Thị trường trái phiếu trước ngày mở “chợ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đưa thị trường có quy mô hơn 1 triệu tỷ đồng vào giao dịch tập trung là nỗ lực của nhiều bên liên quan. Nhưng để nối lại sự đứt gãy của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, còn nhiều việc phải làm.
Thực tế thực hiện nghĩa vụ trả lãi, gốc của các tổ chức phát hành khiến cho chất lượng hàng hóa trên “chợ” trái phiếu khó có thể đảm bảo. Thực tế thực hiện nghĩa vụ trả lãi, gốc của các tổ chức phát hành khiến cho chất lượng hàng hóa trên “chợ” trái phiếu khó có thể đảm bảo.

Những gam màu sáng

Sau giai đoạn hoảng loạn và bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bắt đầu từ tháng 10/2022, các thành viên thị trường đã phần nào ổn định tâm lý trở lại, để từ đó định hình rõ hơn về các loại hàng hóa mình đang nắm giữ.

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS kể, nhiều nhà đầu tư đang đầu tư vài chục tỷ đồng vào kênh trái phiếu, trước đây họ không quan tâm xem mình nắm giữ mã nào, của doanh nghiệp nào thì nay đã phải gọi đến cho các nhà chuyên môn để hiểu hơn về kênh đầu tư này cũng như nắm bắt rõ hơn sức khỏe doanh nghiệp, xem loại hàng mình cầm có đáng lo không.

Có lẽ với tâm thế như vậy nên nhiều trái chủ đã không bán trái phiếu trước hạn cho Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán KBC) trong đợt mua lại mới đây. Cụ thể, với mã trái phiếu KBC121020, Công ty chỉ mua được 342,72 tỷ đồng trong tổng số 750 tỷ đồng đăng ký chào mua, đạt tỷ lệ 45,7%.

Trước đó, Kinh Bắc chốt danh sách trái chủ mua lại 50% giá trị lô trái phiếu KBC121020, tổng giá trị theo mệnh giá là 1.500 tỷ đồng (trái chủ sở hữu 2 trái phiếu được quyền bán lại 1 trái phiếu). Thời gian thực hiện là ngày 24/5/2023. Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 24/6/2021, đáo hạn ngày 24/6/2023, lãi suất 10,8%/năm, không có tài sản đảm bảo.

Khách hàng không bán trước hạn trái phiếu KBC để hưởng lãi suất cao trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, đồng thời họ tin tưởng vào năng lực trả nợ của Công ty nên chờ đến đáo hạn mới nhận tiền về. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Bắc cho biết, ông khá bất ngờ về kết quả trên vì cứ ngỡ khách hàng sẽ bán lại hết. Kinh Bắc đã có kế hoạch chi khoản tiền trên nên giờ trái chủ không bán, lại phải trả lãi cũng không phải là điều doanh nghiệp mong muốn.

Hồi quý I/2023, Kinh Bắc tiến hành các thủ tục trả nợ đúng hạn và mua lại trước hạn các trái phiếu riêng lẻ, tổng giá trị 2.400 tỷ đồng. Đến ngày 22/6/2023, Công ty đã tất toán hết 3.900 tỷ đồng nợ trái phiếu.

Những doanh nghiệp có dòng tiền đều đặn, hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt vẫn thu hút được nhà đầu tư nếu có kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ. Ông Robert Kim, Tổng giám đốc Quỹ Asam cho biết, năm 2023, Quỹ quan tâm và tiếp tục muốn mua trái phiếu quy mô khoảng 200 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. Ông tin tưởng vào khả năng trả lãi và gốc của doanh nghiệp này, nên nếu lãi suất phát hành của TNG có thấp hơn thị trường một chút, Quỹ vẫn tham gia đầu tư.

Asam từng rót 200 tỷ đồng vào trái phiếu chuyển đổi của TNG năm 2018, giá chuyển đổi sang cổ phiếu khoảng 13.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm trái phiếu đáo hạn. Với thương vụ này, Asam đã thắng lớn khi giá cổ phiếu TNG tăng mạnh vào thời điểm trái phiếu được chuyển đổi sang cổ phiếu. Có lô cổ phiếu sau khi chuyển đổi được Quỹ bán ra với giá cao hơn 2,5 lần.

Trong đợt phát hành trái phiếu sau đó của TNG, Asam rót hơn 100 tỷ đồng và nay tiếp tục quan tâm tới đợt phát hành trái phiếu tiếp theo của TNG. Thu nhập cố định từ trái phiếu là một trong những kênh đầu tư được Quỹ quan tâm ở thời kỳ thị trường có nhiều biến động như hiện tại.

Những trường hợp trên là tín hiệu tích cực với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phần nào củng cố tâm lý cho các nhà đầu tư tham gia thị trường tiếp tục bỏ vốn vào những doanh nghiệp tốt.

Ông Kim cho hay, các nhà đầu tư Hàn Quốc rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, họ có thể tăng tỷ lệ vốn đầu tư rót qua Asam, đặc biệt là các thu nhập cố định. Asam rất mong chờ sự vận hành của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp, nơi người mua, người bán có thể trao đổi, mua bán khi có nhu cầu, thay vì phải nắm giữ cho đến khi đáo hạn như hiện nay.

“Ở Hàn Quốc, quy mô thị trường trái phiếu thứ cấp tương đương với thị trường cổ phiếu”, ông nói.

Còn không ít “gió ngược”

Dù vậy, gam màu tối trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vẻ chiếm tỷ lệ lớn hơn khiến cho thị trường này thực sự vẫn là “cục máu đông” của nền kinh tế. Tổng giám đốc một quỹ đầu tư thuộc tập đoàn bảo hiểm lớn chuyên đầu tư trái phiếu nhận xét: “Thị trường cổ phiếu có vẻ ổn hơn nhưng trái phiếu vẫn tệ”. “Tệ” ở đây được hiểu là, những câu chuyện đứt gãy vẫn nối dài, khiến niềm tin của nhà đầu tư, cả tổ chức và cá nhân, tiếp tục suy giảm.

Theo dõi kênh công bố thông tin Cbon của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), có thể thấy nhan nhản các công bố thông tin bất thường về tình trạng không trả được lãi và gốc trái phiếu đến hạn. Các lô trái phiếu của Novaland đến hạn hay chưa đến hạn, tổ chức phát hành đều đưa ra đề nghị trả 20% lãi cho mỗi kỳ đến hạn thanh toán, lãi còn lại cộng gốc doanh nghiệp xin khất.

Có nhiều trường hợp rất nan giải. Chẳng hạn, lô trái phiếu BNPCH2123002 trị giá 900 tỷ đồng do Công ty cổ phần Bất động sản BNP Global (tại địa chỉ 139 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) phát hành vào năm 2021, đáo hạn ngày 4/6/2023. Lô trái phiếu có lãi suất trung bình 10 - 11%/năm, tài sản đảm bảo là gần 60 triệu cổ phần NVL được bảo đảm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Đến ngày đáo hạn trái phiếu, BNP mất khả năng thanh toán, trái chủ cũng không đồng ý gia hạn lãi, gốc thêm 1 năm theo đề nghị của tổ chức phát hành.

Các bên tính tới giải pháp bán tài sản đảm bảo, tuy nhiên giá trị lô cổ phiếu NVL hiện chỉ bằng 30% gốc, tổ chức phát hành cũng không có thêm tài sản đảm bảo để bổ sung. Phương án họ đề xuất là bán tài sản đảm bảo, trái chủ nhận về 30% gốc, số tiền còn lại trở thành trái phiếu trơn (không có tài sản đảm bảo - PV).

Phương án trên rủi ro cho các trái chủ nhưng tổ chức phát hành lực bất tòng tâm, nên mọi việc vẫn “vướng như gà mắc tóc”.

Theo thống kê của Finn Group, đến nay, thị trường đã ghi nhận hơn 100 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị hàng trăm nghìn tỷ đồng. Những trường hợp này lan rộng sẽ càng khiến niềm tin của nhà đầu tư bị xói mòn.

Sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành vào đầu tháng 3/2023, cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu với việc kéo dài thời gian đáo hạn tối đa 2 năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận nhiều hoạt động triển khai theo quy định mới này. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt gia hạn lô trái phiếu trị giá 148 tỷ đồng, đi kèm với đó là nâng lãi suất đến ngày đáo hạn.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP mở ra một lối thoát cho những doanh nghiệp khó khăn, nhưng mặt khác lại trở thành cái cớ để nhiều tổ chức phát hành ỷ lại, không nỗ lực xử lý quyền lợi cho trái chủ.

Với không ít doanh nghiệp, sau 2 - 3 lần thất hứa, mặc dù đã đạt được thỏa thuận giãn lãi và gốc với trái chủ, đã gây ra bức xúc khiến các trái chủ không còn tin tưởng vào tổ chức phát hành. Họ yêu cầu tổ chức quản lý tài sản đảm bảo thực hiện bán tài sản để trả nợ cho nhà đầu tư. Tiến trình này được dự báo phức tạp và có không ít rắc rối phát sinh, đòi hỏi nhiều nỗ lực của các bên liên quan. Gần nhất là trường hợp lô trái phiếu Gotec Land và Nam Land, các bên đều thống nhất bán tài sản đảm bảo để trả nợ trái phiếu.

Những trái phiếu thuộc diện trên nếu được lưu ký và đưa ra chợ thứ cấp có dễ dàng giao dịch hay khiến tổ chức phát hành và nhà đầu tư thêm tốn kém chi phí, đang là những câu hỏi được quan tâm.

Thực tế khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ trả lãi, gốc của các tổ chức phát hành khiến cho chất lượng hàng hóa trên “chợ” trái phiếu khó có thể đảm bảo. Theo ghi nhận của Finn, hoạt động mua lại trái phiếu đang giảm. Hoạt động mua lại chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng, chiếm 61% giá trị trái phiếu mua lại tại thời điểm tháng 4/2023, cho thấy bức tranh nhiều khó khăn của khu vực phát hành là các doanh nghiệp phi tài chính.

Cần thêm thời gian để chữa lành vết thương

Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp nở rộ, nhà đầu tư được tư vấn, đầu tư vào trái phiếu như một kênh đầu tư an toàn và lãi suất cao. Nhưng cú sụp của thị trường trái phiếu xảy ra sau vụ việc Tân Hoàng Minh và các trái phiếu liên quan đến Vạn Thịnh Phát khiến nhà đầu tư nhận ra, rủi ro của sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp là rủi ro mất toàn bộ tiền đầu tư khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Mất hết vốn khiến nhà đầu tư có tâm lý sợ hãi.

Một số nhà tạo lập thị trường đã cố gắng đưa ra các sản phẩm như trái phiếu 4 tầng bảo vệ, trong đó được bảo lãnh các kỳ trả lãi và trả gốc bởi Ngân hàng Techcombank, hay sản phẩm trái phiếu do VPBankS đứng ra bảo lãnh và có tài sản đảm bảo, cam kết trả đúng hạn với ngày mua và ngày đáo hạn được ghi trên hợp đồng. Công ty Chứng khoán SSI cũng đưa ra sản phẩm trái phiếu do Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH (thành viên Tập đoàn TNG Holdings Vietnam) phát hành, được SSI cam kết mua lại. Ngoài ra, trái phiếu còn có cam kết mua lại từ bên thứ ba, được bảo đảm bởi 82 triệu cổ phiếu MSB, ở mức định giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ tài sản bảo đảm duy trì tối thiểu 200% so với khối lượng trái phiếu chào bán. Vì thế, bất kỳ khi nào có nhu cầu, khách hàng có thể bán lại trái phiếu cho SSI trước khi kết thúc kỳ hạn đầu tư với mức lãi suất trước hạn.

Để có thể thu hút khách hàng, các đơn vị phân phối, chào bán đều thiết kế sản phẩm không chỉ có tài sản đảm bảo, tài sản đảm bảo thanh toán, lãi suất hấp dẫn mà còn cam kết về thanh khoản cho khách hàng.

Vai trò của các đơn vị tư vấn, bảo lãnh phát hành đang gia tăng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi lòng tin của khách hàng bị suy giảm. Xét về bản chất, sự chuyển động này là đúng, bởi các nhà đầu tư cá nhân không đủ khả năng để thẩm định doanh nghiệp cũng như đánh giá tài sản đảm bảo.

Một nhân viên môi giới cho biết, một số khách hàng đã quay lại lựa chọn sản phẩm trái phiếu có lãi suất 7,5 - 8,5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, được bảo lãnh thanh toán hấp dẫn hơn lãi suất tiết kiệm hiện nay rất nhiều.

Thanh khoản là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SmartInvest chia sẻ, khi thị trường không thuận lợi, doanh nghiệp phát hành không chuẩn sẽ không phát hành được nữa. Đó là cơ hội cho những doanh nghiệp thực hiện tư vấn phát hành chuẩn hoạt động mạnh hơn, đưa ra thị trường các sản phẩm trái phiếu tốt. Tiềm năng của thị trường trái phiếu còn lớn, lãi suất tiền gửi đang giảm cùng với giải pháp tháo gỡ khó khăn của cơ quản lý thì thị trường thị trường trái phiếu sẽ ấm lên, nhưng cần thêm thời gian để nhà đầu tư quên đi những mất mát vừa qua.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank

Trước khi hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra đời, các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thường được giao dịch qua các công ty chứng khoán. Do vậy, hồ sơ, thủ tục giao dịch, cách thức ghi nhận, quản lý giao dịch… tại mỗi nơi có thể khác biệt do phụ thuộc hệ thống, quy định riêng của từng công ty. Việc đưa toàn bộ các trái phiếu này vào giao dịch tập trung tại một hệ thống do Sở Giao dịch chứng khoán xây dựng và vận hành sẽ chuẩn hóa các yếu tố trên, tạo thuận lợi cho cả nhà đầu tư cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, nếu trái phiếu đã phát hành và đang lưu hành mà có những điều kiện, điều khoản quá riêng biệt hoặc phức tạp thì khi áp dụng quy định chung của hệ thống giao dịch có thể vấp phải vướng mắc. Những vướng mắc này chỉ có thể nhận diện trong quá trình áp dụng thực tế, song chúng tôi tin tưởng, với kinh nghiệm vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán niêm yết nhiều năm, các cơ quan quản lý sẽ kịp thời có các giải pháp thỏa đáng để mọi trái phiếu đều có thể đưa vào hệ thống giao dịch một cách suôn sẻ.

Bà Lê Hải Yến, Trưởng phòng Tư vấn doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Bảo Việt

Hệ thống giao dịch tập trung trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ hỗ trợ cho các trái chủ tăng tính thanh khoản của tài sản, giải quyết nhu cầu của nhà đầu tư, có thêm kênh để mua bán các món đầu tư của họ. Tuy nhiên, “chợ” có sôi động hay không không nằm ở thanh khoản của hàng hóa, mà nằm ở sức khỏe của tổ chức phát hành, tức là chất lượng của các trái phiếu.

Có chợ trái phiếu, tính công khai của thông tin cũng tốt hơn, bên mua bên bán có nơi để trao đổi, giao dịch. Ở giai đoạn này, có thể khó thu hút được nhà đầu tư do những vấn đề của thị trường trái phiếu đang tồn tại, nhưng tôi tin dần dần có thể cải thiện. Tương tự thị trường UPCoM, ban đầu cũng khó khăn, giao dịch ít nhưng rồi cũng cải thiện và thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Theo quy định, tất cả trái phiếu phát hành riêng lẻ từ ngày 1/1/2021 đều phải lên sàn giao dịch, do đó, quy mô của sàn này tương đối lớn. Với nhiều doanh nghiệp, thị trường cũng sẽ thanh lọc, phân loại chất lượng hàng hóa.

Để nhà đầu tư có căn cứ và có thể tham gia đầu tư, quy chế công bố thông tin về tổ chức phát hành và quy chế giao dịch rất cần được chú ý, tính toán đến các khía cạnh để nhà đầu tư có dữ liệu phân tích, cơ sở xem xét cho các trái phiếu mà mình quan tâm.

Hương Vân Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục