Thông tư 200, lợi nhuận sẽ phân phối theo báo cáo tài chính hợp nhất

(ĐTCK) Bộ Tài chính (BTC) mới ban hành Thông tư 200/2014/TT-BTC (TT 200) Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam, thay thế cho Quyết định 15/2005/QĐ-BTC và Thông tư số 244/2009/TT-BTC.

Thông tư 200 được đánh giá là bước đi đầu tiên để chuẩn hóa Tiêu chuẩn kế toán Việt Nam (VAS) với Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, TT 200 được ban hành đột ngột và không có sự tham khảo doanh nghiệp trước đó. Vì vậy, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 75/2015, (sửa đổi, bổ sung Điều 128, Thông tư 200, có hiệu lực từ ngày 14/7/2015), về việc lùi, hoãn thực thi TT 200. Doanh nghiệp không bắt buộc phải áp dụng TT 200 trong báo cáo bán niên 2015, nhưng phải áp dụng trong báo cáo tài chính kết thúc năm 2015.

Theo Công ty TNHH Pricewaterhouse Coopers (PwC) Việt Nam, điều thay đổi quan trọng trong TT 200 là việc ghi nhận doanh thu và điều khoản hồi tố. Theo đó, chủ đầu tư bất động sản đã ghi nhận doanh thu đối với số tiền thu trước của khách hàng theo tiến độ, nếu công trình chưa hoàn thành trước thời điểm Thông tư có hiệu lực thì phải ghi nhận hồi tố báo cáo tài chính.

Nghĩa là doanh nghiệp bất động sản chỉ có thể ghi nhận doanh thu sau khi giao nhà hoặc đất nền cho người mua và không dựa trên tiến độ xây dựng hay tiến độ thu tiền.

Doanh thu ghi nhận đối với những khoản cổ tức, lợi nhuận được chia và được sử dụng để đánh giá lại giá trị khoản đầu tư khi xác định giá trị doanh nghiệp nhằm cổ phần hóa phải điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính, ghi giảm giá trị khoản đầu tư.

Không tiếp tục trích khấu hao đối với bất động sản đầu tư nắm giữ chờ tăng giá và không phải hồi tố toàn bộ chi phí khấu hao lũy kế đã trích từ các kỳ trước.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam, đối với các nhà đầu tư phân tích tài chính, TT 200 có nhiều thay đổi. Nhà đầu tư cần chú ý vấn đề chiết khấu thương mại của doanh nghiệp. Trước đây, chiết khấu thương mại được ghi nhận là chi phí, không ghi giảm doanh thu, nhưng theo TT 200, chiết khấu thương mại sẽ ghi giảm doanh thu, vì vậy, có những doanh nghiệp sẽ giảm tới 30%.

Một điểm mới nữa của TT 200 là doanh nghiệp phải trích lập dự phòng hoàn nguyên môi trường. Đây là một khái niệm mới, sẽ có doanh nghiệp phải trích 1 lần từ 100 tỷ đồng tới 200 tỷ đồng, trong khi trước đó không phải trích. Bên cạnh đó, chỉ số EPS trước kia được tính cả quỹ khen thưởng phúc lợi, nhưng theo quy định trong TT 200, phải trừ quỹ này khi tính EPS.

Đối với vấn đề phân phối lợi nhuận, theo TT 200, doanh nghiệp chỉ được phân phối theo kết quả báo cáo tài chính hợp nhất. Trước kia, phân phối lợi nhuận được dựa trên báo cáo tài chính của công ty mẹ.

Một vấn đề khác mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rất quan tâm là việc sử dụng tỷ giá của tập đoàn hoặc công ty mẹ đưa ra, hay tỷ giá giao dịch trên thị trường Việt Nam. Nếu hạch toán theo tỷ giá của tập đoàn thì quá dễ đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, TT 200 vẫn chưa quy định cụ thể sử dụng tỷ giá nào, chỉ cho biết sử dụng tỷ giá mua, tỷ giá bán tùy từng hạng mục.

Linh Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục