Thị trường tài chính 24h: Nỗi lo lãi suất tăng bủa vây chứng khoán châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; “Cửa ngách” duy trì lợi nhuận của các nhà băng; Bị chậm thanh toán trái phiếu, nhà đầu tư có nên bán tài sản đảm bảo là cổ phiếu để thu hồi vốn?; Lợi suất trái phiếu ở Eurozone cao kỷ lục trong hơn một thập niên…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Nỗi lo lãi suất tăng bủa vây chứng khoán châu Á

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 2/3 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,15 – 66,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 10 USD lên 1.836,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hạ nhiệt xuống quanh vùng 1.832 USD/ounce và gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,81 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 2/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.638 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.535 – 23.875 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ lên 23.700 USD, thì sang phiên hôm nay đã yếu đà và giảm nhẹ về gần 23.400 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,39 USD (+0,50%), lên 78,08 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,36 USD (+0,43%), lên 84,67 USD/thùng.

VN-Index điều chỉnh

Sau phiên sáng giao dịch ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều không có thêm diễn biến mới nào đáng kể, VN-Index tiếp tục chỉ giằng co với biên độ hẹp quanh ngưỡng 1.035 điểm cho đến khi đóng cửa.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, IBC vẫn giữ vững giá trần sáng tại 2.700 đồng, Penny khác là OGC cũng nới đà đi lên và tăng hết biên độ +6,9% lên 8.780 đồng.

Nhóm cổ phiếu điện trong phiên sáng có sự đồng thuận cao nhất thì sang phiên chiều đã có một số tăng tốc, ngoài POW thì NT2 +5,3% lên 30.800 đồng, PPC +4% lên 15.500 đồng, trong khi VSH và GEG chỉ nhích nhẹ gần 2%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,92 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 121,02 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 2/3: VN-Index giảm 2,94 điểm (-0,28%), xuống 1.037,61 điểm; HNX-Index giảm 0,68 điểm (-0,33%), xuống 206,14 điểm; UpCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,46%), xuống 76,28 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Đa số các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm vào thứ Tư (1/3), do lợi tức trái phiếu tăng vọt, trong khi các bình luận từ các nhà hoạch định chính sách của Fed duy trì lập trường chính sách diều hâu.

Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt mức 4% kể từ tháng 11 năm ngoái, đạt mức hơn 4,006%. Trong khi lợi suất của kỳ hạn 1 năm đã vượt 5%.

Làm gia tăng thêm mối lo ngại về sự hung hăng của ngân hàng trung ương, Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari, một cử tri trong ủy ban ấn định lãi suất vào năm 2023, cho biết ông "có quan điểm cởi mở" về việc tăng lãi suất 0,25% hoặc 0,5% vào tháng Ba.

Kết thúc phiên 1/3, chỉ số Dow Jones tăng 5,14 điểm (+0,01%), lên 32.661,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,76 điểm (-0,47%), xuống 3.951,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 76,06 điểm (-0,66%), xuống 11.379,48 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do sự kiện ngày nhà đầu tư đáng thất vọng của Tesla và nguy cơ Fed "diều hâu" hơn.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,06% xuống 27.498,87 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,16% xuống 1.994,57 điểm.

Các nhà đầu tư đã hoảng sợ khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều tháng trên 4% trong phiên giao dịch tại Tokyo, khi các quan chức Fed tranh cãi về việc liệu lãi suất cao trong thời gian dài có đủ để chế ngự lạm phát dai dẳng hay cần phải thắt chặt hơn nữa.

Nhưng điều đó cũng khiến đồng yên yếu hơn, gần đây nhất đã giảm khoảng 0,35% xuống 136,69 yên/USD đã hỗ trợ giúp thị trường không giảm sâu hơn.

Naka Matsuzawa, Chiến lược gia trưởng tại Nomura Securities, cho biết: “Nhìn chung, chứng khoán Nhật Bản đang tăng trưởng tốt trong bối cảnh thị trường Mỹ suy yếu hơn, một phần là do đồng yên yếu hơn. Ngoài ra, thị trường đang dần hiểu rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể không diều hâu như một số người đã nghĩ ban đầu dưới sự lãnh đạo mới”.

Chứng khoán Trung Quốc rung lắc và đóng cửa giảm trước thềm cuộc họp quan trọng của quốc hội của nước này, cũng như lo ngại về căng thẳng quan hệ với Mỹ khiến tâm lý thị trường yếu đi.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,05% xuống 3.310,65 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,22% xuống 4.117,74 điểm.

Mỹ đang tìm kiếm các đồng minh về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, theo bốn quan chức Mỹ và các nguồn tin khác.

Trong khi đó, Trung Quốc và Belarus đã đồng ý ra một tuyên bố chung kêu gọi hòa bình ở Ukraine, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh thân cận của Putin hôm thứ Tư.

Ngoài ra, các nhà đầu tư tại Trung Quốc đang chờ đợi thêm manh mối về các biện pháp kích thích kinh tế từ cuộc họp thường niên của Đại hội Đảng toàn quốc sẽ khai mạc vào cuối tuần này và sẽ đặt ra các mục tiêu kinh tế và bầu ra đội ngũ lãnh đạo mới.

Chứng khoán Hồng Kông trượt dốc cũng do căng thẳng Trung-Mỹ đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư cũng như lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất và giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,92% xuống 20.429,46 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,83% xuống 6.857,20 điểm.

Phiên này, cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông giảm 1,4%, với Alibaba giảm 4,7% và JD giảm 2,3%.

Đáng chú ý khác là Nhà sản xuất xe điện Nio của Trung Quốc đã giảm 13,2% sau khi báo cáo thu nhập quý IV thấp hơn kỳ vọng của thị trường.

Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng, nhưng mức tăng bị hạn chế bởi lo ngại về lạm phát cao ở Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 15,00 điểm, tương đương 0,62% lên 2.427,85 điểm.

Xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm trong tháng 2, tháng thứ 5 liên tiếp tính theo năm, dữ liệu của bộ thương mại cho thấy hôm thứ Tư, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với tháng 1, chủ yếu do ảnh hưởng lịch liên quan đến các ngày lễ quốc gia.

Kết thúc phiên 2/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 17,66 điểm (-0,06%), xuống 27.498,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,69 điểm (-0,05%), xuống 3.310,65 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 190,25 (-0,92%), xuống 20.429,46 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 15,00 điểm (+0,62%), lên 2.427,85 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- “Cửa ngách” duy trì lợi nhuận của các nhà băng

Chất lượng tài sản suy giảm tạo áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng năm 2023, nhưng thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán và bancassurance (bán bảo hiểm) dự kiến tiếp tục tăng..>> Chi tiết

- Bị chậm thanh toán trái phiếu, nhà đầu tư có nên bán tài sản đảm bảo là cổ phiếu để thu hồi vốn?

Trong bối cảnh hiện nay, khi hàng loạt doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ, không ít nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu có tài sản đảm bảo là cổ phiếu loay hoay chưa biết nên lựa chọn quyết định ra sao..>> Chi tiết

- Lợi suất trái phiếu ở Eurozone cao kỷ lục trong hơn một thập niên

Lợi suất trái phiếu chính phủ tại Eurozone tăng mạnh trong sáu tuần qua, khi số liệu lạm phát và kinh tế mạnh hơn dự kiến đã khiến các nhà đầu tư nâng dự báo về mức lãi suất đỉnh mà ECB sẽ tăng lên..>> Chi tiết

- Trung Quốc vượt Mỹ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về các công nghệ quan trọng

Một nghiên cứu mới được công bố hôm thứ Năm (2/3) cho thấy, Trung Quốc đang "dẫn đầu đáng kinh ngạc" ở 37 trong số 44 công nghệ tiên tiến và mới nổi, trong khi các nền dân chủ phương Tây đã thua trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về sản lượng nghiên cứu..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục