Thống đốc BOJ loại trừ khả năng ứng phó với đồng yên yếu bằng việc tăng lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (10/4), Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cho biết, ngân hàng trung ương sẽ không trực tiếp phản ứng trước các động thái tỷ giá, điều này đã gạt bỏ suy đoán của thị trường rằng đồng yên giảm mạnh có thể buộc BOJ phải tăng lãi suất.
Ông Kazuo Ueda, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Ông Kazuo Ueda, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản

Mặc dù vậy, Thống đốc Kazuo Ueda vẫn giữ sự lạc quan về triển vọng tiền lương và báo hiệu khả năng tăng lãi suất nếu lạm phát có xu hướng hướng tới mức 2% như dự kiến.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ một cách trực tiếp để ứng phó với các động thái tỷ giá hối đoái”, ông Ueda cho biết về vấn đề liệu động thái của đồng yên có ảnh hưởng gì đến quyết định của BOJ về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo hay không.

Đồng yên suy yếu có thể đẩy giá nhập khẩu tăng nhưng chỉ điều đó thôi thì sẽ không gây ra việc tăng lãi suất, đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là liệu áp lực tăng giá như vậy có ảnh hưởng đến lạm phát và tăng trưởng tiền lương trên diện rộng hay không.

“Nếu có nguy cơ tiền lương và lạm phát có thể tăng cao hơn dự kiến và đẩy lạm phát có xu hướng lên trên 2%, chúng ta có thể cần xem xét thay đổi chính sách tiền tệ”, ông cho biết.

Đồng yên đang trong xu hướng giảm kể từ khi BOJ chấm dứt 8 năm lãi suất âm, do thị trường cho rằng những quan điểm ôn hòa của ngân hàng trung ương là dấu hiệu cho thấy một đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ còn mất một thời gian nữa mới diễn ra.

Ông Ueda cho biết, quyết định từ bỏ chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của BOJ vào tháng 3 là dựa trên quan điểm rằng việc duy trì mục tiêu lạm phát 2% đã trở thành hiện thực. Việc chờ đợi quá lâu để thoát ra sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát vượt mức, có thể buộc BOJ phải tăng lãi suất một cách mạnh mẽ.

Ông Ueda cho biết, ngày càng có nhiều dấu hiệu thay đổi trong hành vi của doanh nghiệp khi ngày càng có nhiều công ty nhìn thấy cơ hội để tăng giá và tiền lương.

“Nếu xu hướng lạm phát diễn biến phù hợp với dự báo của chúng tôi, thì việc điều chỉnh mức độ kích thích tiền tệ có thể là điều phù hợp mặc dù chúng tôi không biết khi nào điều đó sẽ xảy ra”, ông cho biết.

Các nhà phân tích cho biết dự báo tăng trưởng và lạm phát hàng quý mới của BOJ được đưa ra tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 25/4-26/4 có thể sẽ đưa ra manh mối về thời điểm ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất tiếp theo.

Dự báo do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản đưa ra hôm thứ Tư (10/4) cho thấy phần lớn các nhà kinh tế dự đoán sẽ có ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.

Một số nhà phân tích tin rằng đồng yên yếu có thể là một trong những tác nhân thúc đẩy đợt tăng lãi suất tiếp theo của BOJ, điều được nhiều nhà kinh tế cho là sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Trong khi đồng yên suy yếu sẽ thúc đẩy xuất khẩu, nhưng nó lại là nguyên nhân khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu vì điều này gây tổn hại cho các hộ gia đình và nhà bán lẻ bằng cách đẩy chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô lên cao.

Ông Ueda cho biết xu hướng lạm phát được định nghĩa là sự biến động giá cả loại bỏ tác động của chi phí nhiên liệu và được đo lường bằng cách xem xét các chỉ số khác nhau về sức mạnh của nền kinh tế và nhu cầu trong nước ảnh hưởng đến giá cả như thế nào.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục