Thiếu vốn vì… không biết vay

Giảm lãi suất là tin vui, song với doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là vay được vốn, chứ không phải được giảm lãi suất thêm 0,5% hay 1%.
Đợt giảm lãi suất lần này của VPBank tập trung vào các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đáp ứng được các tiêu chí về điều kiện cấp tín dụng. Ảnh: Đức Thanh Đợt giảm lãi suất lần này của VPBank tập trung vào các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đáp ứng được các tiêu chí về điều kiện cấp tín dụng. Ảnh: Đức Thanh

Vay được vốn quan trọng hơn lãi suất

Đầu tháng 8 này, một loạt ngân hàng công bố giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn với một số đối tượng ưu tiên, trong đó, kỷ lục là VPBank với mức giảm lên tới 1%.

Ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa Ngân hàng VPBank cho hay, hiện ngân hàng này có khoảng 70.000 khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 10% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa của cả nước. Trong đợt cắt giảm lãi suất kỷ lục này, VPBank nhắm vào đối tượng là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đáp ứng được các tiêu chí về điều kiện cấp tín dụng, có lịch sử thanh toán tốt.

Theo ông Hưng, việc giảm lãi suất lần này không thực hiện đại trà, mà tùy thuộc vào điều kiện từng ngân hàng. VPBank tập trung giảm lãi suất đối với khối doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vì đây là đối tượng mà Ngân hàng muốn thu hút.

“Giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên mô hình tính toán cẩn thận của VPBank, chứ không phải theo trào lưu”, ông Hưng khẳng định.

Động thái giảm lãi suất là tin vui với nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên. Theo thống kê sơ bộ, thị phần tín dụng của các ngân hàng đã tham gia giảm lãi suất cho vay lần này chiếm khoảng 60% tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng. Điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp đã tiết giảm được hàng ngàn tỷ đồng tiền lãi ngân hàng nhờ việc cắt giảm lãi suất.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, điều khiến doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay không phải là giảm thêm 0,5% hay 1% lãi suất, mà quan trọng nhất là làm thế nào để có thể tiếp cận được vốn. Thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn ngân hàng mới chỉ khoảng 30%, còn với số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, tỷ lệ thậm chí còn ít hơn.

“Khó khăn dai dẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận tín dụng do không có tài sản bảo đảm hợp pháp, không đủ uy tín để vay tín chấp, hoặc không có khả năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay. Chính vì vậy, với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận được vốn quan trọng hơn là lãi suất”, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho hay.

Ngân hàng thành nhà tư vấn tài chính

Ngân hàng thận trọng trong việc “mở hầu bao” với doanh nghiệp nhỏ và vừa là điều dễ hiểu, bởi các doanh nghiệp này chưa tạo được sự tin tưởng về năng lực vận hành, chưa chứng minh được khả năng tài chính.

Tuy nhiên, theo các ngân hàng, nếu doanh nghiệp chịu thay đổi cách quản lý, việc vay vốn sẽ rất dễ dàng. Đây cũng là lý do thời gian qua, hàng loạt ngân hàng bắt tay với doanh nghiệp fintech hoặc ra mắt các ứng dụng số giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa quản lý chuyên nghiệp hơn, từ đó có điều kiện thuận lợi hơn để vay vốn.

Đơn cử, đầu tháng 7 vừa qua, TPBank bắt tay với Công ty cổ phần Misa và Công ty cổ phần Finext (sở hữu nền tảng instant.vn) để cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay online tín chấp dựa vào hệ thống báo cáo trên phần mềm kế toán MISA và kết nối đến ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ. Theo đó, toàn bộ quá trình vay vốn của doanh nghiệp có thể diễn ra trong 10 phút, thay vì cả tuần, thậm chí cả tháng như trước.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank giải thích, thông tin hồ sơ tài chính của doanh nghiệp được đưa lên phần mềm kế toán MISA không thể làm giả, ngân hàng có thể phát hiện ngay nếu có chỉnh sửa, can thiệp, nên rủi ro thấp, trong khi doanh nghiệp lại trút bỏ được nhiều thời gian, thủ tục hành chính.

VPBank cách đây vài tháng cũng ra mắt công cụ giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền trên nền tảng điện tử là Bizpay để thay thế cho cách quản trị tài chính thủ công. Sử dụng giải pháp này, doanh nghiệp sẽ được ngân hàng dễ dàng cấp tín dụng do nắm bắt được dòng tiền cũng như uy tín của các bên tham gia chuỗi liên kết, cung ứng.

Ông Đào Gia Hưng lấy ví dụ, Vinamilk có hàng trăm ngàn đại lý bán sữa, số lượng giao dịch nhập hàng, trả tiền hàng tuần, hàng tháng của các đại lý tốn kém rất nhiều thời gian, công sức nếu phải thực hiện thủ công. Nhưng, nếu Vinamilk và các đại lý sử dụng Bizpay, toàn bộ việc theo dõi này được cài đặt tự động hóa, báo cáo định kỳ. Dựa trên đơn hàng, hệ thống sẽ nhắc đại lý đến kỳ hạn thanh toán. Thậm chí, trong trường hợp tài khoản của đại lý hết tiền, ngân hàng có thể cho vay thấu chi để thanh toán…”. 

Nói cách khác, nếu như trước đây, các đại lý khó vay vốn ngân hàng vì cách ghi chép thủ công, thì khi sử dụng phần mềm quản lý doanh thu, theo dõi đơn hàng, ngân hàng hoàn toàn có đủ căn cứ để cho vay.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, Chính phủ đang yêu cầu các ngân hàng gỡ bỏ thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp. Hàng loạt ứng dụng mới ra đời cũng giúp ngân hàng “chấm điểm” doanh nghiệp dễ dàng hơn trước. Tuy nhiên, để ngân hàng có thể hỗ trợ, thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải thay đổi cung cách quản lý để ngân hàng có căn cứ cho vay.

Cơ hội vay vốn rất cao, nếu doanh nghiệp chịu thay đổi

 Việc doanh nghiệp than thở không tiếp cận được vốn không có gì ngạc nhiên. Song bất ngờ, theo phản ánh của nhiều ngân hàng, cơ hội vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cao, nếu doanh nghiệp chịu thay đổi.

“Nhiều doanh nghiệp khi đến vay khẳng định tài chính rất tốt, lợi nhuận hằng năm tăng mạnh, dòng tiền đều đặn, nhưng khi ngân hàng yêu cầu tài liệu chứng minh, thì lại không trình được chứng từ. Nhiều doanh nghiệp bán hàng vẫn quản lý thủ công, gây rất nhiều khó khăn cho công tác thẩm định”, trưởng phòng tín dụng của một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết.

Trần Mạnh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục