Tuy nhiên, kết quả khảo sát ý kiến DN sau 18 tháng áp dụng thông quan điện tử cho thấy, vẫn còn 5% số DN chưa hài lòng với chất lượng của hệ thống này.
Tổng cục Hải quan vừa công bố kết quả khảo sát ý kiến DN đánh giá hiệu quả chức năng Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS triển khai thực hiện trong thời gian qua. Kết quả khảo sát cũng như ghi nhận từ ý kiến đánh giá của các DN cho thấy, việc triển khai thực hiện hệ thống thông quan điện tử bước đầu đã góp phần giảm thời gian thông quan, tăng tính chính xác và tiết kiệm chi phí cho DN. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống.
Theo kết quả ghi nhận ý kiến đánh giá của các DN, việc áp dụng hệ thống thông quan điện tử đã góp phần nâng cao tính chính xác trong khâu khai báo hải quan, thông qua việc hỗ trợ người khai hải quan tối đa như tự động bổ sung thuế suất, tỷ giá tính thuế, tự động tính toán trị giá tính thuế, số thuế phải nộp, tăng tính chủ động và giảm thời gian thông quan nhờ việc tự động kiểm tra, cấp số và phân luồng tờ khai.
Với việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS và áp dụng mã vạch trong giám sát hải quan, khâu khai báo và xử lý tờ khai thời gian tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin khai báo chỉ mất từ 1-3 giây, khâu giám sát hải quan chỉ còn vài phút, thay vì hàng giờ như trước đây. VNACCS/VCIS đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu thu, nộp thuế với việc thực hiện thanh toán điện tử qua ngân hàng.
Theo Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam, kể từ khi áp dụng hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS, việc khai báo và nhận kết quả đối với mỗi tờ khai hải quan của DN chỉ còn khoảng 15 giây, thay vì khoảng 2 phút như trước đây. Với số lượng tờ khai hàng tháng rất lớn, tính ra thời gian mà công ty này cắt giảm được hơn 100 giờ làm thủ tục hải quan/tháng.
Bên cạnh đó, những thay đổi trong quy trình in, xuất trình tờ khai cho cơ quan hải quan cũng được đơn giản hóa hơn rất nhiều, giúp DN cắt giảm được thời gian làm thủ tục hải quan trung bình khoảng 3 giờ/lô hàng so với trước đây. Với những tiện ích như trên, Công ty có thể tiết kiệm được khoảng 12.660 USD/tháng.
Kết quả phản hồi từ 308 DN tại cuộc khảo sát cho thấy, sau 18 tháng vận hành hệ thống thông quan điện tử, 12% DN rất hài lòng; 83% tỏ ra hài lòng. Song vẫn có 5% số DN chưa hài lòng với chất lượng của hệ thống. Lý do chủ yếu là các tiêu chí khai báo trên tờ khai gặp một số hạn chế như không phản ánh đúng thông tin cần khai báo như giới hạn số lượng ký tự tại các chỉ tiêu số lượng, trị giá...
Một tờ khai chỉ cho phép khai báo 50 dòng hàng dẫn đến lô hàng lớn phải khai nhiều tờ khai. Việc khai báo số container nhập khẩu phải khai báo 2 lần, hệ thống không thể tự kết nối với hệ thống cấp mã vạch; việc liên hệ với bộ phận hỗ trợ thường phải chờ khá lâu... gây trở ngại cho việc thực hiện thủ tục hải quan của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 2/308 DN sử dụng phần mềm miễn phí của cơ quan hải quan để thực hiện khai báo.
Để nâng cao hiệu quả của hệ thống thông quan điện tử, nhiều DN đề xuất, với tờ khai xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan cần tăng ký tự đối với các tiêu chí như phần ghi chú, địa chỉ người xuất khẩu, số lượng, đơn giá, mô tả hàng hóa… Ngoài ra, một số nội dung về sửa đổi, bổ sung tờ khai sau thông quan; tờ khai vận chuyển độc lập… cũng cần được hoàn thiện.
Tại Hội nghị tham vấn DN đánh giá 18 tháng thực hiện hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS do Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) lý giải, đây là hệ thống do Nhật Bản viện trợ nên việc can thiệp, điều chỉnh phải có sự phối hợp của Nhật Bản.
Trên cơ sở tham vấn ý kiến của cộng đồng DN, trước mắt, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung hoàn thiện các cấu phần liên quan đến kết nối VNACCS/VCIS với cơ chế một cửa quốc gia; cấu phần về bản lược khai hàng hóa; cấu phần quản lý hàng đi và hàng đến cửa khẩu.
Đồng thời, hiệu chỉnh những chức năng khai báo để phù hợp với thực tế và tăng tiện ích, bổ sung các chức năng chưa có trên hệ thống hiện tại, mà đang phải sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh. Đối với cộng đồng DN, cơ quan Hải quan mong muốn nhận được ý kiến liên quan đến vướng mắc trong quá trình khai báo, cách thức sử dụng hệ thống để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Theo ông Makoto Kato, Cố vấn trưởng Dự án JICA Nhật Bản tại Việt Nam, nội dung cần hoàn thiện, bổ sung phải xuất phát từ nhu cầu thực tiến từ Chính phủ, Hải quan Việt Nam và cộng đồng DN. Do đó, những đề xuất, kiến nghị của DN là rất cần thiết để việc hoàn thiện hệ thống thông quan điện tử đạt hiệu quả.