“Thiên thời địa lợi” cho quỹ phòng hộ

(ĐTCK) Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán trong nước, nhiều loại hình quỹ đầu tư mới ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đa đạng của nhà đầu tư. Hiện nay chính là giai đoạn phù hợp cho sự bùng nổ và phát triển mạnh các quỹ phòng hộ (hedge funds).
“Thiên thời địa lợi” cho quỹ phòng hộ

Phổ biến trên thế giới, nhưng còn lạ lẫm với Việt Nam

Theo định nghĩa, quỹ phòng ngừa rủi ro, quỹ phòng vệ hay còn gọi là quỹ phòng hộ (hedge funds) là quỹ đầu tư với danh mục đầu tư thay thế được thiết kế để bảo vệ danh mục đầu tư khỏi sự biến động, sự không chắc chắn của thị trường; đồng thời, có thể đạt mục đích thu lợi nhuận thỏa đáng ngay cả khi thị trường lên cũng như khi thị trường đi xuống.

Trên thế giới, đã có nhiều quỹ phòng hộ thành công như Alfred Jones, Bruce Kovner, David Swensen, George Soros, Jack Nash, James Simons, Julian Robertson, Kenneth Griffin, Leon Levy, Louis Bacon, Michael Steinhardt, Paul Tudor Jones và Seth Klarman.

Đặc trưng của quỹ phòng hộ là sử dụng các kỹ thuật giao dịch mà các nhà quản lý quỹ phòng hộ được phép giao dịch.

Chiến lược đầu tư hoặc đầu cơ khi thị trường đi lên, lướt sóng ngắn hạn trong thị trường đi ngang và có thể bán khống khi thị trường đi xuống.

Các quỹ này áp dụng nhiều chiến lược giao dịch khác nhau, kể cả hợp đồng tương lai lãi suất trái phiếu chính phủ, sản phẩm tương lai chỉ số chứng khoán hay các hợp đồng tương lai hàng hóa.

Như vậy, việc sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính cũng như các kỹ thuật giao dịch với tần suất cao giúp các nhà quản lý danh mục có thể dùng đòn bẩy nâng cao hiệu quả giao dịch trong giai đoạn ngắn.

Nghề quản lý quỹ, trong đó có quản lý quỹ phòng hộ là một trong những nghề được trả lương cao nhất thế giới. Nếu biết đến những tên tuổi lớn như Ray Dalio, Seth Klarman, Howark Mark, hẳn bạn sẽ hiểu được tại sao quản lý quỹ phòng hộ lại thú vị và hấp dẫn đến như vậy.

Nhà quản lý quỹ mở và thành lập quỹ dành cho những nhà đầu tư đủ điều kiện về vốn tham gia hay thu nhập của họ.

Ngoài ra, các quỹ phòng hộ trên thế giới có khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư, giao dịch hàng hóa, đầu tư cổ phiếu, bán khống hay giao dịch các sản phẩm tương lai, tiền tệ, lãi suất. Đẳng cấp của các nhà quản lý quỹ được đo bằng hiệu suất sinh lời họ mang lại.

Một trong những lợi thế lớn của các quỹ phòng hộ là việc sử dụng đòn bẩy tài chính để tạo ra những khoản lợi nhuận lớn, tất nhiên điều này cũng mang lại rủi ro cao.

Chỉ những nhà quản lý quỹ đẳng cấp, có kinh nghiệm mới có thể tận dụng ưu thế này trong thời gian dài.

Ngoài ra, các khoản phí quản lý hay phí chia sẻ trên những phần lợi nhuận vượt cũng mang lại khoản thu nhập lớn cho các chuyên gia quản lý quỹ.

Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật Chứng khoán, quỹ phòng hộ được xếp vào loại quỹ thành viên.

Thành lập quỹ thành viên phải có vốn thực góp ít nhất là 50 tỷ đồng, tối đa 30 người góp vốn và chỉ bao gồm thành viên là pháp nhân trong nước, tổ chức nước ngoài do một công ty quản lý quỹ quản lý.

Tài sản của quỹ được lưu ký tại một ngân hàng lưu ký độc lập với công ty quản lý quỹ (Thông tư số 224/2012/TT-BTC).

Rõ ràng, các điều khoản luật và dưới luật của Việt Nam khác rất nhiều so với thế giới và đây cũng là điểm hạn chế khiến các quỹ phòng hộ chưa xuất hiện nhiều.

Một số quỹ phòng hộ hiện nay đang hoạt động tại Việt Nam có thể kể tới như Quỹ đầu tư chứng khoán Tiger Việt Nam, Quỹ đầu tư thành viên SSI, Quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital...

Các quỹ này hoạt động quản lý vốn, quản lý tài khoản ủy thác của các quỹ tư nhân, nhưng vẫn tập trung chủ yếu vào thị trường chứng khoán cơ sở, mà đầu tư vào cổ phiếu là chủ yếu.

Thời điểm thuận lợi cho sự phát triển của quỹ phòng hộ

Tính đến cuối năm 2019, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 10,7% so với cuối năm 2018, đạt 4,4 triệu tỷ đồng, tương đương 79,2% GDP năm 2018 và 72,6% GDP năm 2019.

Giá trị giao dịch trung bình trên thị trường đạt 4.659 tỷ đồng/phiên.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu đạt hơn 2,36 triệu tài khoản, tăng 8,1% so với cuối năm 2018; trong đó, số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tăng 12,8%.

Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời từ quý III/2017 đã thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư, với 3 sản phẩm đầu tiên, đó là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm và chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant - CW).

Có thể thấy, thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh kèm theo sự xuất hiện của nhiều công cụ tài chính, sản phẩm phái sinh, các bộ chỉ số mới và đây cũng là giai đoạn mà các quỹ đầu tư dưới dạng quỹ đóng, quỹ mở hay các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước tham gia càng đông.

Đáp ứng nhu cầu từ nhiều đối tượng nhà đầu tư khác nhau, trong vài năm gần đây, đặc biệt là năm 2019, trên thị trường đã xuất hiện nhiều quỹ hoán đổi danh mục ETF nội và ngoại (như VNM ETF, FTSE ETF, Ishare MSCI Frontier 100 ETF, VFMVN30 ETF, SSIAMVNX 50 ETF…).

Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ sôi động hơn nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA và việc nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đây là thời điểm thuận lợi nhất cho sự ra đời và phát triển mạnh của các quỹ đầu tư năng động “phòng vệ” để tránh những cú sốc đang xảy ra do tác động bởi các sự kiện như dịch COVID-19 hay tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, việc thị trường tăng và giảm với biên độ lớn, dao động liên tục lại phù hợp với loại hình quỹ phòng hộ khi quản lý năng động sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính có thể đạt hiệu suất sinh lời tốt ngay cả thị trường trong xu thế tăng hay rơi vào đà giảm, chiến lược quản lý danh mục cổ phiếu cơ sở trong khi đa dạng hóa sang các kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ và cả các sản phẩm phái sinh.

Rõ ràng, loại hình quỹ đầu tư năng động này vẫn còn khá mới mẻ và dường như chưa được nhiều người biết đến tại Việt Nam do mô hình hoạt động, quản lý đầu tư, quản lý danh mục thiếu các công cụ, sản phẩm tài chính.

Tuy nhiên, với sự bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp, sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh với các sản phẩm tương lai chỉ số VN30, trái phiếu chính phủ...., các nhà quản lý quỹ, các quỹ phòng hộ sẽ xuất hiện ngày càng nhiều.

Với việc Luật Chứng khoán mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, kỳ vọng, ngành quản lý quỹ sẽ phát triển lên một tầm cao mới trong tương lai không xa, với sự xuất hiện của nhiều loại hình quỹ đầu tư mới, trong đó có quỹ phòng hộ.

Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược PSI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục