Nhờ làm hồ sơ thông quan, doanh nghiệp tự gánh rủi ro

(ĐTCK) Cùng với tạo thông thoáng cho DN nhập khẩu hàng hóa, việc cơ quan hải quan đang tăng cường kiểm tra sau thông quan khiến rủi ro bị phạt, truy thu thuế đối với DN sẽ tăng lên nếu không nâng cao ý thức tuân thủ.
DN nên tự mình làm các thủ tục hải quan hoặc phải kiểm tra chặt chẽ hơn để tránh rủi ro DN nên tự mình làm các thủ tục hải quan hoặc phải kiểm tra chặt chẽ hơn để tránh rủi ro

Hồ sơ… lệch pha              

Nằm trong xu hướng cải cách thủ tục hải quan và quy trình quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan đang chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nên nếu DN không nâng cao ý thức tuân thủ, sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.

Từ thực tiễn tư vấn thuế và hải quan cho nhiều DN, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam cho biết, một rủi ro khá phổ biến mà nhiều DN đang đối mặt là hồ sơ, chứng từ nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện của cơ quan hải quan, dẫn đến DN bị truy thu thuế, phạt chậm nộp rất nặng khi cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan.

Cụ thể, nhiều DN nhập khẩu hàng hóa do tin tưởng đối tác là các DN kho vận (logistics), nên thuê các DN này làm đại lý hải quan, thay DN hoàn thiện hồ sơ, chứng từ nhập khẩu hàng hóa. Do các DN kho vận làm việc này “quen tay”, nên khâu thông quan hàng hóa diễn ra nhanh chóng.

Ngay sau khi hàng hóa được thông quan, các hồ sơ, chứng từ này được cập nhật vào hệ thống dữ liệu của cơ quan hải quan, mà DN không lường được rủi ro phát sinh từ việc trên tờ khai hải quan có những thông tin về DN nhập khẩu hàng hóa có thể được kê khai không chính xác.

Một trong những sai sót phát sinh là DN kinh doanh kho vận điền thông tin trên tờ khai họ là đơn vị nhập khẩu, trong khi lẽ ra phải khai tên của DN là chủ của lô hàng nhập khẩu. Vì sự “lệch pha” về thông tin này, khi cơ quan hải quan kiểm tra hàng hóa sau thông quan, yêu cầu DN xuất trình các loại hồ sơ, chứng từ, DN đối mặt với rủi ro bị phạt, hoặc mất đi quyền hưởng ưu đãi miễn giảm thuế nhập khẩu.

“Vì rủi ro trên mà ngoài bị mất quyền miễn giảm thuế, DN còn bị truy thu, phạt chậm nộp lên đến hàng chục tỷ đồng…”, ông Tuấn nói, đồng thời dẫn ra một ví dụ khác về những rủi ro mà DN đang đối mặt sau khi thông quan hàng hóa. Đó là DN áp mã hàng hóa không đúng với chủng loại hàng hóa nhập khẩu, nên khi cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan, phát hiện DN áp mã sai và yêu cầu áp lại mã, làm tăng số thuế phải nộp lên khá nhiều do bị truy thu và phạt chậm nộp.

Rủi ro từ ưu đãi thuế

Một rủi ro phổ biến khác mà các DN đang đối mặt, theo chuyên gia là trên cơ sở hồ sơ hưởng ưu đãi thuế mà DN đã kê khai, cơ quan hải quan khi kiểm tra sau thông quan sẽ yêu cầu các DN chứng minh các điều kiện để đáp ứng yêu cầu được miễn, giảm thuế. Trường hợp DN không đưa ra được các bằng chứng, nhất là các loại hồ sơ, chứng từ liên quan đồng nghĩa với việc DN tự từ bỏ quyền được miễn giảm thuế, nên sẽ bị cơ quan hải quan truy thu và phạt chậm nộp thuế.

Một rủi ro khác mà các DN cũng đang đối mặt liên quan đến nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Về nguyên tắc, các loại nguyên vật liệu này được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, điều DN cần lưu ý là định mức nhập khẩu nguyên vật liệu mà DN đã thống nhất với cơ quan hải quan phải luôn đảm bảo được theo dõi và cập nhật trùng khớp.

Nếu dữ liệu này tại DN không khớp với cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan, DN đối mặt với rủi ro bị truy thu thuế khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra sau thông quan. Chẳng hạn như DN thông báo với cơ quan hải quan định mức: nhập 2 mét vải thì sản xuất được 3 chiếc áo, có nghĩa là khi nhập 2 mét vải thì đầu ra (xuất khẩu) cơ quan hải quan sẽ kiểm soát DN phải xuất khẩu 3 chiếc áo.

Nếu DN chỉ xuất khẩu 2 chiếc áo mà không có giải trình, không thông báo cập nhật dữ liệu định mức mới cho cơ quan hải quan, 1 chiếc áo còn lại bị coi là tiêu thụ nội địa. Điều này đồng nghĩa với việc phần nguyên vật liệu tương ứng cho sản xuất 1 chiếc áo sẽ bị truy thu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng vì DN không xuất khẩu. Đây là rủi ro rất nhiều DN ngành dệt may đối mặt trong thời gian gần đây…

“Để giảm thiểu những rủi ro trên, DN cần tăng cường kiểm soát, lưu trữ chứng từ kế toán cho mục đích kê khai thuế, thường xuyên soát xét các bộ hồ sơ xuất nhập khẩu và có cập nhật phù hợp, để khi cơ quan hải quan vào kiểm tra có thể đáp ứng yêu cầu đối chiếu và được chấp thuận, tránh bị mất đi quyền khấu trừ, hoàn thuế, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế do hồ sơ chứng từ không hợp lệ…”, ông Tuấn khuyến nghị.               

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục