Bởi vậy, thúc đẩy phát triển mạnh TTCK là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tạo nguồn lực đầu tư trở lại nền kinh tế.
Tại nhiều kỳ họp của Quốc hội, khi Chính phủ đưa ra định hướng mang tính cô đọng về phát triển TTCK tương tự như trên, thường không mấy thu hút các đại biểu Quốc hội quan tâm và thảo luận. Điều này một phần vì chứng khoán có tính chuyên ngành sâu, ít đại biểu Quốc hội quan tâm, am hiểu, phần khác là so với nhiều điểm nóng trong đời sống kinh tế, TTCK chưa thực sự có tác động quá lớn.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc là nhiều đại biểu đưa ra các đề xuất chi tiết về hướng thúc đẩy phát triển TTCK, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung cao độ cho triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
“Cần có giải pháp quyết liệt phát triển thị trường vốn, khắc phục sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng. Để thị trường vốn phát triển thì minh bạch là điều kiện hàng đầu. Vì vậy, trước mắt phải có mục tiêu cụ thể và có giải pháp đi kèm để phát triển hệ thống tổ chức định mức tín nhiệm, đồng thời có cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp phải minh bạch hóa thông tin. Cũng cần có giải pháp để nâng cao tỷ lệ vốn hóa của TTCK, nhất là thông qua khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu...”, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) đề xuất.
Ông Anh nhìn nhận, hệ thống tài chính đang phát triển lệch do phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường vốn chưa phát triển.
Với góc nhìn cần thúc đẩy phát triển TTCK trong mối tương quan với đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP. HCM), cho rằng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống ngân hàng thương mại, giải quyết căn cơ nợ xấu, sở hữu chéo, cùng với phát triển đồng bộ thị trường vốn trung và dài hạn thông qua TTCK. Phát huy vai trò Sở GDCK TP. HCM đóng vai trò Sở GDCK quốc gia, từng bước nâng tầm so với các TTCK của các nước trong khu vực, tạo điều kiện phát triển đồng bộ thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Những ý kiến phát biểu khá sâu như trên cho thấy, các đại biểu Quốc hội đang đặt ra những đòi hỏi cao hơn đối với TTCK ở vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Để TTCK đảm đương tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh mẽ và đột phá. Và điều này đang được kỳ vọng sẽ được cụ thể hóa tại Luật Chứng khoán thế hệ hai, mà Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tiến hành các bước xây dựng để trình Quốc hội xem xét ban hành trong thời gian tới.
Những tín hiệu tích cực bước đầu về mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội đối với TTCK được các thành viên thị trường kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho quá trình ban hành luật này diễn ra thuận lợi với nhiều giải pháp mới mang tính đột phá, nhằm thúc đẩy TTCK phát triển tích cực, năng động và bền vững hơn.