Thở phào với Crưm, chứng khoán bay cao, vàng rơi mạnh

(ĐTCK) Cuộc trưng cầu dân ý Crưm diễn ra yên bình, không có bạo lực như lo ngại, trong khi dữ liệu kinh tế tích cực đã giúp chứng khoán tăng mạnh, trong khi vàng không còn lý do để lởn vởn trên cao.
Phố Wall tăng mạnh phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters Phố Wall tăng mạnh phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters
Cuộc trưng cầu dân ý ở nước cộng hòa tư trị Crưm đã diễn ra trong bình yên với gần 97% cử tri đồng ý tách khỏi Ukraine và xin sáp nhập vào Nga. Cuộc trưng cầu dân ý bị Ukraine và phương Tây cho là vi hiến, trong khi Nga và người dân Crưm cho là hợp pháp.

Dù sau cuộc trưng cầu dân ý này, Mỹ, EU đã công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga và Crưm, nhưng cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bình yên không xảy ra bạo lực và đụng độ nào như lo ngại trước đó khiến giới đầu tư toàn cầu yên lòng hơn rất nhiều.

Sau khi vấn đề Crưm đã tạm thời xong, giới đầu tư bắt đầu hướng sự chú ý của mình vào các vấn đề khác, trong đó trước mắt là các dữ liệu được công bố trong tuần và cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong 2 ngày thứ Ba và thứ Tư.

Và tin vui đã đến với Phố Wall khi ngay đầu tuần đã đón nhận thông tin vui về về kinh tế. Theo dữ liệu được công bố hôm thứ Hai (17/3), sản xuất ở các nhà máy của Mỹ trong tháng 2 tăng 0,8%, cao hơn mức dự kiến 0,3% trước đó và là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2009 sau khi sụt giảm 0,9% trong tháng 1. Tổng sản lượng công nghiệp cũng tăng 0,6%, cao hơn dự kiến. Trong khi đó, sản xuất ở các nhà máy khu vực New York cũng tăng trong tháng 3, các chỉ số kinh tế chung của khu vực này cũng tăng 5,6 trong tháng này so với mức 4,5 trong tháng 2.

Ngay sau khi các thông tin kinh tế tích cực được công bố, chứng khoán đã vụt tăng mạnh sau 1 tuần giảm điểm trước đó do lo ngại về vấn đề Crưm.  

Kết thúc phiên 17/3, chỉ số Dow Jones tăng 181,55 điểm (+1,13%), lên 16.247,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 17,70 điểm (+0,96%), lên 1.858,83 điểm. Nasdaq tăng 34,55 điểm (+0,81%), lên 4.279,95 điểm.

Tương tự Phố Wall, chứn khoán châu Âu cũng bật tăng trở lại trong phiên đầu tuần nhờ vấn đề Crưm trôi qua một cách nhẹ nhàng và dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đà hưng phấn này chỉ trong ngắn hạn, bởi với việc Mỹ và Eu trừng phạt kinh tế đối với Nga, kinh tế châu Âu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, đáng quan ngại nhất là vấn đề năng lượng, khi châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga và hơn 70% trong số đó đi qua Ukraine.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư ở Nga và đang gặt hái được nhiều thành công, ngược lại châu Âu cũng thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là giới doanh nhân Nga, những người chi tiêu hào phóng, đóng góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của nền kinh tế châu Âu vốn đang rất yếu ớt.

Kết thúc phiên 17/3, chỉ số FTSE tại Anh tăng 40,46 điểm (+0,62%), lên 6.568,35 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 124,48 điểm (+1,37%), lên 9.180,89 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 55,59 điểm (+1,32%), lên 4.271,96 điểm.

Chứng khoán châu Á lại có sự trái chiều trong phiên đầu tuần. Chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông tiếp tục giảm điểm, trong đó, dù mức độ giảm đã được hãm đi rất nhiều, nhưng chứng khoán Nhật vẫn đóng cửa ở mức thấp nhất trong 6 tuần trong phiên đầu tuần do vấn đề Ukraine vẫn ám ảnh giới đầu tư. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại phục hồi khá tốt nhờ ảnh hưởng từ thông tin trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba quyết định niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

Kết thúc phiên 17/3, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 49,99 điểm (-0,35%), xuống 14.277,67 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 65,54 điểm (-0,30%), xuống 21.473,95 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 19,33 điểm (+0,96%), lên 2.023,67 điểm.

Một thông tin khác cũng đáng chú ý là Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda nên được khen ngợi cho chính sách nới lỏng, giúp kinh tế Nhật Bản thoát khỏi thập kỷ giảm phát. Với chính sách tiền tệ nới lỏng, đồng yên Nhật đã giảm mạnh, hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu và nền kinh tế vốn dựa chính vào xuất khẩu của Nhật Bản, qua đó tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Nhật trong gần 1 năm qua.

Sau khi tăng mạnh cuối tuần trước khi được nhà đầu tư lựa chọn kênh đầu tư an toàn do lo ngại vấn đề Ukraine, đồng yên Nhật đã giảm mạnh trở lại khi bước vào phiên sáng nay (18/3) và đã góp phần giúp chứng khoán Nhật Bản dần hồi phục.

Trên thị trường vàng, khi vấn đề Crưm coi như đã an bài mà không có cuộc đụng độ nào xảy ra, trong khi dữ liệu kinh tế khả quan khiến vàng không còn chỗ bấu víu để lởn vởn trên cao.

Bên cạnh đó, theo giới phân tích, việc dữ liệu kinh tế khả quan bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ khiến FED nhiều khả năng cắt giảm tiếp 10 tỷ USD/tháng đối với gói QE3 trong cuộc họp trong tuần này. Khi đó, dòng tiền nóng sẽ rút khỏi các thị trường, trong đó có kênh đầu tư vàng.

Với nhiều thông tin không mấy tích cực tác động, giá vàng đã quay đầu giảm mạnh trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 17/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 14,5  USD (-1,05%), xuống 1.367,50 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 6,1 USD (-0,44%), xuống 1.372,9 USD/ounce.

Giá dầu bất ngờ giảm trở lại trong phiên đầu tuần khi đồng USD tăng giá trước lo ngại FED sẽ cắt giảm tiếp gói QE3. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, đây chỉ là xu hướng ngắn hạn, bởi với tình hình căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây hiện nay, giá nhiên liệu sẽ nhanh chóng tăng trở lại. Nga được biết đến là nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới ngoài OPEC, trong khi lượng xuất khẩu chính của Nga là sang các nước châu Âu.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ, nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới đang có dấu hiệu ấm lên, sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cao hơn. Còn theo dự báo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu tiêu thụ dầu năm nay sẽ tăng mạnh. Do đó, giá dầu được dự báo sẽ tăng trong năm nay.

Kết thúc phiên 17/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,81 USD (-0,83%), xuống 98,08 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,03 (-0,03%), xuống 108,54 USD/thùng.

T.Lê tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục