Ngay phiên đầu tuần, trong khi điểm nóng Ukraine ngày càng tăng nhiệt, thì Trung Quốc công bố dữ liệu xuất khẩu sụt giảm mạnh, thâm hụt cán cân thượng mại cũng lên mức cao, cho thấy dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Những thông tin này đã tác động mạnh tới thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch đầu tuần và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Âu, Mỹ những phiên sau đó.
Trong phiên giao dịch ngày 12/3, giới đầu tư Phố Wall vẫn giữ thái độ thận trọng để nghe ngóng thêm tình hình ở Ukraine và dữ liệu sản xuất công nghiệp của Trung Quốc sẽ được công bố vào hôm nay, thứ Năm (13/3) để biết rõ hơn về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nay.
Một thông tin bất lợi khác cũng bất ngờ xuất hiện khi vào khoảng 9h30 sáng ngày 12/3 giờ địa phương, một vụ nổ lớn làm sập tòa nhà chung cư 5 tầng tại New York, khiến 2 người chết và khoảng 20 người bị thương.
Vụ nổ làm chấn động cả khu Đông Harlem và khiến nhiều người liên tưởng đến vụ khủng bố 11/9.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 12/3, Phố Wall không mấy bị tác động bởi vụ nổ này khi các chỉ số chỉ dao động lình xình với sự thận trọng của giới đầu tư.
Kết thúc phiên 12/3, chỉ số Dow Jones giảm 11,17 điểm (-0,07%), xuống 16.340,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,57 điểm (+0,03%), lên 1.868,20 điểm. Nasdaq tăng 16,14 điểm (+0,37%), lên 4.323,33 điểm.
Chứng khoán châu Âu rủ nhau lao thảm trong phiên 12/3 khi giới đầu tư lo ngại về tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của châu Âu, vì vậy, sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này ảnh hưởng rất mạnh tới các doanh nghiệp châu Âu nói riêng và kinh tế lục địa già nói chung.
Với dầu hiệu chậm lại của kinh tế Trung Quốc, cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu châu Âu và các cổ phiếu khai khoáng giảm mạnh.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng nóng hơn khi Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các biện pháp trừng phạt cả về chính trị và kinh tế với Nga, các biện pháp trừng phạt được xem là mạnh nhất kể từ sau chiến tranh lạnh cũng khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp có quan hệ làm ăn, đầu tư với Nga rớt thảm và góp phần kéo chứng khoán châu Âu giảm mạnh.
Kết thúc phiên 12/3, chỉ số FTSE tại Anh giảm 64,62 điểm (-1,97%), xuống 6.620,90 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 119,10 điểm (-1,28%), xuống 9.188,69 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 43,46 điểm (-1,00%), xuống 4.306,26 điểm.
Cũng tương tự chứng khoán châu Âu, chứng khoán châu Á cũng rớt thảm bởi ảnh hưởng từ các dữ liệu yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc. Chịu ảnh hưởng mạnh nhất là cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ và kim loại. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 và mức giảm điểm theo ngày lớn nhất trong vòng 1 tháng.
Kết thúc phiên 12/3, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 393,72 điểm (-2,59%), xuống 14.830,69 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 367,66 điểm (-1,65%), xuống 21.901,95 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 3,47 điểm (-0,17%), xuống 1.997,69 điểm.
Khi những thông tin khiến chứng khoán lao đao, thì lại là động lực để giá vàng khởi sắc. Những thông tin không tích cực của kinh tế Trung Quốc, cũng như cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng ở Ukraine đã tiếp nhiên liệu cho giá vàng lên cao nhất 6 tháng trong phiên 12/3.
Kết thúc phiên 12/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 17,7 USD (+1,31%), lên 1.367,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 23,8 USD (+1,77%), lên 1.370,5 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu lại rớt thảm, bởi dữ liệu kinh tế yếu kém của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng là nước tiêu thụ nhiên liệu lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc. Kết thúc phiên 12/3, giá dầu thô Mỹ giảm 2,04 USD (-2,08%), xuống 97,99 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,53 (-0,49%), xuống 108,02 USD/thùng.