Thị trường tài chính 24h: Sự kiên nhẫn không còn

(ĐTCK) VN-Index mất gần 10 điểm; Tổng tài sản ngân hàng đạt gần 9,3 triệu tỷ đồng; Đầu tư cổ phiếu ngân hàng, không dễ!; Cổ đông chiến lược, muốn có phải bỏ “tư duy đồng phục“; Ngành hàng nông sản xuất siêu 7 tỷ USD, vẫn... kém vui; Đừng bắt doanh nghiệp đi ngược lại quy luật cạnh tranh; Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Ảnh Internet
VN-Index lao dốc

Sau khi lấy lại ngưỡng 840 điểm, tâm lý nhà đầu tư nhập cuộc khá hưng phấn khi bước vào phiên sáng 2/11 giúp sắc xanh lan tỏa và VN-Index tiệm cận mốc 850 điểm.

Tuy nhiên, đây là ngưỡng cản khá lớn, nên chỉ số này đã bị đẩy ngược trở lại, rung lắc quanh mốc tham chiếu và chốt phiên trong sắc đỏ.

Bước sang phiên chiều, bên bán đã mất kiên nhẫn và ồ ạt bung hàng khiến các mã lớn bé đua nhau lao dốc, thị trường chìm trong sắc đỏ.

Trong đó, ROS lao mạnh, giảm 6,4% và đã chuyển nhượng thành công 776.380 đơn vị.

Các lực đỡ ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí cũng lần lượt quay đầu đi xuống trong phiên chiều, gia tăng gánh nặng đẩy thị trường như BID giảm 2,23%, CTG giảm 1,6%, VCB giảm 1,2%, MBB giảm 0,88%, đặc biệt VPB giảm tới 6,5% xuống sát giá sàn.

Ở nhóm dầu khí, GAS giảm nhẹ 0,5%, PVD sau 6 phiên tăng cũng đảo chiều giảm 1,6%, đáng kể PLX giảm 6,6%.

Nhóm cổ phiếu thép cũng diễn biến khá tiêu cực khi sắc đỏ bao phủ như HSG giảm 4,5%, HPG giảm 2,5%, TLH giảm 3,3%, POM giảm 2,5%, DNY giảm 1,3%.

Cổ phiếu MWG sau thông tin phát hành hơn 9,2 triệu cổ phiếu ESOP với giá chỉ bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP, cổ phiếu MWG tiếp tục lao dốc mạnh và giảm sâu 5,4% chuyển nhượng thành công 1,82 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường nhỏ và vừa cũng chìm sâu dưới mốc tham chiếu như HAI, DIG, VHG, HAG, HBC, HVG, HAR… giảm sàn; FLC, ITA, OGC, DXG, ASM, KBC, DLG… đều giao dịch trong sắc đỏ.

Thị trường chứng khoán phái sinh phiên 2/11 có 22.420 hợp đồng được giao dịch, giá trị 1.875,69 tỷ đồng, cùng tăng khá mạnh hơn 42% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 1/11.
Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng với khối lượng 4,59 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 216,2 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 1,01 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 22,01 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 207.663 đơn vị, tổng giá trị tương ứng 10,39 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 2/11: VN-Index giảm 9,62 điểm (-1,14%), xuống 833,09 điểm; HNX-Index giảm 1,56 điểm (-1,48%), xuống 103,42 điểm; UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,18%), xuống 52,2 điểm.
Chứng khoán thế giới
Chứng khoán Mỹ

Fed chỉ ra rằng kinh tế Mỹ tăng trưởng vững vàng và thị trường lao động tăng mạnh trong khi ảnh hưởng của các cơn bão không đáng kể, một dấu hiệu cho thấy Cơ quan này sẽ tiếp tục lộ trình nâng lãi suất thêm lần nữa vào tháng 12/2017.

Trong phiên, lĩnh vực năng lượng có thành quả tốt nhất trong số các lĩnh vực thuộc S&P 500 với mức tăng 1,1%, trong khi lĩnh vực tiện ích lại có thành quả tồi tệ nhất.

Lĩnh vực công nghệ, vốn dẫn đầu đà tăngcủa thị trường trong năm nay, nhích thêm 0,1%, ghi nhận 5 phiên tăng điểm liên tiếp.

Cổ phiếu Facebook đã sụt 1,7% trong một phiên giao dịch đầy bất ổn sau khi Công ty này báo cáo lợi nhuận hàng quý.

Nhìn chung lợi nhuận quý III của các Công ty niêm yết đã tăng nhẹ so với kỳ vọng. Với khoảng 2/3 các công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo lợi nhuận tăng 7%, cao hơn dự báo vọt 5,9%.

Kết thúc phiên 1/11, chỉ số Dow Jones tăng 57,77 điểm (+0,25%), lên 23.435,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,01 điểm (+0,16%), lên 2.579,36 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 11,14 điểm (-0,17%), xuống 6.716,53 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tiếp tục tăng với lực kéo lớn đến  từ Honda Motor và Sony.

Chỉ số Nikkei kết thúc ngày ở mức 22.539,12 điểm, và có thời điểm đã lên 22.540,25 điểm, mức đóng cửa cao nhất kể từ cuối tháng 6/1996.

Trong tuần, Nikkei đã tăng 2,4%, mức tăng hàng tuần thứ 8 tiếp và là thời kỳ tăng mạnh nhất kể từ khi cuộc cải cách "Abenomics" của Thủ tướng Shinzo Abe bắt đầu vào cuối năm 2012.

Trong phiên, các cổ phiếu ngành khai khoáng tăng mạnh, với Inpex Corp tăng 2% và Japan Petroleum Exploration Co tăng 0,8%.

Honda Motor Co tăng 5,2% sau khi tăng dự báo lợi nhuận hoạt động cả năm tăng 2,8% do bán được nhiều xe ô tô và xe máy hơn trong năm nay.

Sony Corp tăng 2,8%, lên mức cao nhất trong 9 năm sau khi dự báo doanh thu kỷ lục. Tuy nhiên, Panasonic Corp lại giảm 3,3%.

Chứng khoán Trung Quốc suy yếu, với sự sụt giảm đến từ các cổ phiếu công nghiệp và vật liệu, do lo lắng về tình hình suy thoái kinh tế có thể xảy ra và thanh khoản sụt giảm.

Chỉ số CSI300 blue-chip vẫn không thay đổi ở mức 3.997,13 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite đóng cửa giảm 0,4% xuống còn 3.383,31 điểm.

Qiao Yongyuan, nhà chiến lược tại CIB Research ở Thượng Hải, nói: " Sự gia tăng nhanh về lợi tức trái phiếu kể từ giữa tháng 10 là kết quả của một sự thay đổi đột ngột trong các kỳ vọng đối với nền kinh tế.

Trong thị trường chứng khoán, tác động của việc suy giảm sản lượng công nghiệp đang dần được dần thẩm thấu”.

Hoạt động của ngành rất đa dạng, với các ngành công nghiệp và vật liệu giảm mạnh nhất.

Tuy nhiên, các công ty chăm sóc sức khoẻ y tế và ngành hàng tiêu dùng đã tăng trở lại trong bối cảnh dòng tiền chảy vào các ngành có tính an toàn cao.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, phản ánh sự lo lắng của các thị trường toàn cầu khi các nhà đầu tư chờ đợi các sự kiện chính sách quan trọng từ Fed và lần tăng đầu tiên tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh sau hơn 10 năm.

Chỉ số Hang Seng và Chỉ số doanh nghiệp Trung Quốc giảm 0,3%, lần lượt là 28.518,64 và 11.598,36 điểm.

Các nhà đầu tư nghiên cứu tác động của một thay đổi chính sách liên quan đến các cổ phiếu H - Share (cổ phiếu của các Công ty Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông).

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết Hội đồng Nhà nước Trung Quốc có kế hoạch khôi phục lại chính sách cho phép các công ty tự do chuyển đổi cổ phiếu không thuộc danh mục "H-shares".

Chính sách này có thể gây ra tình trạng thừa nguồn cung cổ phiếu H- Share.

Trong phiên, thị trường phân hóa mạnh với cổ phiếu tài chính giảm 0,7%, nhưng cổ phiếu năng lượng đã tăng 2,1%.

Kết thúc phiên 2/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 119,04 điểm (+0,53), lên 22.539,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 75,42 điểm (-0,26%), xuống 28.515,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,60 điểm (-0,37%), xuống 3.383,31 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Vàng SJC giảm trở lại. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.750 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 30.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,42 - 36,64 triệu đồng/lượng, giảm đúng 30.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.466 đồng/USD, giảm 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.680 - 22.750 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Tổng tài sản ngân hàng đạt gần 9,3 triệu tỷ đồng

Trong đó, tổng tài sản của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất khi đến cuối tháng 8 đạt gần 4,2 triệu tỷ đồng, tăng 8,69%..>> Chi tiết

Đầu tư cổ phiếu ngân hàng, không dễ!

Triển vọng khởi sắc của ngành ngân hàng đang thu hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán chảy vào nhiều cổ phiếu ngành này.

Nhưng, lựa chọn cơ hội đầu tư sinh lời với nhóm “cổ phiếu vua” một thời là không đơn giản..>> Chi tiết

Cổ đông chiến lược, muốn có phải bỏ “tư duy đồng phục“

Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây đã chỉ ra thực tế, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã không đạt được một trong những mục tiêu quan trọng là tìm kiếm cổ đông chiến lược.

Nguyên nhân và hướng tháo gỡ được CIEM khuyến nghị trong hội thảo 30/10..>> Chi tiết

Ngành hàng nông sản xuất siêu 7 tỷ USD, vẫn... kém vui

Trong số 8 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, đạt doanh số xuất khẩu trên 1 tỷ USD 10 tháng đầu năm, có tới 7 mặt hàng vẫn dựa chủ yếu vào thị trường Trung Quốc..>>> Chi tiết

Đừng bắt doanh nghiệp đi ngược lại quy luật cạnh tranh

Nhận định về tình hình doanh nghiệp thành lập mới và ngừng hoạt động trong thời gian qua, ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động đúng theo quy luật thị trường..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục