Do đó, ảnh hưởng của Thông tư 36, nếu có thì cũng chỉ ảnh hưởng tốt trong dài hạn đến chất lượng của TTCK và ảnh hưởng tốt đến chất lượng của hoạt động ngân hàng và là tiền đề cho quá trình tái cấu trúc ngân hàng.
Nâng chuẩn hoạt động ngân hàng
Thông tư 36 tốt cho ngành ngân hàng và nền kinh tế bởi văn bản này giải quyết được những vấn đề khúc mắc nhất của ngành ngân hàng là sở hữu chồng chéo, lách luật, cho vay sân sau. Đích đến của Thông tư 36 không phải là lượng margin mà là vấn đề sở hữu chéo.
Thời điểm ra đời Thông tư 36 tương đối thích hợp khi từ cách đây hai năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có ý định đưa ra các chế tài tương tự như trong Thông tư 36, nhưng vướng nhiều rào cản. Nay, sau những yêu cầu và cả thương thuyết riêng giữa cơ quan quản lý với từng nhóm cổ đông lớn ngân hàng thì tinh thần buộc phải cải tổ cũng đã thông hơn.
Các quy định của Thông tư 36 hướng đến các mục tiêu cụ thể bao gồm làm thế nào để hoạt động của ngân hàng an toàn hơn, khắc phục những tồn tại hiện tại của hệ thống ngân hàng, phát triển bền vững hơn và hướng tới các thông lệ quốc tế. Trong đó có mục tiêu “siết” sở hữu chéo để đẩy mạnh việc tái cấu trúc ngân hàng, lành mạnh trong hệ thống.
Các quy định của Thông tư 36 khống chế mức độ sở hữu của một ngân hàng này tại ngân hàng khác là không quá 5% và giới hạn tối đa được 2 tổ chức tín dụng (TCTD), nhằm giảm chi phối, sở hữu chéo và thao túng của các cổ đông lớn trong hệ thống NHTM.
Thông tư 36 có quy định về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 80% với ngân hàng TMCP được cho là khá phù hợp với đặc thù thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thông tư 36 nâng cao quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, nhằm giúp các ngân hàng tránh những rủi ro mất thanh khoản. Tuy nhiên, với các ngân hàng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì những quy định của Thông tư 36 hoàn toàn không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng mà từng bước hướng tới thông lệ quốc tế.
Việc áp dụng quy định của Thông tư 36 từ ngày 1/2/2015 theo đúng thời gian đã được xác định khi ban hành cho thấy, tính chủ động và thái độ kiên quyết của NHNN trong việc củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống NHTM Việt Nam, làm thay đổi nhận thức của các TCTD là phải triệt để tái cơ cấu và chủ động thực hiện các quy định của pháp luật, nhất là quy định an toàn trong hoạt động kinh doanh tiền tệ.
Thông tư 36 được ban hành, với một số nội dung mà giới quan sát nhận định là sẽ gây tác động tiêu cực lên TTCK. Khoản 3 (Điều 14, Thông tư 36) quy định: “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Khoản này được coi là thay thế khoản 9 (Điều 8, Thông tư số 13/2010/TT-NHNN) quy định: "Tổng dư nợ cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá đối với tất cả khách hàng nhằm đầu tư, kinh doanh chứng khoán không vượt quá 20% vốn điều lệ của TCTD”.
Về lý thuyết, việc giảm từ con số 20% xuống 5% gây tác động tiêu cực đến hoạt động cho vay chứng khoán. Tuy nhiên, thực tế TTCK không diễn ra như vậy, do các TCTD hầu như không còn cho vay để đầu tư, kinh doanh vào chứng khoán.
Với các quy định của 36 được xem là tiền đề áp dụng công ước Basel II, vì những quy định liên quan đến an toàn vốn, thanh khoản, tín dụng… đều hướng tới Basel II.
TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. HCM
Kéo giảm nợ xấu, khơi thông vốn
Thông tư 36 quy định các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% không được phép cho vay đầu tư chứng khoán nên có một số ngân hàng không được phép đầu tư chứng khoán nữa, nếu ngân hàng đó có nợ xấu trên 3%.
Thực tế, một số ngân hàng được cho vay và có thể cho vay chứng khoán rất nhiều, nhưng lần này sẽ được chặn trên ở con số 5% (vốn điều lệ). Do đó, mức độ ảnh hưởng của quy định này lên TTCK cũng chính là làm thị trường phát triển trên nền ổn định và chất lượng, cho dù trước mắt có thể nó giảm sút về quy mô, nhưng đạt được đại cục ổn định lâu dài.
Không nên nói Thông tư 36 ảnh hưởng làm sụt giảm thị trường cổ phiếu, bởi việc tái cơ cấu lại thị TTCK là một thành phần tái cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam. Chính Thông tư 36 giúp làm lạnh mạnh hóa TTCK, vì thế, ảnh hưởng của Thông tư 36, nếu có ảnh hưởng thì cũng chỉ ảnh hưởng tốt trong dài hạn đến chất lượng của TTCK và ảnh hưởng tốt đến chất lượng của hoạt động ngân hàng.
Các chính sách được NHNN điều chỉnh tại Thông tư 36/TT-NHNN bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, trong đó đối với tín dụng bất động sản giảm hệ số an toàn rủi ro từ 250% xuống còn 150% sẽ là điểm tích cực đối với loại hình tín dụng lĩnh vực này trong thời gian tới. Đồng thời, các ngân hàng được tăng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lên 60%.
Với các quy định mở của Thông tư 36 thì chắc chắn góp phần để khơi dòng vốn tín dụng vào bất động sản, nhất là trong xu hướng nền kinh tế ổn định hơn, nới điều kiện mua nhà cho người nước ngoài. Tuy nhiên, sự thận trọng của các ngân hàng đối với các chủ đầu tư bất động sản là điều hoàn toàn hợp lý, vì tổng cung nhà, cơ cấu thị trường, tồn kho nhà, giá nhà... mới đang chập chững thoát khỏi trạng thái đóng băng, chưa hồi phục được.
Cũng cần lưu ý, ngành bất động sản là ngành thuộc nhóm ngành chu kỳ, lệ thuộc vào sự thăng trầm của nền kinh tế. Do đó, dự báo bất động sản thực chất là dự báo biến động nền kinh tế vĩ mô, mà các chỉ báo vĩ mô cho năm nay ít nhất là không có những nhân tố ngược mà nhiều nhân tố thuận. Trong đó, đặc biệt là nền kinh tế thế giới ổn định hơn và có phát triển, mặc dù không cao.
Còn ở trong nước, các cân đối lớn là giữ được, các chính sách được cải thiện nên giá nhà, đất sẽ ấm, thanh khoản cao lên dần, nhưng chú ý điều này sẽ tùy thuộc vào từng phân khúc trong hàng chục phân khúc phải quan tâm.
Thông tư 36 đã đáp ứng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp về vốn vay dài hạn. Từ đó, doanh nghiệp có thêm đòn bẩy tài chính để đầu tư công nghệ phù hợp với quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Khi giảm xác suất rủi ro cho vay bất động sản, ngân hàng phải phòng thủ bằng cách trích lập đủ số tiền dự phòng rủi ro, giám sát chặt tài sản thế chấp, phân tán nguồn vốn theo hướng không tập trung cho vay một hoặc một nhóm khách hàng. Như thế, dư nợ bất động sản sẽ tăng và giảm thiểu khả năng phát sinh nợ xấu.
Cùng một lúc nhắm tới nhiều mục tiêu cả vĩ mô và vi mô, nhưng trong đó có mục tiêu kiểm soát nợ xấu. Do đó, với các quy định của Thông tư 36, nợ xấu chắc chắn phải giảm so với mức 3% cần kiểm soát.
Thông tư 36 có chế tài kiểm soát đầu ra cho các ngân hàng và phải chặn đầu ra cho những hoạt động không lành mạnh thì nợ xấu sẽ được kiểm soát. Vì nợ xấu trong cho vay chứng khoán đâu có thấp.
Mặt khác, phải ngăn chặn được sở hữu chéo và quyền lợi nhóm thì mới giải quyết được điều kiện tiên quyết để triển khai bước tiếp theo trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống tài chính, mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại.
Với tăng trưởng tín dụng, chúng ta không nên quan tâm đến con số tuyệt đối, cái đáng quan tâm nhất là tăng trưởng trên nền của chất lượng dư nợ. Nợ xấu ngân hàng có xu hướng giảm, với các khoản vay mới; các doanh nghiệp rất thận trọng khi vay vốn là tín hiệu tốt chứ không phải tín hiệu xấu, vì họ đã có trách nhiệm với đồng tiền vay và dư nợ đã đến địa chỉ cần đến, nhất là lĩnh vực ưu tiên. Ở góc độ khác, tín dụng tăng thấp mà có chất lượng tốt hơn nhiều so với tăng nhiều mà không có chất lượng đối với nền kinh tế.
Có thể nói, trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD, Thông tư 36 là văn bản được thị trường tài chính, TCTD nói riêng rất chờ đợi, là bước đi cần thiết, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ cho hoạt động kinh doanh của TCTD, giúp nâng cao tiêu chuẩn an toàn theo thông lệ quốc tế, phòng ngừa rủi ro hệ thống, hỗ trợ thị trường tài chính tiền tệ phát triển lành mạnh. Bởi quy định của Thông tư 36 mang chuẩn mực cao hơn, toàn diện hơn trong việc quy định 6 nhóm tỷ lệ, giới hạn an toàn đối với các TCTD.