Báo cáo tài chính quý III/2019 của Công ty mẹ Tổng công ty Sông Hồng (SHG) cho thấy, tại thời điểm 30/9/2019, tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp trị giá 536 tỷ đồng, giảm so với mức 586,5 tỷ đồng đầu năm.
Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền 7,1 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 321 tỷ đồng, hàng tồn kho 196,2 tỷ đồng.
Trong các khoản phải thu ngắn hạn, phần giá trị phải thu khách hàng là 189 tỷ đồng, gồm 7 tỷ đồng từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 8,9 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Bất động sản Đông Đô, 312 triệu đồng từ Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh, 173 tỷ đồng từ các đối tượng khác.
Phần lớn các khoản phải thu không có khả năng thu hồi khi SHG trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 310 tỷ đồng.
Trong hạng mục hàng tồn kho 196,2 tỷ đồng, có khoản tiền Tổng công ty chi ra để mua một số lô đất tại Khu biệt thự Tây Hồ.
Các lô đất này đã được chuyển nhượng cho các cá nhân bên ngoài, nhưng do chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý nên vẫn đang theo dõi trên khoản mục hàng tồn kho.
Khoản tiền nhận được từ việc bán lô đất đã được tính trên khoản mục người mua trả tiền trước trên báo cáo tài chính giữa niên độ 2019, với giá trị 24,6 tỷ đồng.
Về tài sản dài hạn, tổng giá trị tại thời điểm 30/9/2019 là 471 tỷ đồng, giảm so với mức 477,3 tỷ đồng đầu năm.
Trong đó, tài sản cố định hữu hình chỉ còn 4,2 tỷ đồng so với nguyên giá 57,4 tỷ đồng, giảm 53,2 tỷ đồng do hao mòn lũy kế.
Bất động sản đầu tư vẫn được xác định giá trị nguyên giá là 56,2 tỷ đồng. Trong khoản mục tài sản dài hạn khác, giá trị lợi thế 2 lô đất số 70 An Dương và tại Chi nhánh Lào Cai được ước tính 10,37 tỷ đồng.
Trong 471 tỷ đồng còn bao gồm các khoản phải thu dài hạn 298,67 tỷ đồng, chiếm gần 2/3. Vì vậy, con số tính cả “cua trong lỗ” này phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có thu về được toàn bộ giá trị phải thu trong dài hạn hay không.
Ngoài ra, trong mục tài sản dài hạn còn có khoản mục tài sản dở dang, chủ yếu là chi phí xây dựng cơ bản dở dang 36,2 tỷ đồng, các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết, đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác 65,3 tỷ đồng.
Dự án Khách sạn Royal Sông Hồng được xác định giá trị xây dựng cơ bản 35,6 tỷ đồng. Dự án này đã được Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương cho phép SHG được tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án.
Đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn, tính đến thời điểm cuối quý III/2019, Tổng công ty đầu tư vào 6 công ty con, 13 công ty liên kết cùng 7 công ty khác, với tổng giá trị đầu tư 286,5 tỷ đồng.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, hầu hết các khoản đầu tư không đem lại cổ tức, lợi nhuận cho SHG, bởi phần nhiều các công ty được đầu tư cũng đang trong tình trạng thua lỗ, khiến Tổng công ty phải thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính, với giá trị gần 221 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy, con số tổng tài sản còn lại vào khoảng hơn 1.000 tỷ đồng tính đến 30/9/2019 tại bảng cân đối kế toán của SHG gần như chỉ là các con số liệt kê “cho có”, giá trị thực tính toán còn lại trên thực tế là rất thấp.
Thêm vào đó, với khoản nợ còn treo 1.635 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 628,5 tỷ đồng trên vốn điều lệ 270 tỷ đồng thì rõ ràng, Tổng công ty gần như rơi vào tình trạng trắng tay.
Trong tình cảnh này, khó có một kịch bản thoái vốn khả thi tại SHG thông qua đấu giá công khai 49,04% phần vốn nhà nước còn lại sau cổ phần hóa trị giá 132,4 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2019. Chính bản thân lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận, khả năng SHG phá sản là rất lớn.