Tiếp tục Kỳ họp thứ năm, sáng 5/6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, lần sửa đổi này có nhiều điểm mới về sở hữu nhà ở, trong đó có sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Theo dự thảo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng nhà ở trên diện tích đất được thừa kế, được tặng cho, mượn, thuê hoặc nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật đất đai; mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của cá nhân.
Thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, song đề nghị làm rõ thêm khá nhiều nội dung, trong đó có quy định về đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Hoàng Thanh Tùng nói, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 10 Dự thảo Luật (bao gồm cả cá nhân nước ngoài) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh Duy Linh). |
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai hiện hành, Điều 5 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài.
Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII) cũng không đề cập quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài. Do đó, ông Tùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ, đề xuất phương án chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất về chính sách đất đai, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định rõ tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về quyền sở hữu nhà ở (bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) của cá nhân nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất, bảo đảm minh bạch, phù hợp với quy định tại Điều 5 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thận trọng trong sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại
Về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, ông Tùng nêu rõ, bên cạnh việc kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành về 2 hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại là: có quyền sử dụng đất ở và có quyền sử dụng đất ở và đất khác. Điều 38 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung 2 trường hợp mới là “có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;” và “nhận chuyển nhượng quyền sử dụng các loại đất quy định tại các điểm a, b hoặc điểm c khoản này theo quy định của pháp luật đất đai”.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Ủy ban Pháp luật nhận thấy các nội dung mới được bổ sung nêu trên của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) không thống nhất với các quy định có liên quan của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này.
Cụ thể là, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định 2 hình thức sử dụng đất mới được bổ sung để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại mà điểm a khoản 1 Điều 112 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định dự án nhà ở thương mại thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất; đồng thời, điểm b khoản 4 Điều 122 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở.
Ủy ban Pháp luật thấy rằng, loại đất và hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại là nội dung quan trọng, có nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về nhà ở và đất đai thời gian qua, được nhiều doanh nghiệp và người dân quan tâm.
Việc giải quyết đúng đắn vấn đề này sẽ tác động tích cực đến sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản nhà ở, góp phần phân bổ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai thông qua cơ chế thị trường để thực hiện chủ trương đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra về “giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị, mở rộng các loại hình nhà ở” cũng như các mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động chính sách toàn diện, thận trọng đối với các hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại để quy định thống nhất nội dung này trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm tháo gỡ các vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đồng thời, làm rõ tính phù hợp của quy định Nhà nước thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại với yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII) về “tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.