Thoái vốn Tổng công ty Sông Hồng, e ngại ý đồ thâu tóm giá rẻ

(ĐTCK) Liên tục thua lỗ trong thời gian dài, vốn chủ sở hữu âm hơn 600 tỷ đồng, song cổ đông nội bộ vẫn gia tăng sở hữu - diễn biến này tại Tổng công ty Sông Hồng khiến dư luận đặt dấu hỏi: Có hay không việc để doanh nghiệp “chết” dần một cách có chủ đích?
Thoái vốn Tổng công ty Sông Hồng, e ngại ý đồ thâu tóm giá rẻ

Tổng công ty Sông Hồng vốn là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc quản lý của Bộ Xây dựng. Tháng 11/2009, Tổng công ty tổ chức đấu giá cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO) và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2010.

Nếu như nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa có sự khởi sắc về hiệu quả kinh doanh nhờ cơ cấu cổ đông mới năng động hơn thì diễn biến ở Tổng công ty Sông Hồng lại theo chiều hướng ngược lại.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, hiệu quả kinh doanh của Công ty liên tục đi xuống. Nếu như năm 2012, doanh thu của Tổng công ty đạt 1.484 tỷ đồng, năm 2013 giảm xuống còn 1.336 tỷ đồng thì tới năm 2018 rớt xuống 213 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, thương hiệu xây dựng đình đám một thời chỉ ghi nhận 28 tỷ đồng doanh thu.

Tỷ lệ thuận với sự lao dốc của doanh thu là sự đi xuống của lợi nhuận. Năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty bắt đầu âm 3 tỷ đồng, mức lỗ tăng dần qua các năm,  năm 2018, số lỗ lên tới 376 tỷ đồng. Báo cáo tài chính quý III/2019 của Tổng công ty cho thấy, số lỗ 9 tháng đầu năm là 48 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý III/2019 đã lên tới gần 956 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm tới 625 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp tính đến thời điểm 30/9/2019 là khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên tới 1.635 tỷ đồng.

Trong bản giải trình kết quả kinh doanh, doanh nghiệp cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, Tổng công ty chỉ còn phần công việc của các hợp đồng cũ chuyển tiếp sang. Do không thanh toán được nợ vay, bị các tổ chức tín dụng xếp hạng nợ xấu, Công ty không đủ điều kiện tài chính tham gia đấu thầu hợp đồng mới.

Cùng với sự đi xuống của hiệu quả kinh doanh, thị giá cổ phiếu cũng rơi sâu. Tại thời điểm IPO, có nhà đầu tư đặt lệnh mua 6,7 triệu cổ phiếu này với giá 22.290 đồng/cổ phiếu, cao hơn 50% so với giá khởi điểm 14.000 đồng/cổ phiếu.

Lên sàn từ năm 2015, giá cổ phiếu SHG từ mức khởi điểm 9.600 đồng/cổ phiếu nay đã rơi xuống 2.600 đồng/cổ phiếu và không có thanh khoản.

Diễn biến đáng chú ý là vào đầu tháng 1/2018, hai cổ đông nội bộ là ông Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc và ông Phan Việt Anh, Phó tổng giám đốc đăng ký mua vào hơn 6,5 triệu cổ phần SHG trong đợt phát hành riêng lẻ, để trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp. Với giá chào bán cho mỗi cổ phần là 10.000 đồng, ước tính hai cổ đông này chi ra 65 tỷ đồng.

Sau đợt phát hành này, phần vốn nhà nước tại Tổng công ty đã giảm từ 73,2% về 49%. Theo Vietstock, tại thời điểm cuối năm 2018, các cổ đông lớn là cá nhân tại Tổng công ty gồm: ông Phan Việt Anh nắm 14,9%; ông Lã Tuấn Hưng nắm 9,26%. Cổ đông cá nhân còn lại tuy không nằm trong Hội đồng quản trị, nhưng nắm giữ lượng cổ phiếu lớn thứ 2 là bà Phạm Thị Phương Thúy, với hơn 11% cổ phần.

Việc mua đi bán lại cổ phiếu của các thành viên hay lãnh đạo trong doanh nghiệp là điều hoàn toàn bình thường trên thị trường chứng khoán, nhưng trong trường hợp này lại đặt ra một câu hỏi lớn.

Dư luận cũng đang hoài nghi về đề xuất mới đây của doanh nghiệp với Bộ Xây dựng, rằng cần triển khai thoái vốn gấp trong năm 2019 thông qua đấu giá công khai phần vốn nhà nước giữa bối cảnh phần vốn nhà nước tại SHG gần như được xác định là có thể mất trắng.

Liệu rằng, bên cạnh những yếu tố khách quan, việc thua lỗ của doanh nghiệp có nằm trong chủ đích của một số cá nhân, để nhắm tới thâu tóm những khu đất trung tâm thuộc quyền quản lý hay được nhà nước giao thuê dài hạn của Công ty mẹ SHG, cũng như hàng loạt đơn vị thành viên của SHG với giá rẻ mạt hay không? Những điều này rất cần được làm rõ.     

Trong danh mục tài sản bất động sản của SHG hiện nay, đáng chú ý có 2 lô đất số 70 An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội là trụ sở của SHG và 1 lô tại Chi nhánh Lào Cai, dự án Khách sạn Royal Sông Hồng (Vĩnh Phúc), dự án nhà ở cán bộ công chức Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tại Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm Hà Nội rộng 2,6 ha, Dự án Lĩnh Nam, tuy nhiên phần lớn các dự án này đều đang treo dở dang. Với dự án Khách sạn Royal Sông Hồng, có tổng vốn đầu tư là 36,7 tỷ đồng đã được Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương cho phép Tổng công ty được tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án.  

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục