Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ cơ cấu đóng góp sẽ thấy tỷ trọng rất lớn đến từ các doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa từ cuối năm 2017.
Chẳng hạn như CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Ðiện lực dầu khí, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Sản xuất xuất nhập khẩu Bình Dương, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Tổng công ty Lương thực miền Nam…Ðây là những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, được phê duyệt phương án cổ phần hóa vào tháng 12/2017 và thực hiện IPO vào tháng 1-3/2018.
Kể từ khi Nghị định số 126/2017/NÐ-CP ban hành ngày 16/11/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, có hiệu lực từ 1/1/2018, thị trường quan sát thấy rất ít doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa theo các quy định mới. Ðặc biệt, doanh nghiệp ở các địa phương, có tài sản gắn với đất đai hầu như không xuất hiện.
Vướng mắc trong xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó phần lớn liên quan đến đất đai, có thể là một trong những nguyên nhân khiến 11 doanh nghiệp nhà nước thuộc Hà Nội và 39 doanh nghiệp của TP.HCM phải cổ phần hóa trong năm nay, đến giờ chưa có doanh nghiệp nào thực hiện.
Nghị định 126/2017/CP -NÐ yêu cầu phải xác định giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp, thay vì cho phép doanh nghiệp được lựa chọn 2 phương án (đất thuê trả tiền 1 lần tính vào giá trị doanh nghiệp, đất thuê trả tiền hàng năm không phải tính vào giá trị doanh nghiệp) như trước kia.
Theo Thông tư số 41/2018/TT-BTC ban hành ngày 4/5/2018 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp cổ phần hóa phải sử dụng ít nhất 2 phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó phải có phương pháp tài sản.
Trong các tài sản kiểm kê để xác định giá trị doanh nghiệp, tài sản gắn liền với đất phải sắp xếp, xử lý theo quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền phù hợp với pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.
Như vậy, trước khi cổ phần hóa, doanh nghiệp phải tiến hành sắp xếp lại tài sản nhà đất, mà quy trình để thực hiện được việc này lại đòi hỏi không ít thời gian và sự phức tạp.
Chẳng hạn, Nghị định 167/2017/CP-NÐ có hiệu lực từ 31/12/2017 quy định, bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, chủ trì tổ chức kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng nhà đất và lập thành biên bản theo mẫu đối với từng cơ sở nhà đất.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra hiện trạng, bộ, cơ quan Trung ương xem xét, lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất thuộc phạm vi quản lý, gửi lấy ý kiến của ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà đất.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà đất có ý kiến bằng văn bản đối với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc Trung ương quản lý.
Trên cơ sở đó, bộ, cơ quan Trung ương hoàn thiện phương án gửi Bộ Tài chính. Bộ này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong trường hợp bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh có ý kiến, quan điểm khác nhau đối với phương án.
Bộ Tài chính cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, hoặc Bộ Tài chính xem xét phê duyệt phương án thuộc thẩm quyền của Bộ.
Tại cuộc họp của Ban Ðổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vương Ðình Huệ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết các thủ tục, đặc biệt về đất đai, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, không vì làm nhanh mà để ảnh hưởng đến chất lượng.
Còn những người trong cuộc thì lại loay hoay với câu hỏi: Cổ phần hóa sẽ phải bắt đầu từ đâu?