Ông Nguyễn Nhật Cảm (SN 1963, ở Thái Bình, cựu Giám đốc CDC Hà Nội) cùng 9 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Kết luận điều tra thể hiện, các bị can đã cấu kết, thông đồng với doanh nghiệp để nâng khống gấp 3 lần giá mua sắm hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2.
Cụ thể, CDC Hà Nội được Sở Y tế cấp nguồn kinh phí bổ sung hơn 31,1 tỷ đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Trong đó, chi phí dự toán mua một số thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là khoảng 9,5 tỷ đồng. Giá mua hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm SARS-CoV-2 là 7 tỷ đồng, máy chiết tách DNA/RNA tự động 1,2 tỷ đồng và 2 tủ lạnh âm giá 1,34 tỷ đồng.
Theo quy định của Luật Đấu thầu, CDC Hà Nội phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng bảng giá để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhật Cảm với vai trò Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hoá, dịch vụ đã không thực hiện quy định này.
Kết luận thể hiện, ông Cảm bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty thiết bị y tế Phương Đông, đơn vị phân phối Hệ thống Realtime PCR tự động xuất xứ từ Đức) và Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty Vitech) ấn định nhà thầu là Công ty MST với giá trúng thầu chỉ định là hơn 9,5 tỷ đồng.
Để hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu chỉ định, CDC Hà Nội đã thuê Công ty Nhân Thành lập khống chứng thư thẩm định giá.
Sau khi thỏa thuận, các bị can đã thông đồng nâng hệ thống Realtime PCR từ 3,7 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng.
Ngày 3/3/2020, Công ty MST đã lắp đặt bàn giao hệ thống vào hoạt động. CDC Hà Nội đã chuyển khoản thanh toán 9,5 tỷ đồng cho Công ty MST.
Tại cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Ngọc Nhất khai chiều 6/2, bị can cùng một số người đến gặp ông Cảm tại trụ sở CDC Hà Nội. Tại đây, Nhất trao đổi riêng với ông Cảm về việc khi mua bán hoàn tất, phía doanh nghiệp sẽ chi cho ông Cảm 15% (trước VAT) giá trị của hệ thống máy.
Theo điều tra, việc CDC Hà Nội áp giá 7 tỷ đồng cho hệ thống Realtime PCR của Công ty Phương Đông để làm dự toán, sau đó thuê Công ty Nhân Thành thẩm định giá là không đảm bảo khách quan và minh bạch. Hành vi của ông Cảm và các bị can đã vi phạm Luật Đấu thầu và các quy định hiện hành.
Cơ quan điều tra Bộ Công an đánh giá với vai trò và trách nhiệm là Giám đốc CDC Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm hàng hoá, dịch vụ, ông Nguyễn Nhật Cảm đã ký phiếu đề xuất kinh phí hơn 9,5 tỷ để mua máy móc, trang thiết bị nhằm hợp thức trình tự, nội dung về giá. Đồng thời hợp thức các thủ tục chỉ định thầu để Công ty MST trúng thầu theo mức giá được ấn định từ trước.
Quá trình điều tra, ông Cảm nhận thức được hành vi của mình là sai, không đúng quy định theo Luật Đấu thầu năm 2013, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Cảm không thừa nhận việc bị can Nhất trao đổi trích lại cho CDC Hà Nội 15% giá trị gói thầu. Vì vậy, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ chứng minh ông Cảm có hành vi tư lợi.