Thổi giá y tế, có phải sân sau của một vài người?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vụ CDC Hà Nội, có hay không việc 5 doanh nghiệp hình thành mặt bằng giá thiết bị y tế để đẩy các CDC của các địa phương vào tình trạng buộc phải mua với giá cắt cổ là ý kiến đại biểu đưa ra tại nghị trường.
Thổi giá y tế, có phải sân sau của một vài người?

Thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, các đại biểu đã đề cập đến những vụ việc nóng trong thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, lợi dụng COVID-19, cá biệt có trường hợp cán bộ trong chính cơ quan, tổ chức có chức năng phòng, chống dịch lại có hành vi vi phạm pháp luật khi mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ cho phòng, chống dịch.

Kết quả điều tra vụ án xảy ra CDC Hà Nội cho thấy các can phạm đã nâng khống giá thiết bị y tế lên gấp nhiều lần giữa thời điểm đại dịch đang bùng phát, đang được các cơ quan chức năng hoàn tất các trình tự thủ tục ở giai đoạn cuối cùng.

“Tuy nhiên, có một điều đáng quan tâm và cần được điều tra làm rõ đó là có hay không có việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế trong vụ việc này hình thành một mặt bằng giá thiết bị y tế để đẩy các CDC của các địa phương và tình trạng buộc phải mua với giá cắt cổ, vì không còn con đường nào khác.

Vậy những doanh nghiệp đó là ai? Có phải là sân sau của một vài người? Tại sao những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này Nhà nước không nắm giữ, kiểm soát để điều tiết, để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, để cho dân nhờ”, ông Sơn phát biểu.

Còn đại biểu Nguyễn Công Hùng (Đồng Nai) nêu ý kiến cho rằng, trong các báo cáo còn “khoảng lặng” như tình trạng một số vụ án “Viện nói không sai, tòa không sai, thi hành án càng đúng” nhưng thực tế, đương sự chịu nhiều thiệt thòi, mong giải quyết thỏa đáng.

“Tôi đã nêu vấn đề này tại cuộc họp thẩm tra ban tư pháp nhưng vụ việc vẫn rơi vào im lặng. Tôi biết theo quy trình tố tụng, có nhiều vụ án không thể khôi phục toàn bộ quyền lợi như ban đầu nhưng người dân đòi hỏi sự trung thực, bù đắp thỏa đáng… ”, đại biểu nói thêm.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy về công tác phòng chống tham nhũng cho thấy, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ); đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 253 vụ, 760 bị can. Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng đã khởi tố điều tra 4 vụ, 4 bị can; chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 3 vụ, 3 bị can.

Theo Báo cáo của Viện KSND tối cao thì trong năm 2020, ngành kiểm sát đã thụ lý giải quyết 633 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về tham nhũng; thực hành quyền công tố và kiểm sát trong giai đoạn truy tố 390 vụ, 827 bị can; đã giải quyết 264 vụ, 692 bị can.

Báo cáo của TAND tối cao cho thấy, Tòa án các cấp đã thụ lý, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo (giảm 10 vụ và tăng 31 bị cáo so với năm 2019).

Ngoài ra, các Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình 8 bị cáo; xử phạt tù từ trên 20 - 30 năm đối với 6 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 - 20 năm đối với 44 bị cáo; tù từ trên 7 - 15 năm đối với 86 bị cáo; tù từ 3 - 7 năm đối với 131 bị cáo.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục