Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động và nhất quán

(ĐTCK) Năm 2014, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục không thuận lợi, nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành ngân hàng đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.
Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam

Đây cũng là năm thể hiện rõ nét nhất kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của ngành về đổi mới điều hành chính sách tiền tệ và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngành ngân hàng đã thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, kiên định và nhất quán, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội thông qua; triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh; điều hành ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và thị trường vàng; triển khai quyết liệt Đề án Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu theo đúng mục tiêu và lộ trình đã đề ra; củng cố và hoàn thiện thể chế về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nhằm nâng cao chất lượng và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Những kết quả trên đã góp phần quan trọng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là minh chứng cho thấy các chủ trương, chính sách của ngành là hết sức đúng đắn, thể hiện bản lĩnh và sự nỗ lực của ngành ngân hàng trong những năm qua.

Để đạt được những kết quả trên, ngành ngân hàng đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự động viên của các thế hệ cán bộ lão thành ngành ngân hàng… Những thành tựu của ngành trong thời gian qua đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, là niềm vui, nguồn động viên và động lực khích lệ toàn ngành tiếp tục phấn đấu, tự tin bước vào một năm mới với khí thế và quyết tâm mới.

Năm 2015 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII. Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngân hàng sẽ rất nặng nề, đòi hỏi phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành mục tiêu đề ra. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn ngành thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ của ngành năm 2015.

Con số nổi bật ngành ngân hàng 2014

-Tổng tài sản toàn hệ thống (tính đến tháng 10/2014) đạt xấp xỉ 6,2 triệu tỷ đồng;

-Dự trữ ngoại hối quốc gia đạt mức kỷ lục: 35 tỷ USD;

-Tăng trưởng tín dụng vượt kế hoạch: đạt 14,6%;

-Lãi suất huy động thấp kỷ lục: 5,5%/năm;

-Tỷ lệ nợ xấu giảm: Theo báo cáo của các TCTD đến cuối tháng 10/2014, tổng nợ xấu nội bảng là gần 167.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ toàn hệ thống;

-VAMC đã mua được 81.600 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD với giá 67.275 tỷ đồng, phát hành trái phiếu đặc biệt khoảng 58.000 tỷ đồng. Tính chung, kể từ khi bắt đầu hoạt động, VAMC đã mua được gần 121.000 tỷ đồng nợ gốc của 39 TCTD với giá hơn 120.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu 88.000 tỷ đồng. Cả năm 2014, VAMC thu hồi được khoảng 4.500 tỷ đồng từ thu nợ, bán tài sản.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động và nhất quán ảnh 1

Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Vương Đình Huệ
 

Năm 2015, Việt Nam có thể gặt hái được nhiều kết quả từ quá trình đàm phán về hội nhập, trong đó có Hiệp định thương mại với Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, Hiệp định thương mại song phương với EU, Hiệp định TPP và Cộng đồng ASEAN 2015. Quá trình hội nhập sâu hơn sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức, nhưng cũng sẽ tạo động lực quan trọng đối với tăng trưởng thương mại và đầu tư. Qua đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tôi thấy đây là điểm rất mới trong năm nay.

Năm 2015 cũng là năm sẽ có nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư có hiệu lực. Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… đã được xây dựng theo hướng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tôi tin sẽ tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện, làm sao cho có chương trình hành động, tổ chức chỉ đạo quyết liệt để nắm được vận hội lớn của năm 2015, biến các cơ hội này thành hiện thực.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động và nhất quán ảnh 2

Chuyên gia kinh tế, Lê Đăng Doanh
 

Năm 2015 là năm có nhiều chính sách quan trọng được áp dụng. Ngoài Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở sửa đổi..., Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 ngày 3/1/2015 nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đồng thời ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Ở lĩnh vực tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ dự kiến sẽ cổ phần hóa mạnh mẽ các DNNN và sẽ tiếp tục xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các tập đoàn, tổng công ty. Đây là những tiền đề thuận lợi để có thể dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2015.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới sẽ có nhiều biến động khó lường, đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu thô tiếp tục giảm, kinh tế Nga gặp khó khăn lớn, kinh tế Nhật Bản suy thoái, châu Âu vẫn chìm trong khó khăn, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Điều rất cần lúc này là các DN cần tăng cường khả năng đề kháng, ứng phó và năng lực tự đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường mới.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động và nhất quán ảnh 3

Tổng giám đốc kiêm giám đốc đầu tư VCBF, Avinash Satwalekar
 

Chúng tôi dự báo, TTCK sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2015. Thứ nhất là nền kinh tế Việt Nam đang ổn định và tăng trưởng nhờ vào các nỗ lực tái cơ cấu của Chính phủ với dự báo GDP sẽ tăng 6,2% năm 2015. Thứ hai, với giá hàng hóa thấp, nhiều DN sẽ được hưởng lợi từ việc giá nguyên vật liệu đầu vào giảm cùng với việc giá xăng giảm. Thứ ba, lãi suất tiền gửi ngân hàng đang ở mức thấp, dòng vốn được dự kiến sẽ chảy từ tiền gửi ngân hàng vào TTCK. Cuối cùng, thị trường cổ phiếu Việt Nam đang là một trong những thị trường rẻ nhất khu vực.

Đối với ngành quỹ mở, tôi cũng tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của ngành vì lạm phát và lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp, có nghĩa là các NĐT cá nhân cần tìm một kênh mới để đầu tư. Nếu quy định về quỹ hưu trí tự nguyện được phê duyệt trong năm 2015, đây sẽ là cơ hội lớn cho ngành quỹ. Năm 2014 đánh dấu sự ra đời của nhiều quỹ mở. Do đó, năm 2015 sẽ là năm mà ngành quỹ mở tập trung vào việc tăng trưởng tài sản của các quỹ. Sẽ cần thời gian để thay đổi thói quen của NĐT cá nhân từ đầu tư ngắn hạn sang dài hạn. VCBF đang tạo dựng việc này thông qua việc đào tạo các nhà phân phối và cung cấp thông tin tới NĐT.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động và nhất quán ảnh 4

Tổng giám đốc CTCK TP. HCM, Johan Nyvene
 

Cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam nói chung rất phong phú, với việc tiếp tục cổ phần hóa của các DNNN, cộng với sự ra đời và phát triển nhanh của các công ty tư nhân. Tuy nhiên, đối với các định chế trung gian, còn một số hạn chế cơ bản trong việc phát triển bền vững. Thị trường (nội địa) vẫn chủ yếu được vận hành với một tư duy đầu cơ và thành phần tham gia chủ lực là các nhà đầu tư (đầu cơ) cá nhân lớn. Một định hướng phát triển bền vững trong thị trường vốn nói chung và ngành chứng khoán nói riêng cần có sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, với tư duy đầu tư bền vững.

Chúng ta chưa hình thành khái niệm đầu tư cho hưu trí, chưa có các điều kiện thuận lợi và ưu đãi cho việc đầu tư hưu trí nên chưa có các quỹ hưu trí, nên có lẽ phần lớn tiềm lực tài chính và của cải tích lũy của đại chúng trong xã hội vẫn còn nằm ngoài TTCK. Nếu đưa được phần lớn tiềm lực tài chính và của cải tích lũy này vào TTCK được thì cơ hội lớn mạnh của thị trường Việt Nam sẽ rất khả quan.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục