Các nhà phân tích thị trường dự kiến Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản, vì vậy động thái này vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên, mặc dù việc cắt giảm lãi suất của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng thường xuyên.
Chỉ số giá tiêu dùng của Thổ Nhĩ Kỳ đã leo lên mức cao nhất trong 24 năm là 83,45% vào tháng 9, mặc dù nhiều người sống ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết giá hàng hóa cơ bản trong một số trường hợp đã tăng hơn gấp ba lần trong năm qua.
Chính sách tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang dựa trên mục tiêu theo đuổi tăng trưởng và cạnh tranh xuất khẩu hơn là xoa dịu lạm phát. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có niềm tin phi chính thống rằng việc tăng lãi suất sẽ làm tăng lạm phát, chứ không phải ngược lại.
Chính sách này liên tục gây ra những lời chỉ trích từ các nhà kinh tế, đồng thời đóng một vai trò chính trong sự suy yếu đáng kể của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ khi đã giảm giá khoảng 28% so với đồng bạc xanh trong năm nay.
“Đồng lira vẫn yếu, lợi suất thực thấp một cách giả tạo, lạm phát tăng mạnh và tài khoản vãng lai vẫn thâm hụt. Điều này đã khiến các nhà đầu tư quốc tế từ bỏ thị trường trái phiếu nội tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây”, Daniel Wood, Giám đốc danh mục đầu tư tại William Blair Investment Management cho biết.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã theo đuổi các chiến lược thay thế để củng cố đồng tiền của mình, bao gồm các chương trình khuyến khích tiền gửi bằng đồng lira trong ngân hàng, bán đô la lấy đồng lira và nhận đầu tư, hỗ trợ từ các quốc gia vùng Vịnh giàu có để tài trợ cho sự can thiệp tiền tệ của mình.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng giữ mối quan hệ thân thiện với Nga và thu hút làn sóng triệu phú và tỷ phú Nga khi họ tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Trận chiến lớn nhất của tôi là chống lại sự lãi suất. Kẻ thù lớn nhất của tôi là lãi suất. Chúng tôi đã hạ lãi suất xuống 12%. Như thế đủ chưa? Nó không đủ. Lãi suất cần phải đi xuống hơn nữa”, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết.