Thoái vốn thế hệ mới đứng trước nguy cơ… vòng vo

(ĐTCK) Thông tư hướng dẫn Nghị định số 32/2018/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp vừa được Bộ Tài chính ký ban hành đã phần nào gỡ thế bế tắc cho các đợt thoái vốn nhà nước tới đây. Những quy định mới này đòi hỏi quy trình thực hiện minh bạch gắn với trách nhiệm nặng nề.
Thoái vốn thế hệ mới đứng trước nguy cơ… vòng vo

Có hiệu lực từ ngày 1/9/2018, nội dung được quan tâm nhiều nhất trong thông tư là hướng dẫn liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo Nghị định 32/2018, việc xác định giá khởi điểm khi đấu giá chuyển nhượng vốn nhà nước phải xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước đầu tư, bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm); giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 chưa có hướng dẫn việc tính các “giá trị văn hóa, lịch sử khác”, cũng như giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm khi xác định giá khởi điểm bán cổ phần.

Thông tư mới đã đưa ra hướng dẫn những “nút thắt” này. Cụ thể, đối với giá trị quyền sử dụng đất thuê (trả tiền hàng năm) phải căn cứ vào hợp đồng thuê đất trực tiếp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm, thời hạn thuê đất, tiền thuê đất và các yếu tố khác (nếu có).

Chênh lệch (nếu có) giữa tiền thuê đất của thời hạn thuê đất còn lại trong hợp đồng, hoặc quyết định cho thuê đất tính theo giá đất tại thời điểm có hợp đồng, hoặc quyết định cho thuê đất với tiền thuê đất của thời hạn thuê đất còn lại tính theo giá đất tại thời điểm xác định giá chuyển nhượng được tính bổ sung khi xác định giá khởi điểm.

Giá đất làm cơ sở tính tiền thuê đất trả tiền hàng năm tuân theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 77/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Đối với giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử (nếu có), sẽ thực hiện xác định riêng từng giá trị theo quy định pháp luật thẩm định giá, theo các phương pháp phù hợp.

Trường hợp không đủ hồ sơ, tài liệu để xác định giá trị văn hóa, lịch sử thì chủ sở hữu vốn chuyển nhượng căn cứ mức độ ảnh hưởng, tác động của giá trị đến hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp, hiệu quả đem lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để xác định tỷ lệ (tối thiểu 1%) trên tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở xác định giá khởi điểm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Như vậy, hướng dẫn cho 2 vấn đề khó nhất trong xác định giá trị doanh nghiệp đã có. Điều dễ nhận thấy là sau hướng dẫn này, giá trị doanh nghiệp khi thoái vốn sẽ cao hơn so với cách xác định trước đây.

Bởi ngay cả trường hợp xác định các yếu tố giá trị văn hóa, lịch sử, thương hiệu ở mức thấp nhất là 1% tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước, thì tại các doanh nghiệp lớn như Petrolimex, ACV, Vietnam Airlines…, con số này cũng không hề nhỏ, có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Hiện tại, vấn đề khiến các bên có liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp thực sự e ngại là quy định “chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Thị trường là yếu tố vô cùng khó đánh giá, trong trường hợp xác định một mức giá ngày hôm nay, nhưng trong tương lai, giá thị trường đẩy lên cao hơn, thì liệu những người đã tham gia xác định giá trị doanh nghiệp có bị “đánh giá lại”. Làm gì để giải tỏa e ngại này? Đây là câu hỏi đang chờ nhà quản lý giải đáp.

Bên cạnh đó, một vấn đề đáng chú ý trong Thông tư mới là thoái vốn tại các doanh nghiệp có quyền thuê, quyền sử dụng đất với diện tích lớn.

Thông tư mới quy định, việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có liên quan đến quyền sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Khi chuyển nhượng vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm rà soát hồ sơ bàn giao doanh nghiệp từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) theo đúng quy định (trong đó có báo cáo về sử dụng đất của doanh nghiệp) và thực tế sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước làm cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất khi tính vào giá khởi điểm chuyển nhượng vốn.

Vậy những doanh nghiệp chưa thực hiện sắp xếp lại tài sản, trong đó có nhà đất, có thực hiện thoái vốn Nhà nước theo kế hoạch đã được phê duyệt hay sẽ chờ sắp xếp lại tài sản rồi mới thoái vốn?

Trong khi đó, quy định mới về sắp xếp lại tài sản doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 50% trở lên theo Nghị định 67/2017/CP-NĐ có hiệu lực từ 31/12/2017 đang bị giới đầu tư đánh giá là không hợp lý và kiến nghị xem xét sửa đổi.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ