Thời trang xa xỉ: Cuộc đua song mã nghìn tỷ

Những thương hiệu xa xỉ trên thế giới xuất hiện ở Việt Nam phần lớn thông qua hai đơn vị phân phối chính là DAFC và Tam Sơn.
Bên ngoài một cửa hàng Louis Vuitton trên phố Tràng Tiền, Hà Nội. Ảnh:Tomas Slavicek Bên ngoài một cửa hàng Louis Vuitton trên phố Tràng Tiền, Hà Nội. Ảnh:Tomas Slavicek

Thời trang xa xỉ vốn không hướng tới số đông. Tuy vậy, đây cũng là một thị trường ngách tiềm năng với tập khách hàng nhỏ nhưng sẵn sàng móc hầu bao mà không quan tâm đến giá. Tại Việt Nam, hầu hết thương hiệu được xếp vào hàng xa xỉ trên thế giới đều thông qua những đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền. Chỉ với 1-2 cửa hàng cho mỗi thương hiệu, song doanh thu của những "ông lớn" này không dưới nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Gắn liền với danh xưng "vua hàng hiệu" là ông Jonathan Hạnh Nguyễn và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group). Hoạt động phân phối hàng hiệu của IPP Group được thực hiện thông qua hai công ty thành viên là Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC). Trong đó, DAFC là đơn vị quản lý và nắm trong tay quyền phân phối nhiều thương hiệu thuộc hàng xa xỉ bậc nhất thế giới.

Được thành lập năm 2005, DAFC khởi đầu là đối tác phân phối chính thức của hai thương hiệu Salvatore Ferragamo và Bally. Công ty này khi đó quản lý 2 cửa hàng với 20 nhân viên, đặt trụ sở tại TP HCM. Năm 2007, DAFC trở thành đối tác phân phối của Burberry và 4 năm sau đó là một loạt thương hiệu như Rolex, Bvlgari, Cartier hay Tudor. Thương hiệu mới nhất góp mặt trong danh sách phân phối của DAFC là Dolce&Gabbana, với cửa hàng đầu tiên đặt tại khu mua sắm Rex Arcade (TP HCM). Đến thời điểm gần nhất, thương hiệu mà DAFC nắm quyền phân phối đã vượt qua con số 40.

Hướng tới tập khách hàng nhỏ thuộc nhóm giàu và siêu giàu trong xã hội, công ty này không tập trung vào việc mở rộng quy mô, thay vào đó là việc tập trung hoàn thiện số ít cửa hàng nhưng được đặt tại các vị trí đắc địa nhất tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Kết quả kinh doanh của công ty cũng vượt xa những chuỗi thời trang thông thường trên thị trường.

Theo số liệu từ Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), doanh thu năm 2017 của DAFC đạt hơn 970 tỷ đồng. Trước đó, hai năm 2015 và 2016, doanh thu của DAFC đạt 800 tỷ và 862 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân khoảng 10% mỗi năm.

Cuối tháng 3/2018, công ty này đã tăng vốn gấp đôi, từ 100 tỷ lên 200 tỷ đồng. Trong đó, hai cổ đông của DAFC là IPP Group giữ 90% vốn và bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPP Group, vợ ông Jonathan Hạnh Nguyễn, giữ 10% vốn.

Đối trọng hiếm hoi của IPP Group trên thị trường phân phối hàng xa xỉ phải kể đến OpenAsia Group, tập đoàn gắn liền với tên tuổi của ông Đoàn Viết Đại Từ.

Khá kín kẽ và hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong nước, tuy nhiên OpenAsia Group thông qua đơn vị thành viên là Công ty TNHH Quốc tế Tam Sơn là đối trọng chính của DAFC trong phân khúc này. 

Được thành lập năm 2005 - cùng thời điểm với DAFC, Tam Sơn là đơn vị phân phối những thương hiệu thời trang thuộc hàng xa xỉ bậc nhất tại châu Âu, từ Hermès, Bottega Veneta, Saint Laurent cho tới Hugo Boss hay Kenzo. Ngoài ra, công ty này cũng là đối tác với một số thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ như Vacheron Constantin, Piaget hay Chopard. Năm 2017, công ty này tiến công sang một phân khúc hoàn toàn mới là du thuyền với sự ra đời của Tam Sơn Yachting và trở thành đối tác của Bénéteau Group.

Nắm giữ một danh mục thương hiệu có phần thua kém DAFC về số lượng, song kết quả kinh doanh của Tam Sơn lại không hề kém cạnh, thậm chí còn lớn hơn DAFC do một số phân khúc của công ty này có thể đạt được doanh số lớn.

Năm 2017, doanh thu của Tam Sơn đạt 1.337 tỷ đồng. Trước đó, hai năm 2015 và 2016, doanh thu lần lượt là 948 tỷ và 1.117 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân khoảng 18% mỗi năm.

 Bên ngoài một cửa hàng Gucci ở Singapore. Ảnh:Reuters

Tuy nhiên, kinh doanh trong cùng lĩnh vực nhưng DAFC và Tam Sơn vẫn có những điểm khác biệt về hoạt động.

So với DAFC, Tam Sơn duy trì một mức vốn điều lệ công ty chỉ mang tính "tượng trưng". Hơn 10 năm hoạt động, vốn điều lệ của Tam Sơn đến cuối năm 2016 chỉ dừng ở mức 4 tỷ đồng, công ty này cũng chỉ mới tăng vốn lên 12 tỷ vào cuối tháng 2/2018.

Không giống DAFC, cơ cấu cổ đông của Tam Sơn hoàn toàn do cổ đông cá nhân sở hữu. Theo đăng ký kinh doanh mới nhất, Tam Sơn có hai cổ đông là bà Nguyễn Thị Nhung, Tổng giám đốc công ty sở hữu 90% vốn và bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) sở hữu 10% vốn. Bà Nhung, ngoài Tam Sơn, từng xuất hiện trong cơ cấu cổ đông của nhiều công ty khác có liên quan đến ông Đoàn Viết Đại Từ và OpenAsia Group.

Một điểm khác biệt khác là khả năng sinh lời của hai doanh nghiệp này có sự chênh lệch khá lớn, dù hoạt động với mô hình phân phối sản phẩm khá tương đồng.

Năm 2017, doanh thu gần 1.000 tỷ đồng song lợi nhuận trước thuế của DAFC chỉ đạt chưa tới 14 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên doanh thu của doanh nghiệp trong hệ thống của IPP Group chỉ ở mức 1,41% - thậm chí còn thấp hơn nhiều chuỗi cửa hàng thời trang có quy mô nhỏ trên thị trường. Tuy nhiên, với Tam Sơn, tỷ lệ này lên tới gần 15%. 

Nguyên nhân chủ yếu của sự chênh lệch này là biên lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của DAFC chỉ khoảng 26% so với con số 37% của Tam Sơn và tỷ trọng các khoản chi phí trên doanh thu có sự chênh lệch khá lớn.

Dù mỗi doanh nghiệp mang một sắc thái khác nhau về hoạt động, kinh doanh hàng xa xỉ vẫn là một thị trường ngách hấp dẫn. Chưa kể, hoạt động của những doanh nghiệp này đang được sự hỗ trợ từ sự tăng trưởng cao của lớp người giàu và siêu giàu của Việt Nam.

Hãng nghiên cứu Wealth-X vừa công bố báo cáo về người siêu giàu thế giới - World Ultra Wealth Report, có tài sản từ 30 triệu USD trở lên. Theo đó, Việt Nam nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012 - 2017, với 12,7% mỗi năm. Tốc độ này chỉ đứng sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).


Theo VnExpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục