Thị trường tài chính 24h: Nỗi lo chưa qua

(ĐTCK) VN-Index có phiên giao dịch biến động mạnh; Nhân sự cấp cao ngân hàng biến động mạnh; Việt Nam thuộc top nhận kiều hối lớn nhất thế giới; CEO chứng khoán: Áp lực kiếm tiền; Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tăng vọt... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua. 
Ảnh Internet Ảnh Internet
VN-Index hồi nhẹ

Trong phiên sáng, dư âm của phiên lao dốc trước đó tiếp tục ảnh hưởng xấu tới thị trường khi ngay từ đầu phiên, áp lực cung mạnh đã được đưa vào, đẩy VN-Index xuyên thủng ngưỡng 1.050 điểm.

Ở vùng hỗ trợ này, lực cầu báy đáy nhập cuộc, kéo VN-Index hồi phục trở lại và thanh khoản cũng tăng.

Tưởng chừng tiếp đà tăng, VN-Index sẽ nới rộng điểm số trong phiên chiều. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại bất ngờ thận trọng trở lại, khiến VN-Index rung lắc nhẹ, thậm chí còn bị đẩy ngược trở lại và đã chớm sắc đỏ khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục.

Trong đợt ATC, lực cầu gia tăng trở lại ở các mã lớn, giúp VIC, VRE, BID lấy lại đà tăng mạnh, VCB, VPB, MSN có sắc xanh, qua đó giúp VN-Index thoát hiểm, lấy lại được mốc 1.080 điểm.

Top 10 mã vốn hóa lớn như VIC tăng 3,08%, lên 127.000 đồng với 8,72 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường về thanh khoản. VRE tăng 5,49%  lên 48.000 đồng.

Các mã lớn khác tăng mạnh còn có BID tăng 3,54%, lên 38.000 đồng. GAS tăng 3,29%, lên 128.800 đồng. BVH tăng 4,17%, lên 100.000 đồng.

Sắc xanh còn xuất hiện tại VCB +0,67%, lên 60.000 đồng, MSN +0,84%, lên 95.800 đồng, HPG +0,72%, lên 56.000 đồng, NVL +1,72%, lên 71.000 đồng.

Trong khi đó, VNM giảm 1,32%, xuống 180.000 đồng, CTG giảm 2,72%, xuống 30.350 đồng với 5,7 triệu đơn vị được khớp; VJC giảm 1,02%, xuống 195.000; PLX giảm 4,02%, xuống 62.000 đồng.

Nhóm ngân hàng, ngoài BID và VCB hồi phục, nhiều mã khác dù nỗ lực trở lại, nhưng đã không đủ sức để duy trì sắc xanh.

Ngoài CTG, còn có MBB giảm 0,16%, xuống 30.550 đồng; HDB giảm 3,43%, xuống 45.000 đồng; STB giảm 1,74%, xuống 14.150 đồng; EIB giảm 0,66%, xuống 15.100 đồng. VPB và TPB đóng cửa ở mức tham chiếu.

Nhóm chứng khoán dù nỗ lực, nhưng cuối cùng cũng không thoát khỏi mức giảm mạnh như SSI, HCM, VCI, VND thậm chí còn tiếp tục giảm sàn xuống 27.350 đồng.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng hơn 3,98 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ướng 617,49 tỷ đồng. 

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 650.655 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 24,2 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng 578.571 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 632,63 triệu đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 24/4: VN-Index tăng 3,96 điểm (+0,37%), lên 1.080,74 điểm; HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,13%), lên 126,3 điểm; UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,15%), xuống 57,06 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 7.434 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ 

Giới đầu tư trên phố Wall bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới với nỗi lo về lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất 4 năm sau khi kho bạc tăng cường đi vay.

Việc này làm dấy lên lo ngại về áp lực lạm phát và gia tăng thâm hụt ngân sách. Do đó, phố Wall chủ yếu dao động trong sắc đỏ suốt phiên giao dịch đầu tuần mới.

Tuy nhiên, về cuối phiên, nhờ kết quả kinh doanh quý I khả quan của một số doanh nghiệp được công bố, các chỉ số chính của phố Wall hãm đà rơi và bắt đầu đi lên, trong đó S&P may mắn nhất khi kịp chớm sắc xanh khi đóng cửa, còn Dow Jones hụt nửa bước chân.

Theo số liệu của Thomson Reuter, dự báo lợi nhuận quý I năm nay của các công ty thuộc S&P 500 sẽ tăng 20%, mức tăng mạnh nhất trong 7 năm. Còn trong khoảng 18% số doanh nghiệp đã công bố, có 78,2% số doanh nghiệp có lợi nhuận tốt hơn dự báo.

Kết thúc phiên 23/4, chỉ số Dow Jones giảm 14,25 điểm (-0,06%), xuống 24.448,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,15 điểm (+0,01%), lên 2.670,29 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 17,52 điểm (-0,25%), xuống 7.128,60 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản lên mức cao nhất trong 2 tháng nhờ nhóm cổ phiếu tài chính sau khi lãi suất Trái phiếu Mỹ tăng cao nhất trong vòng 4 năm qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 tăng 0,86% lên 22.278,12 điểm. Topix tăng 1,08% lên 1.769,75 điểm.

Nhóm cổ phiếu tài chính, trong đó nhiều công ty đầu tư vào trái phiếu Mỹ tiếp tục có thêm một phiên tăng điểm khi chỉ số theo dõi các ngân hàng tăng 2,1%, với Mitsubishi UFJ tăng 2,5% và Sumitomo Mitsui Financial tăng 2,%. Điều này đã ảnh hưởng tích cực lên nhóm cổ phiếu bảo hiểm, khi chỉ số theo dõi tăng 1,2%.

Các nhà xuất khẩu cũng hưởng lợi từ sự sụt giảm của đồng yên xuống mức thấp nhất trong 10 tuần, với Toyota Motor và Shin-Etsu Chemical tăng 2%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh nhất trong 2 tháng qua, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố quyết tâm đạt được các mục tiêu kinh tế trong năm nay, bất chấp đang phải đối mặt với căng thẳng thương mại toàn cầu đang gia tăng.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 2% lên 3.128,93 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip cũng tăng 2% lên 3.843,49 điểm

Các ngành bất động sản và tiêu dùng tăng lần lượt 3,9% và 3,1%, dẫn đầu thị trường.

Các công ty công nghệ cũng tỏa sáng với mức tăng 3,1%, khi Bắc Kinh cam kết nỗ lực đẩy mạnh các công nghệ then chốt trong việc hỗ trợ các ngành công nghiệp mới nổi.

Dẫn đầu các thông tin hỗ trợ thị trường hôm nay là việc phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc phát đi thông báo rằng Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản nước này, đã nhắc lại cam kết mở cửa nền kinh tế và tăng cường cải cách các công ty nhà nước.

Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng vọt nhờ những thông tin tốt từ Trung Quốc đại lục khi Trung Quốc đặt mục tiêu cắt giảm giá điện thương mại và công nghiệp xuống trung bình 10%, một nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Kết thúc phiên 24/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 190,08 điểm (+0,86%),lên 22.278,12  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 381,84 điểm (+1,26%), lên 30.636,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 60,92 điểm (+1,99%), lên 3.128,93 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC tăng nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.805 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm từ 30.000 đến 50.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,64 - 36,86 triệu đồng/lượng, tăng 40.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.522 đồng/USD, tăng 15  đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.735 - 22.805 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Nhân sự cấp cao ngân hàng biến động mạnh

Thị trường tài chính đang nóng với các thông tin liên quan đến nhân sự cấp cao ngân hàng trong mùa họp đại hội đồng cổ đông năm nay..>> Chi tiết

Việt Nam thuộc top nhận kiều hối lớn nhất thế giới

Năm ngoái, các lao động nước ngoài đã gửi về nước 13,8 tỷ USD, đứng thứ 10 thế giới..>> Chi tiết

CEO chứng khoán: Áp lực kiếm tiền

Với tổng giám đốc (CEO) các công ty chứng khoán, hiếm khi nào áp lực kiếm tiền lại nhẹ. Hiện thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn khó kiếm tiền..>> Chi tiết

Thủ tướng yêu cầu loại bỏ chi phí bất hợp lý của trạm BOT

Thủ tướng cho rằng cần làm tốt công tác truyền thông để người dân thấu hiểu và ủng hộ chủ trương xã hội hóa trong giao thông..>> Chi tiết

EU tham gia vụ kiện Mỹ đánh thuế nhập khẩu thép do Trung Quốc khởi xướng

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa chấp thuận đề nghị của Liên minh châu Âu (EU) về tham gia vụ kiện Mỹ đánh thuế nhập khẩu thép mà Trung Quốc đã khởi xướng..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục