Thống đốc: Doanh nghiệp bất động sản cũng cần cân nhắc giảm giá nhà

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường bất động sản vẫn trong trạng thái thanh khoản kém, sức mua giảm. Theo Thống đốc NHNN, để kích thích nhu cầu đầu tư của thị trường, bản thân doanh nghiệp bất động sản cũng phải cân đối mục tiêu lợi nhuận, cân nhắc về giảm giá bán.
Thống đốc: Doanh nghiệp bất động sản cũng cần cân nhắc giảm giá nhà

Thiếu vắng các căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2

Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản , Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, hiện thị trường đang rơi vào tình trạng mất cân đối cung cầu lớn, nguồn cung chủ yếu là phân khúc cao cấp và trung cấp. Phân khúc cấp thấp phục vụ cho người dân thu nhập thấp còn hạn chế. Theo tổng cộng của đơn vị chức năng Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thì những căn hộ giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất ít, gần như thiếu vắng.

Do đó, phát triển thị trường bất động sản an toàn lành mạnh, bền vững đòi hỏi phải có giải pháp về phía cung, đó là đòi hỏi các chính sách tăng cung nhà ở xã hội. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt Bộ Xây dựng làm đầu mối phối hợp các địa phương có nhiều giải pháp chương trình triển khai.

Hiện nay, tín dụng bất động sản tăng chậm, theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước là nhu cầu vay mua nhà của công nhân và người có thu nhập thấp vẫn rất thấp, dù nhu cầu mua nhà rất lớn. Lý do là nhiều người có nhu cầu nhà ở nhưng họ lại không thể có điều kiện để vay được vì thu nhập rất thấp.

“Cần phải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc này. Tới đây, Luật Nhà ở đã đưa ra một số giải pháp như: các tiêu chí điều kiện được gỡ bỏ; cho phép doanh nghiệp mua nhà ở để cho công nhân thuê… Những điều này tạo cơ chế chính sách để hỗ trợ nhà ở cho người dân, không nhất thiết phải qua việc công nhân đi vay mua nhà”, Thống đốc cho biết.

Muốn “kích” nhu cầu đầu tư, giá nhà cần giảm hơn nữa

Thị trường bất động sản phát triển với tốc độ rất nhanh những năm qua, một phần do nhu cầu đầu tư rất lớn. Muốn nhu cầu đầu tư bất động sản quay lại, vấn đề niềm tin vô cùng quan trọng, mấu chốt của niềm tin nằm ở vấn đề pháp lý. Nếu vấn đề pháp lý được giải quyết thì nhà đầu tư sẽ rất yên tâm khi mua nhà, chuyển nhượng nhà…

Ngoài ra, theo Thống đốc, vấn đề minh bạch của dự án và giá cả là các vấn đề quan trọng để kích thích nhu cầu đầu tư bất động sản tăng trở lại.

“Bản thân các doanh nghiệp, tập đoàn cũng cần phải theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33, đó là phải quản trị doanh nghiệp tốt, cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận, cơ cấu sản phẩm, cân nhắc về giảm giá bán… Khi đó, cùng với các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương sẽ khuyến khích được nhu cầu đầu tư của thị trường này”, Thống đốc khuyến nghị.

Riêng về vấn đề vốn cho thị trường bất động sản, theo Ngân hàng Nhà nước , nguồn vốn cho thị trường bất động sản từ rất nhiều kênh như: FDI, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán , huy động trước của người dân, tín dụng từ ngân hàng… Trong bối cảnh hiện nay, các kênh khác cũng đang gặp khó khăn, áp lực đối với nguồn vốn tín dụng ngân hàng ngày càng lớn.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tín dụng rất linh hoạt. Cơ quan này đề nghị các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn của mình để tích cực cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế nói chung, trong đó có thị trường bất động sản nói riêng, đặc biệt đối với hạn mức tín dụng của các doanh nghiệp cũng cần đánh giá, rà soát, để khuyến khích doanh nghiệp hiệu quả và đảm bảo.

Đương nhiên, tổ chức tín dụng khi cho vay các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực trong ngành bất động sản thì phải ưu tiên các giới hạn về đảm bảo tỷ lệ an toàn.

Liên quan tới ý kiến của một số doanh nghiệp đề xuất giảm thủ tục, thời gian thẩm định, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục xem xét, rà soát thủ tục để rút ngắn nhất có thể thời gian phê duyệt tín dụng, nhưng đồng thời cũng yêu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải sẵn sàng minh bạch các hồ sơ, rõ ràng và lành mạnh trong hoạt động, hợp tác với các tổ chức tín dụng để hai bên cùng bàn bạc, thống nhất với nhau.

Về ý kiến một số doanh nghiệp cho rằng ngân hàng chỉ quan tâm tới tài sản đảm bảo mà không quan tâm tới dòng tiền, Thống đốc cho rằng, vấn đề tài sản đảm bảo hoàn toàn do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận, không có quy định bắt buộc, quan trọng nhất là dựa vào tính khả thi của phương án kinh doanh. Vì vậy, bản thân các doanh nghiệp khi vay vốn, việc chứng minh dự án khả thi, chứng minh dòng tiền, khả năng trả nợ là rất quan trọng.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục