Thủ tướng sẽ “mở hàng” phiên giao dịch năm Canh Tý trên HOSE

(ĐTCK) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa cho biết, ông đã chấp nhận đề xuất của Bộ Tài chính chọn Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) để Thủ tướng đánh cồng khai xuân phiên giao dịch đầu năm Canh Tý. Nét mới này đang mang lại kỳ vọng sẽ tiếp sức cho thị trường chứng khoán phát triển trong năm 2020 khi bước sáng tuổi đôi mươi tràn đầy sinh lực.
Thủ tướng sẽ “mở hàng” phiên giao dịch năm Canh Tý trên HOSE

Phát triển cả về lượng và chất

Năm 2019 qua đi, chia sẻ góc nhìn của mình về thị trường chứng khoán (TTCK) tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020 do Bộ Tài chính vừa tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, TTCK đã có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Theo đó, đến ngày 31/12/2019, chỉ số VN-Index đạt 960,99 điểm, tăng 7,7% so với năm 2018; quy mô thị trường đạt khoảng 79,2% GDP, tăng 10,7% so cuối năm 2018. TTCK không bị các trạng thái cực đoan, mà vẫn giữ vững được đà phát triển tích cực...

“Cùng với công tác quản lý, giám sát được tăng cường, các hành vi vi phạm đã được xử lý nghiêm…”, Thủ tướng nhìn nhận.

Nhìn lại năm 2019, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, TTCK năm 2019 được chia làm 2 giai đoạn rõ rệt, tăng điểm trong hầu hết quý I và sau đó đi ngang cho đến cuối năm. Diễn biến này gần giống năm 2018, nhưng khác biệt là năm 2019, VN-Index tăng được gần 7,7% nhờ nền giá thấp cuối năm 2018.

Dẫu vậy, điểm không tích cực của thị trường trong năm qua là thanh khoản giảm mạnh. Theo đó, bình quân giá trị giao dịch trên toàn thị trường giảm 28,5% so với năm 2018, chỉ đạt 4.870 tỷ đồng/phiên.

Về điểm số, tuy vẫn ở xu hướng đi ngang, kể từ giữa tháng 11 đến hết năm 2019, VN-Index tỏ ra yếu hơn so với MSCI EM Index.

Đây thuần túy xuất phát từ những lý do nội tại khi nhà đầu tư trong nước trở nên đề phòng sau cú rớt khỏi ngưỡng 1.000 điểm.

Sự ấm lên trong quan hệ Mỹ - Trung và hàng loạt ngân hàng trung ương giảm lãi suất khiến giới đầu tư toàn cầu chuyển hướng sang các tài sản rủi ro, lặp lại điều đã xảy ra vào cuối năm 2018.

Chỉ số MSCI EM Index tăng vượt hẳn lên so với VN-Index trong tháng 12/2019, thời điểm thị trường trong nước vẫn đang mất phương hướng trước sức ép bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.

Sự chậm trễ của dòng vốn nước ngoài qua các quỹ ETF là một lý do khiến chỉ số VN-Index vẫn chưa thể bứt phá…

“Phát triển mạnh mẽ TTCK...”

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với ngành tài chính trong năm 2020. Theo người đứng đầu Chính phủ, phát triển mạnh TTCK nhằm đáp ứng xu thế giảm mạnh gánh nặng cho ngành ngân hàng trong huy động vốn trung và dài cho nền kinh tế.

Việc này chúng ta bước đầu đạt được kết quả tích cực.

“Quy mô thị trường cổ phiếu là rất lớn, mang tính đại diện cho TTCK Việt Nam. Do đó, năm 2020 này, tôi đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính là Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu xuân Canh Tý trên HOSE...”, Thủ tướng cho biết.

Đây là một nét mới với TTCK trong năm Canh Tý, bởi theo như thông lệ nhiều năm gần đây, lãnh đạo Chính phủ thường chọn Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đánh cồng “mở hàng” phiên giao dịch phiên đầu tiên sau Tết Nguyên đán.

Điểm mới này thể hiện sự quan tâm sát sao của Chính phủ, của người đứng đầu Chính phủ không chỉ trong chỉ đạo ở tầm vĩ mô, hoàn thiện cơ chế, chính sách, mà còn bằng những hoạt động cụ thể nhằm khích lệ tinh thần thị trường.

Liên quan đến định hướng phát triển ngành tài chính nói chung, TTCK nói riêng trong năm 2020, Thủ tướng cho rằng, ngành tài chính là huyết mạch quan trọng, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế phát triển, nên Bộ Tài chính phải đổi mới tư duy và xây dựng chiến lược chính sách.

Các chính sách tài chính như TTCK, thuế... phải tập trung khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng năng lực sản xuất, phát huy tiềm năng thế mạnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của Việt Nam...

Tiếp sau sự quan tâm trên của Thủ tướng, các thành viên thị trường trông đợi, trong năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng sẽ thúc đẩy ban hành 4 nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, để từ đó định hướng ban hành 10 thông tư hướng dẫn các văn bản này như thông tin lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố, để đảm bảo hành lang pháp lý đồng bộ khi luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Qua đó, sớm cụ thể hóa nhiều nội dung cải cách về cơ chế vào áp dụng trong thực tiễn, tạo ra dư địa mới cho TTCK phát triển.

Nhìn về dư địa phát triển của TTCK trong năm 2020, dữ liệu phân tích của SSI cho biết, dù tâm lý thị trường yếu và xuất hiện nhiều rủi ro trên thị trường tài chính thế giới, nhưng VN-Index chủ yếu đi ngang trong khoảng 950 - 1.000 điểm, một tín hiệu cho thấy VN-Index đang trong một vùng tích lũy khá vững chắc để đón chờ các tín hiệu mới.

VN-Index khởi đầu năm 2020 với mức trailing P/E 15,9 lần, thấp nhất kể từ tháng 2/2019. Với mức định giá tương đối hấp dẫn và VN-Index đã đi ngang trong một thời gian dài, đang có nhiều cơ hội hơn cho TTCK trong năm mới.

Định hướng giảm lãi suất của Chính phủ đã được triển khai ngay từ cuối năm 2019 và sẽ còn tiếp tục trong năm 2020.

Thời gian lãi suất giảm trong năm 2019 là khá ngắn, chưa đủ để có tác động đến kinh tế và doanh nghiệp. Năm 2020, khi lãi suất giảm liên tục và kéo dài, không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi mà tâm lý thị trường cũng sẽ được củng cố.

Hai yếu tố tăng trưởng và lãi suất của Việt Nam sẽ hòa nhịp với xu hướng chung của thế giới, tạo nên sự khởi sắc của thị trường.

TTCK Việt Nam đang được FTSE cân nhắc nâng hạng khi chỉ còn một tiêu chí về thanh toán chưa thỏa mãn.

Nếu có những bước đi cụ thể nhằm khơi thông điều kiện này, thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất nhanh nhạy nắm bắt thời cơ để vào Việt Nam...

Tiếp tục gia tăng hiệu quả phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ
hỗ trợ Thị trường chứng khoán phát triển

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Trong năm 2019, việc phối hợp điều chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ, nên mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Các tổ chức tín dụng tiếp tục mua nhiều trái phiếu chính phủ.

Bộ Tài chính đã hỗ trợ tích cực Ngân hàng Nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành thông qua chỉ đạo Kho bạc Nhà nước điều chuyển các khoản tiền gửi của tổ chức này từ các ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước.

Cũng nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, mà TTCK năm 2019 có bước phát triển tích cực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn qua kênh phát hành cổ phiếu và trái phiếu, phù hợp với bối cảnh thị trường.

Qua đó, góp phần giúp hệ thống tổ chức tín dụng giảm dần sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng cường hiệu quả trong phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giúp thị trường vốn, thị trường tiền tệ phát triển lành mạnh, tích cực.

Để đạt được mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước mong muốn Bộ Tài chính thường xuyên trao đổi thông tin về phát hành trái phiếu chính phủ của Kho bạc Nhà nước.

Việc điều chuyển tiền gửi của Kho bạc Nhà nước từ ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục được triển khai hiệu quả hơn.

Ngân hàng Nhà nước cũng mong muốn Bộ Tài chính quan tâm hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình thực hiện lộ trình tăng vốn, cũng như thoái vốn nhà nước ở các ngân hàng…

Đây là các nội dung được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế rất quan tâm.

Năm 2020, dù ở kịch bản nào thì Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trong trạng thái ổn định hướng đến tích cực

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu - Phát triển, Công ty Chứng khoán SSI

Với Việt Nam, kết hợp câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân với nâng hạng thị trường sẽ tạo được sự khác biệt. Vì vậy, có thể thu hút được dòng vốn ngay cả khi bối cảnh chung không thuận lợi.

Tuy có nhiều cơ hội hơn trong năm 2020, nhưng TTCK sẽ vẫn phải đối mặt với không ít thách thức.

Tâm điểm là sự bất định của các yếu tố quốc tế, mà căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong những ngày đầu năm là một ví dụ. Sự bất ổn trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ còn kéo dài.

Ở trong nước, nhiều điểm yếu của nền kinh tế vẫn còn tồn tại. Việc Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam đã bộc lộ ra một trong những điểm yếu đó.

Kịch bản cơ sở cho thị trường năm 2020 là VN-Index sẽ có nhiều nét tương đồng năm 2019, sôi động trong khoảng thời gian đầu năm và sau đó lắng dịu.

Khả năng giảm sâu dưới vùng tích lũy 950 - 1.000 điểm là rất thấp, trừ khi các căng thẳng quốc tế ở Trung Đông và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang khó kiểm soát.

Kịch bản tích cực với xác suất xảy ra cao hơn là sau thời gian tích lũy, các yếu tố hỗ trợ trong nước bao gồm tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, xu hướng giảm lãi suất cộng hưởng với các yếu tố hỗ trợ bên ngoài sẽ khiến thị trường hưng phấn, tạo thêm sóng mới cho VN-Index vào cuối năm.

Dù ở kịch bản nào thì kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng vẫn sẽ ở trong trạng thái ổn định hướng đến tích cực.

Một nền tảng kinh tế vững chắc đang dần được bồi đắp, nên sự đi lên chậm rãi của chỉ số là điều cần thiết, giúp tránh các rủi ro không đáng có.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ