Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một cuộc đo lường chính thức thời gian giải phóng hàng để đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức tham gia trong quy trình xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, nhằm công khai minh bạch các thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan.
Tổng cục Hải quan đã thu thập, tổng hợp, phân tích, báo cáo từ dữ liệu thời gian về quá trình làm thủ tục hải quan của các lô hàng thuộc 7.441 tờ khai hải quan, trong đó nhập khẩu là 4.317 tờ, xuất khẩu là 3.124 tờ. Các tờ khai này được đăng ký trong khoảng thời gian 1 tuần làm việc liên tục từ thứ Hai (9/9/2013) đến thứ Bảy (14/9/2013) tại 11 chi cục thuộc 7 cục hải quan tỉnh, thành phố theo ba tuyến giao thông cơ bản: đường biển, hàng không và đường bộ.
Theo đó, đối với hàng nhập khẩu, thời gian từ khi hàng đến cảng/cửa khẩu cho đến khi hàng có quyết định thông quan/giải phóng hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan (tổng thời gian giải phóng hàng) là 115 giờ 17 giây. Trong đó, thời gian từ khi đăng ký tờ khai cho đến khi cơ quan hải quan ra quyết định thông quan/giải phóng hàng là 32 giờ 37 phút 55 giây, chiếm khoảng 28% tổng thời gian từ khi hàng đến cảng/cửa khẩu đến khi hàng có quyết định thông quan/giải phóng hàng rời khỏi khu vực giám sát hải quan; 72% thời gian còn lại là tác nghiệp của các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa.
Trong số hơn 32 giờ liên quan đến nghiệp vụ của cơ quan hải quan, thời gian tác nghiệp cụ thể tại một số khâu nghiệp vụ chính trong quá trình làm thủ tục hải quan như sau: thời gian đăng ký tờ khai là 1 phút 5 giây, thời gian kiểm tra chứng từ giấy (luồng Vàng) là 35 phút 51 giây, thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa (luồng Đỏ) là 24 phút 48 giây.
Đối với hàng xuất khẩu, từ khi đăng ký tờ khai cho đến khi cơ quan hải quan ra quyết định thông quan/giải phóng hàng là 11 giờ 6 phút 33 giây. Trong đó, thời gian tác nghiệp cụ thể của cơ quan hải quan tại từng khâu nghiệp vụ là đăng ký tờ khai mất 1 phút 6 giây, kiểm tra chứng từ giấy (luồng Vàng) mất 12 phút 14 giây, kiểm tra thực tế hàng hóa (luồng Đỏ) mất 19 phút 8 giây…
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, kết quả nêu trên sẽ giúp các DN ước tính được thời gian cho hoạt động XNK, minh bạch hóa các thông tin, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.
Liên quan đến thời gian cụ thể về giải phóng hàng, tuy đồng tình với kết quả Tổng cục Hải quan đưa ra là 72% thời gian giải phóng hàng chịu sự tác động của quá trình tác nghiệp của cơ quan kinh doanh cảng/quản lý cửa khẩu, cơ quan làm các thủ tục giao nhận/logistics, các cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan đến quá trình làm thủ tục hàng hóa của DN với các cơ quan này, song đại diện VCCI đặt câu hỏi: khảo sát này của Tổng cục Hải quan có xác định rõ được là cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong 72% thời gian giải phóng hàng chịu sự tác động của các cơ quan, tổ chức khác không?
“Cần phải đo được thời gian tác nghiệp cụ thể, cũng như xác định được thời gian đó thuộc trách nhiệm của cơ quan nào, thì mới có cơ sở để hải quan đưa ra các kiến nghị và đề xuất về việc cải tiến theo hướng giảm thời gian chung”, đại diện VCCI nói.
Trước những băn khoăn này của VCCI, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, dữ liệu của cuộc nghiên cứu có được trên cơ sở kết hợp ghi nhận trực tiếp thời gian theo thực tế công việc và khai thác trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, nên kết quả đảm bảo được tính khách quan. Từ kết quả đo này, cơ quan hải quan có thể biết được hoạt động của mình bị trì hoãn ở những khâu nào, từ đó rà soát lại những bất cập trong các quy trình, từng công đoạn để xem xét, sửa đổi và đưa ra những nhóm giải pháp.
“Khi thực hiện rà soát ở những khâu hàng hóa ở luồng Vàng, chúng tôi thấy phần lớn thời gian thông quan hàng hóa phụ thuộc vào thủ tục và nộp thuế của DN, do đó sẽ tập trung cải cách hành chính vào khâu này. Bên cạnh đó, việc cải cách cũng thực hiện thông qua tăng cường kiểm tra kiểm soát, quản lý rủi ro, đánh giá các DN tuân thủ pháp luật, tăng cường kiểm tra sau thông quan, đẩy mạnh chống buôn lậu, trang bị máy móc hiện đại để rút ngắn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa”, ông Cường nói.
Việc tổ chức đo thời gian giải phóng hàng toàn diện sẽ được thực hiện định kỳ 3 lần trong vòng 5 năm (đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ) nhằm đánh giá việc thực hiện Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan theo giai đoạn 5 năm. Năm 2015 sẽ là năm tiếp theo đo thời gian giải phóng toàn diện với sự tham gia của các bộ, ngành, cộng đồng DN có liên quan trong quy trình XNK hàng hóa.