Phố Wall đang run sợ

(ĐTCK) Những dữ liệu kinh tế mới đây của Mỹ càng khiến giới đầu tư lo lắng Cục dự trữ liên bang (FED) sẽ sớm rút gói kích thích kinh tế QE3.
Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của Phố Wall tăng mạnh 12% trong phiên thứ Năm - Ảnh: Reuters Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của Phố Wall tăng mạnh 12% trong phiên thứ Năm - Ảnh: Reuters
Theo dữ liệu được công bố tuần trước cho thấy, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm, trong khi bảng lương khu vực tư nhân và phi nông nghiệp tăng.

Tuần này, thêm thông tin tích cực cho nền kinh tế Mỹ và củng cố thêm niềm tin FED sẽ chấm dứt gói QE3 trong cuộc họp vào tuần tới là doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 0,3%, kết thúc 2 tháng liên tiếp sụt giảm. Trong khi đó, theo số liệu điều chỉnh mà Bộ Lao động Mỹ vừa công bố, trợ cấp thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 11 năm ngoái.

Những lo ngại về việc FED sẽ rút gói QE3 khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán ra, đề phòng rủi ro, kéo Phố Wall rớt thảm trong phiên 13/3.

Bên cạnh những lo lắng về việc QE3 sẽ bị “khai tử”, thì việc bán đảo Crưm sẽ trưng cầu dân ý vào Chủ nhật này để sáp nhập vào Nga cũng khiến giới đầu tư phải thận trọng. Không chỉ thế, việc có thông tin Nga ém 80.000 quân và tập trận gần biên giới Ukraine và Ukraine động viên 15.000 người nhập ngũ cũng khiến tình hình tại quốc gia Đông Âu này căng như dây đàn.

Bên cạnh đó, những dữ liệu về kinh tế Trung Quốc vừa được công bố cũng khiến giới đầu tư phải thận trọng hơn.

Những thông tin không tích cực liên tiếp được đưa ra khiến Phố Wall có ngày giảm khá tồi tệ, trong đó Dow Jones có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 2. Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của Phố Wall đã tăng mạnh 12%, lên 16,22.

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số Dow Jones giảm 231,19 điểm (-1,41%), xuống 16.108,89 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 21,86 điểm (-1,17%), xuống 1.846,34 điểm. Nasdaq giảm 62,91 điểm (-1,46%), xuống 4.260,42 điểm.

Những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc và tình hình căng thẳng ở Ukraine cũng khiến chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch thứ Năm. Bên cạnh đó, sau khi một cảnh báo về lợi nhuận của chuỗi siêu thị của Morrison được đưa ra, làn sóng bán tháo cổ phiếu bán lẻ diễn ra trên diện rộng ở thị trường chứng khoán Anh cũng góp thêm vào đà lao dốc của chứng khoán châu Âu,

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số FTSE tại Anh giảm 67,12 điểm (-1,01%), xuống 6.553,78 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 170,90 điểm (-1,86%), xuống 9.017,79 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 55,75 điểm (-1,29%), xuống 4.250,51 điểm.

Theo dữ liệu được công bố hôm thứ Năm, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm thấp hơn dự báo. Trong khi đó, tăng trưởng đầu tư và tăng trưởng bán lẻ cũng yếu hơn so với dự kiến, xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, cho thấy sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đang có vấn đề.

Sau khi dữ liệu này được công bố, chứng khoán Hồng Kông  đã đột ngột đảo chiều, trong khi chứng khoán Trung Quốc dường như không bị ảnh hưởng và bất ngờ tăng mạnh trong phiên thứ Năm. Chứng khoán Nhật Bản vẫn giảm nhẹ sau khi mất tới 2,6% trong phiên thứ Tư khi đồng yên tăng giá so với USD, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu và cả nền kinh tế của nước này.

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 14,41 điểm (-0,1%), xuống 14.815,98 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 145,87 điểm (-0,67%), xuống 21.756,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 21,42 điểm (+1,07%), lên 2.019,11 điểm.

Trong khi đó, dù tình hình Ukraine vẫn còn căng thẳng và rủi ro kinh tế hiện hữu, nhưng giá vàng không thể lao cao. Giá kim loại quý này bị đẩy trở lại khi chạm mốc kháng cự 1.375 USD/ounce. Ngoài ra, dù có nhiều rủi ro cả về kinh tế, chính trị và khả năng chiến tranh, nhưng vàng không thể tận dụng được vai trò là nơi trú ẩn an toàn để bứt phá, bởi giới đầu tư trên thị trường kim loại quý cũng lo lắng về khả năng FED sẽ rút gói QE3.

Cũng giống như chứng khoán, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường vàng trong vài năm qua phần lớn từ gói QE3, vì vậy, khi gói kích thích kinh tế trị giá 85 tỷ USD/tháng (hiện đã rút về 75 tỷ USD/tháng) này bị “khai tử”, sẽ có một dòng tiền lớn bị rút ra khỏi các thị trường trong đó có chứng khoán và vàng. Do đó, trong phiên 13/3, giá vàng chỉ đủ sức nhích nhẹ.

Kết thúc phiên 13/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 3,9 USD (+0,29%), lên 1.371,10 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 1,9 USD (+0,14%), lên 1.372,4 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, sau khi rớt thảm 3 phiên, nhất là trong phiên 12/3 do lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc, giá dầu thô tại Mỹ đã hồi nhẹ trở lại, trong khi giá dầu Brent vẫn giảm dần đều, với mức giảm dưới 1%. Kết thúc phiên 13/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,21 USD (+0,21%), lên 98,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,63 (-0,59%), xuống 107,39 USD/thùng.

T.Lê tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục