Chứng khoán đi qua một năm “đáng thất vọng”
Kết thúc năm 2019, VN-Index tăng 8%, trong khi năm 2018 chỉ số này mất hơn 12%. Tuy nhiên, điều này vẫn gây thất vọng đối với đa số nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Nếu 2018 là năm thị trường điều chỉnh mạnh, phần nào được giải thích là vì trước đó, VN-Index đã tăng nhanh và bất ngờ (trong giai đoạn 2017 đến tháng 4/2018) khi đạt đỉnh trên 1.200 điểm thì năm 2019, diễn biến tích lũy đi ngang của thị trường quanh mốc 950 - 1.000 điểm trong năm 2019 là chủ đạo.
Ðiều này khiến nhà đầu tư ít có cơ hội kiếm lời, thậm chí nhiều nhà đầu tư thua lỗ.
Nếu trong năm 2018, các cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu VN30 ghi nhận mức giảm giá mạnh, dòng tiền chuyển hướng sang nhóm các cổ phiếu tiện ích, điện nước hay thủy sản thì năm 2019, dòng tiền lại quay trở lại nhóm cổ phiếu blue-chips thuộc các nhóm ngành ngân hàng, công nghệ.
Môi trường đầu tư năm 2020 sẽ khác so với các năm trước. Các nhà đầu tư cũng cần phải có khả năng phân tích để lựa chọn chính xác các khoản đầu tư tiềm năng nếu không muốn có thành tích nghèo nàn như năm 2019.
Chất xúc tác nào cho chứng khoán 2020 tăng trưởng?
Năm 2019, tăng trưởng GDP Việt Nam tiếp tục vượt mốc 7%. Dù còn nhiều bất cập, thị trường chứng khoán đã phản ánh được những nét khởi sắc của nền kinh tế khi điều chỉnh tích lũy ở quanh mức 980 điểm.
Cơ hội tăng trưởng cho năm 2020 là khả thi, dựa trên nền tảng vĩ mô được dự báo sẽ tiếp tục ổn định và Luật Chứng khoán sửa đổi với nhiều điểm mới, tháo gỡ điểm nghẽn trên thị trường chứng khoán đã được Quốc hội thông qua trong năm 2019 và Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện trong năm nay kỳ vọng sẽ tạo tâm lý tích cực trên thị trường; hàng hóa trên thị trường dồi dào, phong phú hơn khi nhiều đợt IPO, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn được tiến hành…
VN-Index nhiều khả năng sẽ quay lại vùng 1.100 - 1.200 điểm dựa trên quan điểm phân tích kỹ thuật.
Dẫu vậy, thử thách cho việc phân bổ tài sản, lựa chọn danh mục cũng như chọn lựa cổ phiếu nào để đầu tư sẽ là không nhỏ.
Lộ trình thoái vốn và cổ phần hóa 93 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2020 sẽ là bài toán khó đối với Chính phủ và các bộ ban, ngành có liên quan.
Câu chuyện về việc có nhiều “hàng chất” được cổ phần hóa hay IPO trong năm 2020 cũng không chắc chắn giải đáp được câu hỏi là có hay không dòng tiền lớn sẽ tham gia vào thị trường.
Câu trả lời vẫn sẽ là chỉ doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp đủ hấp dẫn, xét trên tiêu chí cơ bản, thị giá cổ phiếu đang thấp hơn giá trị sổ sách mới đủ thu hút nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư tổ chức.
Ngoài ra, việc thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chí nâng hạng thị trường từ nhóm cận biên lên mới nổi cũng sẽ khiến nhà đầu tư bớt kỳ vọng vào dòng tiền gia tăng đột biến đến từ khối ngoại.
Diễn biến phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu đầu ngành dự báo sẽ tiếp tục diễn ra. VCB, BID hay các cổ phiếu lớn như FPT, VNM, HPG vẫn còn dư địa tăng giá, nhưng số còn lại có thể đi ngang hoặc giảm giá.
Cổ phiếu nhóm VN30 sẽ còn kỳ vọng vào câu chuyện giải ngân mới của các quỹ ETF giai đoạn đầu năm.
Cho dù theo thống kê 6 tháng cuối năm 2020, khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng số liệu thống kê giao dịch khối ngoại trong tháng 1 đang có tín hiệu khởi sắc khi mua ròng khoảng 1.500 tỷ đồng.
Trong năm 2020, việc ra mắt 3 bộ chỉ số mới (VN Diamond, VNFIN Lead và VNFIN Select) có thể giúp các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài giải được bài toán khó liên quan đến room.
Các quỹ ETF mới có thể thu hút được dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư này trong năm nay.
Bên cạnh các cổ phiếu lớn đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư của các quỹ phòng hộ, các quỹ ETF thì chính các cổ phiếu vừa và nhỏ các nhóm ngành hóa chất, tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu, tiện ích lại đem đến cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhiều cơ hội.
Chỉ những cổ phiếu có kết quả kinh doanh khởi sắc, có những câu chuyện riêng liên quan đến cổ đông chiến lược, cơ cấu vốn/tổng tài sản, thị giá so với giá trị sổ sách, tỷ lệ giữa thị giá so với thu nhập ròng sẽ thu hút nhà đầu tư hơn.
Vấn đề vốn hóa cổ phiếu chưa bao giờ là quan trọng, miễn là cổ phiếu đó có tiềm năng, giá trị nội tại hấp dẫn, có lý do để tăng giá.
Tuy nhiên, vốn hóa lớn hay nhỏ sẽ chỉ là tiêu chuẩn đối với các nhà đầu tư với quy mô tài sản quản lý khác nhau.
Nhà đầu tổ chức, tự doanh với quy mô vốn quản lý lớn nên ưu tiên các cổ phiếu bluechips, trong khi các nhà đầu tư cá nhân nên ưu tiên các cổ phiếu vừa và nhỏ hơn.
Câu chuyện đầu tư 2020 nên theo chiến lược đầu tư cẩn trọng. Hãy lục tung 2.000 mã cổ phiếu chỉ để lựa chọn ra 10 - 15 cổ phiếu để đầu tư được.
Lựa chọn nhóm cổ phiếu, vừa dễ vừa khó
Nhà đầu tư vẫn thường quan tâm đến nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi hay những nhóm ngành nào sẽ có nhiều cơ hội hơn các nhóm khác trong một chu kỳ kinh tế hay từng năm tài khóa.
Việc phân tích tình hình vĩ mô, triển vọng tăng trưởng của từng nhóm ngành luôn đóng vai trò trong hoạt động phân tích cơ bản của các nhà đầu tư trước khi nhà đầu tư đưa ra các quyết định giải ngân.
Nhưng để chỉ ra các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành nào để mua vào sẽ dễ hơn việc chỉ ra từng cơ hội cụ thể kèm theo điểm mua và giá mục tiêu.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2020, có lẽ chọn các cổ phiếu lạ với những câu chuyện thâu tóm, cổ đông chiến lược, tài sản ngầm đôi khi sẽ hay hơn là tập trung vào những cổ phiếu lớn với kết quả kinh doanh tốt.
Nhiều nhận định cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ hấp dẫn trong năm 2020, nhưng cơ hội sẽ không dành cho mọi cổ phiếu ngân hàng, mà lại chỉ là số ít cổ phiếu trong đó.
Các cổ phiếu đầu ngành như VCB, ACB, BID, VPB, MBB vẫn chứng tỏ là các cổ phiếu sáng giá, nhưng không có nhiều cổ phiếu có mức tăng vượt trội thị trường trong năm 2019 như VCB, BID…
Hay nhóm cổ phiếu công nghệ, có nhiều gương mặt sáng giá như FPT, CMG, ITD, ABC, nhưng có lẽ chỉ FPT, CMG mới có khả năng tăng giá đột biến.
Khó khăn trong đầu tư cổ phiếu chính là việc lựa chọn cổ phiếu có nhiều khả năng tăng giá tốt hơn so với thị trường, những cổ phiếu mang lại hiệu quả tốt cho danh mục chung.
Vấn đề lựa chọn nhóm ngành không còn là quan trọng nhất, mà là chọn cổ phiếu gì, thời điểm nào và nắm giữ bao lâu.
Tiêu chuẩn đầu tư cho năm 2020
Nhà đầu tư dù ít hay nhiều kinh nghiệm “trận mạc” thường xây dựng cho mình một bộ lọc cổ phiếu. Một cổ phiếu tốt dưới quan điểm để đầu tư được sẽ là rất khác nhau đối với mỗi người.
Những cổ phiếu tốt dưới quan điểm cơ bản khi xét trên các tiêu chí ROE, ROA, P/E… chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa bao giờ là đủ đối với các nhà đầu tư sáng suốt.
Tìm kiếm chất xúc tác ngoài các tiêu chí trên mới giúp các nhà đầu tư nhìn ra được triển vọng của các cổ phiếu.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2020, có lẽ chọn các cổ phiếu lạ với những câu chuyện thâu tóm, cổ đông chiến lược, tài sản ngầm đôi khi sẽ hay hơn là tập trung vào những cổ phiếu lớn với kết quả kinh doanh tốt.
Những cổ phiếu đã quá quen với các nhà đầu tư cũng có nghĩa ít có yếu tố bất ngờ hay đột phá. Câu chuyện thị giá hiện tại của cổ phiếu thấp hơn rất nhiều so với giá trị hiện tại cũng đem đến cho các nhà đầu tư cơ hội mua vào cổ phiếu với biên an toàn cao.
Nhìn chung, bên cạnh thành tích chi trả cổ tức ổn định, nhà đầu tư cũng nên tìm kiếm những doanh nghiệp có bước đột phá về doanh thu/lợi nhuận trong các quý gần nhất.
Xu hướng thu nhập trong các quý và các năm gần nhất, kết hợp với việc bị định giá thấp sẽ là một trong những tiêu chuẩn chọn lựa doanh nghiệp để đầu tư hiệu quả trong năm nay.