Dịch vụ ngân hàng công nghệ: “Khoảng trống” quản lý nhà nước

(ĐTCK) Dịch vụ ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu công nghệ hóa từ những năm 90 khi chiếc thẻ ngân hàng đầu tiên được đưa vào sử dụng và cho đến nay, công nghệ hóa các sản phẩm, dịch vụ là chuyện hàng ngày của toàn hệ thống. Sau gần 30 năm, điều đáng nói là không nhiều khách hàng biết được quyền lợi của mình khi dùng dịch vụ ngân hàng công nghệ sẽ được bảo vệ ở đâu?
Dịch vụ ngân hàng công nghệ: “Khoảng trống” quản lý nhà nước

Chưa có một khuôn khổ pháp lý riêng biệt

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico chia sẻ, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa chú trọng tạo ra khuôn khổ pháp lý riêng biệt điều chỉnh việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng nói chung và người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng công nghệ nói riêng. Mặc dù có nhiều quy định pháp luật về trách nhiệm của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức trung gian thanh toán đối với khách hàng, nhưng  chưa đủ tạo nên một hệ thống bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, luật sư Hải cho biết, đối với lĩnh vực ngân hàng, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ mới chỉ dừng lại ở nghĩa vụ đăng ký mẫu biểu để kiểm soát các giao dịch thẻ, giao dịch tín dụng tiêu dùng theo quyết định của Thủ tướng căn cứ vào Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, có những nghĩa vụ chung theo pháp luật về ngân hàng như tham gia bảo hiểm tiền gửi, bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, công khai lãi suất tiền gửi, điều kiện mẫu về thỏa thuận cho vay theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, Thông tư số 49/2018/TT-NHNN…

Đối với cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng hiện nay, luật sư Hải cho rằng không rõ ràng. Duy nhất có quy định về việc kiểm soát mẫu biểu hợp đồng tín dụng tiêu dùng, thẻ… của Bộ Công thương theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngay cả trường hợp này, Bộ Công thương cũng chỉ là nơi tiếp nhận đăng ký các mẫu biểu chung của nhiều lĩnh vực, không riêng gì ngân hàng, chẳng hạn bất động sản, điện, nước… Còn cơ chế can thiệp ra sao, bảo vệ quyền của người tiêu dùng như thế nào trong giao dịch, trong xử lý bất thường, bất công với khách hàng, thì hoàn toàn không rõ.

Xét trong lĩnh vực ngân hàng, khách hàng thực tế có thể phản ánh thông tin tới cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Tuy nhiên, xét về pháp lý, đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng chỉ bao gồm các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các tổ chức khác không bao gồm các tổ chức làm đại lý ngân hàng hoặc các công ty công nghệ hợp tác với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng công nghệ…

Do vậy, khi cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bản thân cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cũng bị hạn chế về phạm vi, thiếu cơ chế phối hợp.

“Việt Nam chưa có được một cơ chế phối hợp hệ thống cơ quan có trách nhiệm để giám sát, điều chỉnh, xử lý chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng công nghệ trong trường hợp người tiêu dùng có dấu hiệu bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp”, luật sư Hải nói.

Một thực tế hiện nay, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung (trong đó bao gồm cả người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng) thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công thương (Cục Quản lý cạnh tranh/Ủy ban cạnh tranh) và ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn.

“Với tính chất phức tạp và đặc thù của các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng nói chung và sản phẩm, dịch vụ ngân hàng công nghệ nói riêng, việc tập trung chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các lĩnh vực khác nhau vào một đơn vị sẽ khó đạt được hiệu quả”, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận.

Cần nhanh chóng lấp “khoảng trống” pháp lý

Theo vị lãnh đạo NHNN nói trên, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng công nghệ, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cần được thực hiện theo hướng thống nhất, đồng bộ và phù hợp với tập quán tiêu dùng của người tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học, công nghệ và xu hướng phát triển các giao dịch thương mại điện tử.

“Trước mắt, cần nghiên cứu, rà soát trách nhiệm của nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tại các văn bản quy định về hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tính đến trách nhiệm mở rộng việc thực hiện nghĩa vụ đối với các tổ chức đại lý và các công ty công nghệ hợp tác với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, vị lãnh đạo NHNN cho biết.

Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với mô hình ngân hàng đại lý, định danh khách hàng điện tử (eKYC), cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực ngân hàng, hoạt động cho vay ngang hàng… cần lưu ý đến các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua việc quy định rõ ràng trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, cũng như thẩm quyền giám sát đối với các nhà cung cấp dịch vụ để đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường vai trò của cơ quan giám sát trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank bổ sung thêm, các biện pháp định danh khách hàng truyền thống đã không còn phù hợp trong bối cảnh công nghệ mới phát triển mạnh mẽ với những hạn chế như phụ thuộc vào nhận định chủ quan của giao dịch viên, kiểm soát viên ngân hàng. Điều này chưa thực sự phù hợp với mô hình dịch vụ ngân hàng số.

“Với xu hướng số hóa của xã hội, cùng với sự ra đời của nhiều nền tảng công nghệ hiện đại…, chúng ta rất cần những động thái tích cực từ cơ quan quản lý nhà nước trong việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành”, ông Nguyễn Hưng nói.

Lãnh đạo NHNN chia sẻ, để việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng công nghệ đạt hiệu quả, khắc phục ngay “khoảng trống” trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở tất cả các cấp, ngành, địa phương, cần nghiên cứu để có các giải pháp bảo vệ hiệu quả quyền lợi người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ.

“Bên cạnh đó, phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đẩy mạnh cái cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và các thành tựu khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực này”, lãnh đạo NHNN nói. 

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục