Phát triển thị trường vốn theo chiều sâu qua mở rộng IFRS

(ĐTCK) Ngày 8/3 tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Deloitte tổ chức “Hội thảo Kinh nghiệm triển khai IFRS tại các nước đang phát triển”, qua đó đưa ra những gợi ý cho Việt Nam trong triển khai IFRS (Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế).
Phát triển thị trường vốn theo chiều sâu qua mở rộng IFRS

Tại hội thảo, ông Hans Hoogervorst, Chủ tịch Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế và ông Stephen Taylor, Chuyên gia tư vấn cấp cao về IFRS của Deloitte, sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong áp dụng IFRS tại các nước đang phát triển, cũng như kinh nghiệm áp dụng đối với Việt Nam.

Hiện ở Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp đang áp dụng các chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) trong việc lập báo cáo tài chính theo luật định, chỉ có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc niêm yết trên thị trường quốc tế lập báo cáo tài chính theo IFRS.

Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như phục vụ cho mục tiêu kêu gọi vốn đầu tư, các doanh nghiệp cần lập báo cáo tài chính theo IFRS để tăng minh bạch, chính xác và có độ tin cậy cao.

Báo cáo Việt Nam 2035 đã đưa ra đề xuất các chuẩn mực kế toán Việt Nam cần thống nhất với IFRS, nhằm phát triển các thị trường vốn theo chiều sâu và thu hút hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài…

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, thông qua áp dụng IFRS, nền kinh tế Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp nói riêng sẽ có thể được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế, ví dụ như tiếp cận nguồn vốn, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, phát triển đội ngũ nhân sự kiểm toán...

Với kinh nghiệm trong tư vấn áp dụng IFRS trên toàn cầu, Deloitte cam kết hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng lộ trình và triển khai áp dụng IFRS tại Việt Nam; đồng thời sẽ tư vấn, trợ giúp các doanh nghiệp có nhu cầu lập báo cáo tài chính theo IFRS.

“Chiến lược phát triển kế toán - kiểm toán Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030, đã khẳng định Việt Nam quyết tâm áp dụng IFRS…”, ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính cho hay.

Cũng theo ông Hùng, Luật Kế toán 2015 đã bổ sung nguyên tắc giá trị hợp lý. Đó chính là sự chuẩn bị chủ động, cần thiết. Tuy nhiên, kinh nghiệm áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chuyển đổi, đòi hỏi cần có lộ trình phù hợp để từng bước tiến tới áp dụng hoàn toàn IFRS. Quá trình này cần có sự tư vấn, hỗ trợ của chuyên gia của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế.

Theo Deloitte, trong 10 năm gần đây, việc áp dụng IFRS đã phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Trong số 140 quốc gia được khảo sát, có 116 nước yêu cầu toàn bộ hoặc hầu hết các doanh nghiệp nội địa áp dụng IFRS. Đa số những quốc gia còn lại cho phép áp dụng IFRS.

IFRS tạo sự minh bạch, đồng thời giúp nâng cao trách nhiệm giải trình bằng cách giảm bớt lỗ hổng thông tin giữa nội bộ và bên ngoài công ty. IFRS giúp các doanh nghiệp và thị trường hoạt động hiệu quả hơn nhờ chuẩn mực phạm vi toàn cầu và đáng tin cậy…

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục