Thị trường ví điện tử 18.000 tỷ đồng "xôn xao" với FPT

Ra đời chưa lâu và đã có một vài thương hiệu "chết lâm sàng" nhưng sự có mặt của ví điện tử đã góp phần hoàn thiện dịch vụ thương mại điện tử Việt Nam. Vì điều này mà "cuộc chiến" chiếm thị phần ví online vô tình trở thành ngòi nổ cho thương mại điện tử Việt Nam bước vào thời kỳ bùng nổ.
Thị trường ví điện tử 18.000 tỷ đồng "xôn xao" với FPT

Xuất hiện ở Việt Nam từ 2008 nhưng mãi đến năm 2012, ví điện tử mới được coi là một dịch vụ trung gian thanh toán bên cạnh các loại hình khác như thu hộ, chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử. Từ đó đến nay, số lượng ví điện tử đã lên đến gần 20 nhưng những cái tên thực thụ trên thị trường thì quá ít.

Bùng nổ dịch vụ

Ngày 7/5, ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đã trao giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cho Công ty TNHH Ví FPT thuộc Tập đoàn FPT. Với giấy phép này, Ví FPT có quyền triển khai các dịch vụ trung gian thanh toán, như dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ ví điện tử cho người dùng.

Ví FPT có nhiều lợi ích nổi bật như mức độ bảo mật cao, tránh bị mất cắp thông tin tài khoản người dùng, hỗ trợ an toàn giao dịch cho cả người mua và người bán. Ví dụ, khi mua sắm online, nếu không hài lòng với sản phẩm hay nghi ngờ bị hack tài khoản, người dùng có thể yêu cầu Ví FPT hoàn lại tiền tạm giữ.

Sự có mặt của Ví FPT khiến thị trường dịch vụ trung gian thanh toán một lần nữa xôn xao. Bởi trước đó ít lâu, người dùng đã đón nhận ví điện tử TopPay của Công ty Vietnam Esports, giúp thực hiện các giao dịch nạp tiền trực tiếp, nạp tiền điện thoại, mua mã thẻ game, thẻ điện thoại, thẻ học trực tuyến, thẻ dịch vụ trên các thiết bị di động.

Tương tự, cổng thanh toán 123Pay của Công ty TNHH ZION (100% vốn từ Công ty cổ phần VNG) cũng tham gia cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán từ tháng 3/2016. Trong giai đoạn thử nghiệm, 123Pay đã có hơn 200 đối tác là doanh nghiệp thương mại điện tử trong và ngoài nước như Lazada, Vietravel, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Galaxy Cinema, Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh.

Sự có mặt của Ví FPT khiến thị trường dịch vụ trung gian thanh toán một lần nữa xôn xao.

Cùng thời điểm, nhà mạng Mobifone tham gia thị trường với ví điện tử Vimo. Với Mobifone, Vimo như một giải pháp thay thế cho tấm thẻ ngân hàng truyền thống, giúp người tiêu dùng chuyển và rút tiền tại các ngân hàng qua thông tin hiển thị trên điện thoại. Vimo cũng giúp thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình cáp, internet, điện thoại, mua mã thẻ, thanh toán cước di động hoặc rút tiền về tài khoản ngân hàng.

Đình đám không kém là Dịch vụ VTC Pay của VTC. Người dùng có thể sử dụng VTC Pay để thanh toán trên 500 website thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Thị trường ví điện tử 18.000 tỷ đồng "xôn xao" với FPT ảnh 1

 Đồ họa: Tiến Đạt

"Tính đến nay, đã có 15 giấy phép được cấp cho các đơn vị trung gian thanh toán. Với mức độ ứng dụng còn thấp như hiện nay, sự phát triển của dịch vụ này tính ra là chậm. Tuy nhiên, với sự ra đời của hàng loạt ví điện tử mới, do các thương hiệu lớn đầu tư, có thể nói rằng đây chính là thời điểm bùng nổ”, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận xét. 

Những bước tiến dài

Nhận định về sự bùng nổ các dịch vụ thanh toán trung gian, ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Ví FPTcho biết, dù đã có nhiều đơn vị triển khai trước đó nhưng mãi đến nay thị trường mới có sự tổng hòa của 3 yếu tố: Công nghệ thay đổi, ngành TMĐT phát triển và thói quen tiêu dùng, cụ thể là mua hàng trả tiền online, tất cả đều đang có xu hướng tăng lên.

Báo cáo từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, việc sử dụng các hình thức chi trả trực tuyến như thẻ tín dụng, ví điện tử đang ngày càng tăng. Đặc biệt trong những năm gần đây, khi thu nhập của người dân tăng lên, nhu cầu mua sắm, du lịch cũng ngày càng phát triển, việc thanh toán sẽ ngày càng đòi hỏi tiện lợi, nhanh chóng và an toàn.

Theo thống kê, tổng lượng thẻ đang lưu hành trên thị trường đạt xấp xỉ 69 triệu, trong đó thẻ quốc tế là 6,25 triệu. Trong năm 2015, số người khảo sát thanh toán bằng chuyển khoản khi mua hàng qua mạng tăng từ 14% lên 48%. Đó cũng là lý do những đơn vị triển khai dịch vụ thanh toán điện tử Việt Nam dễ dàng lọt vào "mắt xanh" của nhà đầu tư nước ngoài.

Nổi bật nhất có thể kể đến sự kiện M_Service JSC (đơn vị sở hữu thương hiệu ví điện tử MoMo) đón nhận khoản đầu tư trị giá 28 triệu USD từ Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs trung tuần tháng 3/2016 vừa qua. Standard Chartered Private Equity đầu tư cho MoMo 25 triệu USD trong lần này. Ba triệu USD còn lại là khoản đầu tư của Goldman Sachs. Đây là lần thứ hai Goldman Sachs rót vốn cho MoMo. Năm 2013 đơn vị này đã đầu tư 5,75 triệu USD.

Được cấp phép vào tháng 10/2015, Ví điện tử MoMo là ứng dụng trên điện thoại thông minh, cung cấp cho khách hàng trải nghiệm thanh toán một chạm (one touch payment) với hơn 100 dịch vụ tiện ích, bao gồm chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thu - chi hộ và thương mại trên di động.

Tính đến nay, MoMo đã thực hiện hàng chục triệu lượt giao dịch cho 2,5 triệu khách hàng và cộng đồng này đang ngày càng phát triển. Đặc biệt, MoMo sở hữu mạng lưới hơn 4.000 điểm giao dịch tài chính trải rộng trên 45 tỉnh thành, cho phép hơn 1,5 triệu khách hàng tại các vùng sâu vùng xa - nơi dịch vụ ngân hàng và điện thoại thông minh vẫn chưa phổ biến, được tiếp cận với các dịch vụ tài chính.

"Lần nhận vốn đầu tư này tạo điều kiện cho MoMo tăng tốc phát triển. Chúng tôi có tài lực để tiếp tục cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới", ông Phạm Thành Đức - Tổng giám đốc M_Service tiết lộ. Theo ông Đức, với khoản đầu tư mới, MoMo sẽ đủ lực để đạt mốc 1 điểm giao dịch/phường - xã, tương đương 11.000 điểm giao dịch trên cả nước. Ông đánh giá: "80% người dân Việt Nam chưa có điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng. Cơ hội cho ví điện tử phát triển là rất lớn".

Đồng quan điểm, ông Terence Ting - người phụ trách khu vực châu Á của Private Investments - Goldman Sachs Investment Partners cho biết, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực có tiềm năng rất lớn vì ngân hàng chưa "chăm sóc" đến khu vực này. Tỷ lệ dùng smartphone ở Việt Nam lại cao, người dân dễ tiếp cận dịch vụ.

Đó chính là lợi thế của các đơn vị đảm đương vai trò trung gian thanh toán. Nắm bắt được thời cơ, ví điện tử sẽ có vai trò then chốt trong ngành thương mại điện tử đầy tiềm năng, đang được định giá hơn 18.000 tỷ đồng vào năm 2016.

Theo DNSG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục