Theo ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia tư vấn Dự án GIG, kết quả khảo sát ý kiến đánh giá của DN về thực tế 8 tháng thực hiện Luật Hải quan 2014, phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Logistics cho thấy, 94% DN được khảo sát đánh giá sự chuyển biến của các chính sách, pháp luật hải quan trong những năm qua là tích cực. Đặc biệt, DN đánh giá cao hệ thống thông quan điện tử (VNACCS), hệ thống cung cấp thông tin và cơ chế tham vấn Hải quan - DN.
Tuy nhiên, ý kiến đánh giá của các DN cũng cho thấy, quá trình thực hiện triển khai Luật Hải quan mới vẫn bộc lộ nhiều hạn chế và vướng mắc về cả mặt thực thi cũng như triển khai các văn bản hướng dẫn. Trước hết, về văn bản hướng dẫn thực hiện luật, ông Bình cho biết, phần lớn DN đều cho rằng, các quy định vẫn quá dài, khó hiểu, khiến DN không biết thực hiện theo hướng nào.
“Về quy định về thủ tục miễn thuế, không thu/hoàn thuế, phần lớn DN cho rằng, còn rườm rà, nhiều giấy tờ (riêng các quy định này chiếm tới 1/4 trong tổng số hơn 200 trang của Thông tư 38/2015/TT-BTC). Hay như Điều 11 Quyết định 1966/QĐ-TCHQ quy định, khi kiểm hoá hộ, 2 đơn vị hải quan phải fax qua, fax lại Phiếu đề nghị kiểm tra hàng hóa, Phiếu ghi kết quả kiểm tra, làm kéo dài thời gian thông quan hàng hoá, không phù hợp thủ tục hải quan điện tử.
Bên cạnh đó, quy định nộp thuế trước khi thông quan hàng hoá là không hợp lý, nhất là đối với những DN luôn tuân thủ tốt pháp luật, các DN nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất và trường hợp hàng hoá nhập khẩu từ thị trường gần (hàng hoá luôn về trước chứng nhận xuất xứ - C/O). Quy định phải nộp thuế trước thông quan khiến DN không được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt vì tại thời điểm làm thủ tục hải quan, DN chưa thể có C/O”, ông Bình nêu ví dụ.
Về việc triển khai Luật Hải quan 2014 trên thực tiễn, theo kết quả khảo sát, hầu hết DN phản ánh, xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát là một trong số các thủ tục có nhiều vướng mắc nhất, là thủ tục có ít cải tiến nhất hiện nay.
“Trong khi thủ tục khai báo hải quan đã căn bản được điện tử hoá, thì thủ tục xác nhận hàng qua giám sát hải quan vẫn làm thủ công. Trong khi thủ tục kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hoá đã áp dụng quản lý rủi ro, thì thủ tục giám sát đang áp dụng với tất cả các lô hàng. 88,5% các DN tham gia khảo sát cho hay, để hàng hoá được thông quan, DN phải trực tiếp làm thủ tục với bộ phận giám sát hải quan cảng”, ông Bình nói.
Đáng chú ý, nhiều DN bày tỏ, quản lý rủi ro về nguyên tắc là phương pháp quản lý hiện đại, nhưng hiện còn không ít bất cập. Điều này thể hiện ở chỗ hàng hoá của DN chấp hành tốt pháp luật vẫn bị phân vào luồng vàng, luồng đỏ; cứ mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành (kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm...) là bị phân vào 2 luồng này; hàng hoá của DN bị phân vào luồng đỏ qua kiểm tra nhiều lần (hàng chục lô), trong thời gian dài (hàng năm), không phát hiện vi phạm, nhưng vẫn bị phân vào luồng đỏ; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất cũng bị phân vào luồng đỏ; lô hàng xuất nhập khẩu tại chỗ, bên xuất kiểm tra, bên nhập lại kiểm tra nữa...
Điều này gây phiền toái và mất thời gian cho DN, mà nguyên nhân chính, theo các DN là xuất phát từ việc lấy mặt hàng làm tiêu chí quản lý rủi ro, nhất là việc quy định cứ mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành là bị phân vào luồng vàng, luồng đỏ dẫn đến các loại hàng hoá này đã bị kiểm tra chuyên ngành (có mặt hàng bị 3 cơ quan kiểm tra), lại tiếp tục trở thành đối tượng luồng vàng, luồng đỏ của hải quan.
Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Đặng Phương Dung cho rằng, do có quá nhiều thay đổi trong thời gian ngắn, thời gian ban hành các văn bản dưới luật còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; các văn bản thường dài, thiếu sự ổn định làm cho cả cán bộ hải quan cũng như DN đều khó thực hiện.
Có vấn đề là do lỗi văn bản chưa được rõ, gây nên nhiều cách hiểu khác nhau, có vấn đề là do trình độ hiểu biết, kiến thức của người thực hiện cả từ phía DN và hải quan; có những lúc khó khăn, vướng mắc xảy ra do yếu tố cơ sở vật chất.
“Chúng tôi mong Tổng cục Hải quan tập trung giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, giúp DN có được điều kiện tốt nhất để thực thi pháp luật, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động”, bà Dung nói.