Sau khi lấy lại ngưỡng kháng cự mạnh 840 điểm, tâm lý nhà đầu tư nhập cuộc khá hưng phấn khi bước vào phiên giao dịch sáng 2/11 giúp sắc xanh lan tỏa và VN-Index tiệm cận mốc 850 điểm. Tuy nhiên, đây là ngưỡng cản khá lớn, nên chỉ số này đã bị đẩy ngược trở lại, rung lắc quanh mốc tham chiếu và chốt phiên trong sắc đỏ.
Bước sang phiên chiều, sau hơn 40 phút giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu, bên bán đã mất kiên nhẫn và ồ ạt bung hàng khiến các mã lớn bé đua nhau lao dốc, thị trường chìm trong sắc đỏ.
Trong đó, bên cạnh mã nóng ROS mất phanh lao mạnh về sát mức giá sàn, lần lượt các nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, thép, bất động sản cũng đảo chiều giảm sâu, tạo sức ép lớn khiến VN-Index giảm tới gần 10 điểm và đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày.
Đóng cửa, sàn HOSE có tới 177 mã giảm và 101 mã tăng, VN-Index giảm 9,62 điểm (-1,14%) xuống 833,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 192,77 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 4.352,31 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 18,33 triệu đơn vị, giá trị 534,51 tỷ đồng.
Sau khi trở lại ấn tượng trong phiên hôm qua khi lấy lại sắc tím và hỗ trợ tốt giúp VN-Index chinh phục lại mốc 840 điểm, cổ phiếu nóng ROS đã diễn biến rung lắc và đột ngột lao dốc mạnh về cuối phiên chiều 2/11. Với mức giảm 6,4%, cổ phiếu ROS đóng cửa sát mức giá sàn 200.300 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 776.380 đơn vị.
Bên cạnh đó, các lực đỡ ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí cũng lần lượt quay đầu đi xuống trong phiên chiều, gia tăng gánh nặng đẩy thị trường giảm sâu. Cụ thể, hầu hết các mã dòng bank đều quay đầu giảm khá mạnh trong phiên chiều như BID giảm 2,23%, CTG giảm 1,6%, VCB giảm 1,2%, MBB giảm 0,88%, đặc biệt VPB giảm tới 6,5% xuống sát giá sàn.
Ở nhóm dầu khí, GAS giảm nhẹ 0,5%, PVD sau 6 phiên tăng cũng đảo chiều giảm 1,6%, đáng kể PLX giảm 6,6% xuống mức giá thấp nhất ngày 56.800 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu thép cũng diễn biến khá tiêu cực khi sắc đỏ bao phủ như HSG giảm 4,5%, HPG giảm 2,5%, TLH giảm 3,3%, POM giảm 2,5%, DNY giảm 1,3%.
Một trong những điểm đáng chú ý khác ở nhóm cổ phiếu bluechip là MWG. Sau thông tin phát hành hơn 9,2 triệu cổ phiếu ESOP với giá chỉ bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP, cổ phiếu MWG tiếp tục lao dốc mạnh và có phiên giảm thứ 4 liên tiếp.
Kết phiên hôm nay, MWG giảm sâu 5,4% xuống mức 120.000 đồng/CP với giao dịch khá sôi động khi chuyển nhượng thành công 1,82 triệu đơn vị.
Bên cạnh các mã lớn, nhóm cổ phiếu thị trường nhỏ và vừa cũng chìm sâu dưới mốc tham chiếu như HAI, DIG, VHG, HAG, HBC, HVG, HAR… giảm sàn; FLC, ITA, OGC, DXG, ASM, KBC, DLG… đều giao dịch trong sắc đỏ.
Tương tự, gánh nặng từ nhóm cổ phiếu HNX30 đã đẩy chỉ số sàn HNX về mức thấp nhất ngày, mất tới gần 1,5%.
Cụ thể, HNX-Index giảm 1,56 điểm (-1,48%) xuống 103,42 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 47,39 triệu đơn vị, giá trị 649,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,62 triệu đơn vị, giá trị 76,89 tỷ đồng, trong đó riêng VBC thỏa thuận 1,48 triệu đơn vị, giá trị 47,96 tỷ đồng.
Trong đó, ACB giảm 2,9% xuống mức giá thấp nhất ngày 29.800 đồng/CP với khối lượng khớp 3,24 triệu đơn vị. SHB cũng đảo chiều giảm 1,3% xuống mức 7.800 đồng/CP và khớp 2,76 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhiều mã lớn cũng điều chỉnh như CEO, PVC, PVS, VCG, VCS, VGC… cũng góp phần đẩy thị trường đi xuống.
Cổ phiếu DST dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 4,79 triệu đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa tại mức giá 20.000 đồng/CP, giảm 5,21%.
Đứng ở vị trí tiếp theo, PIV chuyển nhượng thành cồn 4,26 triệu đơn vị. Dù PIV đã thoát sắc xanh mắt mèo nhưng mức giảm vẫn khá sâu 5,2%, kết phiên tại mức giá 20.000 đồng/CP.
Trên sàn UPCoM, sau nửa phiên chiều cầm chừng, áp lực bán cũng đẩy chỉ số sàn về dưới mốc tham chiếu.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,18%) xuống 52,2 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 6,5 triệu đơn vị, giá trị 144,34 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,69 triệu đơn vị, giá trị 64,88 tỷ đồng, trong đó DBD thỏa thuận 1,18 triệu đơn vị, giá trị 55,62 tỷ đồng.
Cổ phiếu LPB tiếp tục có thêm phiên đứng giá tham chiếu và đóng cửa ở mức 13.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn UPCoM đạt 1,44 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là DVN với 576.800 đơn vị được chuyển nhượng thành công. Đóng cửa, DVN tiếp tục giảm sâu 5,4% xuống mức 15.800 đồng/CP.
Bên cạnh giao dịch thiếu tích cực từ DVN, nhiều mã lớn như HVN, MSR, GEX, ART, LTG, SCS… cũng đóng cửa trong sắc đỏ.
Thị trường chứng khoán phái sinh phiên 2/11 có 22.420 hợp đồng được giao dịch, giá trị 1.875,69 tỷ đồng, cùng tăng khá mạnh hơn 42% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 1/11.