Cho đến thời điểm này, tài sản nhà nước do cơ quan, tổ chức nhà nước quản lý cũng lên tới hơn 1,5 triệu tỷ đồng.
Những con số trên cho thấy đây là khu vực quan trọng của nền kinh tế, nếu kích hoạt, tái cấu trúc được khu vực này hiệu quả, đất nước sẽ có thêm những động lực tăng trưởng mới.
Giới chuyên gia thì tính toán rằng, chỉ cần khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước tăng trưởng 3 - 5% mỗi năm về lợi nhuận, GDP của cả nước có thể tăng thêm 1%.
Nghị quyết 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã nhấn mạnh “tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các doanh nghiệp nhà nước yếu kém”.
Ðây là một chủ trương đúng đắn cần tập trung thực hiện để thu hút các nguồn lực đại chúng vào nền kinh tế, tạo ra những bước thay đổi mạnh mẽ về chất ở các doanh nghiệp.
Thực tế đã chứng minh tính hiệu quả ở các doanh nghiệp nhà nước sau chuyển đổi (cổ phần hóa, thoái vốn).
Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo 294 doanh nghiệp cổ phần, góp vốn của nhà nước năm 2017, thì tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp là gần 544.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2016. Vốn chủ sở hữu năm 2017 cũng tăng 14% so với năm trước đó.
Tổng doanh thu của các công ty đạt gần 500.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2016; tổng lợi nhuận trước thuế cũng tăng 11%...
Khó có thể kể hết tên những doanh nghiệp mà việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần đã tạo ra những bước tiến dài mạnh mẽ. Những con số như vốn chủ sở hữu của công ty, tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận và giải quyết việc làm tăng hàng trăm, thậm chí cả nghìn lần, thực sự là ấn tượng.
Chiếc áo mới trong mô hình hoạt động doanh nghiệp đã góp phần đưa các doanh nghiệp thay đổi về quản trị, gọi thêm được nhiều vốn đầu tư và gia tăng năng suất lao động để trở thành những doanh nghiệp thuộc top đầu Việt Nam, hàng năm sản xuất hàng trăm triệu sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu ra khắp thế giới.
Tuy vậy, trong ba năm qua, vẫn nổi lên vấn đề đáng e ngại là tỷ lệ vốn nhà nước bán ra rất thấp, nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối ở nhiều doanh nghiệp, do đó những thay đổi cơ bản trong quản trị của các doanh nghiệp này chưa có gì đáng kể.
Ðặc biệt, trong hơn một năm trở lại đây, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn, bế tắc do liên quan đến việc thực thi áp dụng các quy định mới về định giá doanh nghiệp, sắp xếp đất đai…
Dù tiến trình đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang gặp thách thức nhưng nhu cầu phát triển vẫn là tất yếu.
Doanh nghiệp hiểu rất rõ sẽ phải thay đổi, phải thích ứng, phải vận hành theo cơ chế thị trường. Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước vẫn đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh và đổi mới máy móc thiết bị theo công nghệ 4.0, để tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao thu nhập cho người lao động và đóng góp nhiều hơn cho đất nước.