 đã ban hành hoàn toàn khác với các bản dự thảo đã gửi cho DN để góp ý, khiến DN rất lúng túng và Thông tư mới ban hành chưa rõ ràng, có xu hướng tăng thêm đối tượng phải kiểm tra, tăng thêm chi phí cho DN.
So sánh một cách khách quan, ông Bình công nhận Thông tư 37 có nhiều tiến bộ hơn với Thông tư 32 đang áp dụng, như đã giảm 50% số hồ sơ, giảm đáng kể phạm vi kiểm tra… Tuy nhiên, theo ông Bình, Thông tư 37 có nhiều nội dung không rõ ràng và khó hiểu, do đó dễ dẫn đến việc mỗi nơi hiểu một cách khác nhau. Bên cạnh đó, xét theo tiêu chí và yêu cầu của Nghị quyết 19 thì Thông tư 37 còn khoảng cách khá xa.
Trong khi Nghị quyết yêu cầu giảm mạnh chi phí cho DN thì nếu tuân thủ Thông tư 37, chi phí chỉ có thể giảm trong trường hợp áp dụng hình thức kiểm tra hồ sơ, mặc dù chưa tính được mức phí cụ thể thế nào, nhưng lại tăng thêm chi phí cho hình thức kiểm tra xác xuất và kho bãi. Nghị quyết 19 yêu cầu chuyển mạnh sang hậu kiểm thì Thông tư 37 lại yêu cầu kiểm tra ngay tại kho bãi…
Một vấn đề rất đáng quan tâm khác được ông Cung nêu ra là tổ chức tham gia kiểm định nhà nước đối với hàm lượng formaldehyt và amin thơm trong sản phẩm dệt may.
Theo ông Cung, quy định tại Chương II về tổ chức tham gia kiểm định còn quá sơ sài, với hàng loạt câu hỏi quan trọng chưa hề được xem xét như quy trình và phương pháp lựa chọn nào được áp dụng, quy định ở đâu, hội đồng gồm những ai, tiêu chuẩn thành viên hội đồng thế nào, hoạt động ra sao, quyết định những gì, trách nhiệm hội đồng nói chung và thành viên nói riêng, tiêu chí nào áp dụng để lựa chọn tổ chức kiểm định, hình thức mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đơn vị được chọn?
“Cách quy định kiểu này rất không rõ ràng, thiếu minh bạch, nguy cơ tùy ý cao, không quy được trách nhiệm nên không có áp lực buộc có trách nhiệm giải trình”, ông Cung nói và cảnh báo về bản chất quy định như vậy dễ dẫn đến buông lỏng quản lý nhà nước đối với cung ứng loại dịch vụ này, làm giảm chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý nhà nước. Thậm chí có nguy cơ lạm dụng dịch vụ quản lý nhà nước để trục lợi. Chính vì vậy, ông Cung đề nghị Bộ Công thương xem xét đình chỉ hiệu lực thi hành Thông tư 37 và nghiên cứu sửa đổi bổ sung Thông tư 32 theo đúng yêu cầu Nghị quyết 19.