Tại Hội thảo, 5 điểm được nêu ra để thảo luận gồm: nhận diện thị trường vốn, vai trò của thị trường vốn trong nền kinh tế, phân tích thực trạng thị trường vốn Việt Nam, mối quan hệ giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, gợi ý chính sách trong việc phát triển thị trường vốn.
Sở dĩ 5 điểm trên được nêu ra để tham vấn các nhà khoa học, nhà kinh tế vì mục tiêu đến năm 2020, như chia sẻ của ông Vương Đình Huệ, là Việt Nam phải có một thị trường vốn đa dạng, tương đương thị trường của các nước trong khu vực. Mục tiêu cụ thể là từng bước đưa thị trường vốn trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của thị trường tài chính, góp phần đắc lực trong việc huy động vốn cho đầu tư phát triển và cải cách nền kinh tế.
Các chuyên gia đầu ngành đã không ngần ngại nêu lên những điểm lệch nguy hiểm trên thị trường tài chính Việt Nam. Điểm lệch lớn nhất, theo TS. Cấn Văn Lực là vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế dựa quá nhiều vào thị trường tiền tệ. Hệ thống ngân hàng và phi ngân hàng có tổng tài sản chiếm trên 80% hệ thống tài chính và cung ứng 80-90% vốn trong nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó tại Ấn Độ, tỷ lệ này chỉ có 30%, tại Philippines là 27%. Tại Trung Quốc, 50% vốn do ngân hàng cung ứng, 23% vốn do trái phiếu cung ứng, 25% vốn do TTCK cung ứng, còn lại là các chủ thể khác, trong đó có hệ thống bảo hiểm.
Trong khi đó, trong lòng thị trường tiền tệ, sự phát triển không cân đối cũng lộ rõ khi 80% giá trị tạo ra đến từ hoạt động tín dụng. Chưa hết, vốn huy động trên thị trường tiền tệ chủ yếu là vốn ngắn hạn, nhưng đa phần trong số này lại phải dùng để cho vay trung và dài hạn, tạo nên nguy cơ rủi ro lớn ngay trong nội bộ ngành ngân hàng.
Vậy nền kinh tế phải xử lý các điểm lệch này như thế nào? Giải pháp chung được các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra là phải thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn để thị trường này san sẻ gánh nặng tài trợ vốn với hệ thống ngân hàng, đặc biệt là việc tạo nên một thị trường thực hiện đúng chức năng dẫn vốn trung và dài hạn. Chỉ thông qua thị trường chứng khoán, các DN mới có cơ hội huy động được loại vốn vĩnh viễn, tức là vốn mới vào DN mà DN không lo phải trả lại, chỉ lo việc sinh lợi cho cổ đông. Cũng chỉ thông qua TTCK, các tài sản dài hạn, hoặc các dự án có dòng tiền kéo dài hàng chục năm, mới có thể “gói gém” lại trong những sản phẩm tài chính để “hóa lỏng” rất nhanh chóng, là công cụ để nhà đầu tư giao dịch dễ dàng trên thị trường.
Ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM nhận định, đây chính là điểm mấu chốt nhất mà bất kỳ nền kinh tế nào, dù thị trường tiền tệ có phát triển mạnh đến bao nhiêu, cũng phải xây dựng một thị trường vốn mạnh khỏe, để đảm nhận vai trò riêng có và thúc đẩy nền kinh tế minh bạch, hiệu quả.
Tuần qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung tái cơ cấu thị trường tài chính. Câu chuyện định vị vai trò của thị trường vốn (gồm TTCK và thị trường tín dụng trung và dài hạn) như thế nào, một lần nữa đang rất cần tiếng nói của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, để trên con đường đến năm 2020, thị trường tài chính Việt Nam sẽ bớt lệch, bớt nguy hiểm và đóng góp hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế nước nhà.