Thị trường tài chính 24h: Nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào nhóm ngân hàng

(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Cấp room tín dụng sớm: Thông điệp "mạnh" tới thị trường; Tìm nhóm “dẫn sóng”; Cung hàng sôi động từ đầu năm; Ả Rập Xê Út giảm giá bán dầu sang châu Á khi thị trường tiếp tục suy yếu…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào nhóm ngân hàng

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 9/1 tăng 500.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 71,50 – 74,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 17,6 USD xuống 2.028 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, , giá vàng hồi phục dần và lên trên 2.035 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,32 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 9/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.931 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.185 – 24.525 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua hồi phục mạnh lên tại quanh 44.970 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục tăng và vượt 47.000 USD, trước khi hạ nhiệt nhẹ về 46.500 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,18 USD (+1,67%), lên 71,95 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,26 USD (+1,66%), lên 77,38 USD/thùng.

VN-Index điều chỉnh nhẹ

Sau phiên sáng giao dịch thận trọng và chờ đợi xu hướng, thị trường bước vào phiên chiều vẫn không có nhiều thay đổi, VN-Index sau khi thu hẹp đôi chút đà giảm đã có một nhịp lùi nhanh về gần 1.155 điểm.

Tuy nhiên, nhịp giảm này chỉ khiến nhà đầu tư thoáng giật mình khi sau đó chỉ số đã bật hồi, thậm chí đã chớm xanh nhờ hai cổ phiếu lớn VCB và TCG nhích lên.

Dù vậy, trước áp lực bán sau 7 phiên tăng liên tiếp thì chừng đó là không đủ giúp thị trường giữ được sắc xanh và thoái lui ở những phút cuối, nhưng đóng cửa cũng chỉ giảm nhẹ.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5,92 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 168,89 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 9/11: VN-Index giảm 1,60 điểm (-0,14%), xuống 1.158,59 điểm; HNX-Index giảm 0,83 điểm (-0,35%), xuống 232,5 điểm; UpCoM-Index giảm nhẹ 0,06 điểm (-0,07%), xuống 87,72 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng tốc trong phiên thứ Hai (8/1), khi lợi suất trái phiếu kho bạc giảm giúp nâng đỡ các cổ phiếu megacap.

Các cổ phiếu công nghệ lớn đồng loạt tăng và hỗ trợ mạnh thị trường với Amazon.com tăng 2,66%, Alphabet (Google) tăng 2,29%, trong khi Microsoft và Meta (Facebook) cùng nhích 1,9%, nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống 3,966%.

Ngoài ra, Apple tăng 2,42% sau khi nhà sản xuất iPhone cho biết thiết bị thực tế ảo Vision Pro của họ sẽ được bán từ ngày 2/2 tại Mỹ.

Kết thúc phiên 8/1: Chỉ số Dow Jones tăng 216,90 điểm (+0,58%), lên 37.683,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 66,30 điểm (+1,41%), lên 4.763,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 319,70 điểm (+2,20%), lên 14.843,77 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/1990 khi các nhà đầu tư mua mạnh các cổ phiếu liên quan đến chip.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 1,16% lên 33.763,18 điểm và có thời điểm chạm mức cao nhất trong 33 năm. Chỉ số Topix tăng 0,82% lên 2.413,09 điểm.

Các cổ phiếu liên quan đến chip, có xu hướng theo chân các cổ phiếu cùng ngành trên Phố Wall đã tăng mạnh, với Tokyo Electron và Advantest, lần lượt tăng 3,3% và 6,05%.

Nintendo cũng là cổ phiếu hoạt động tốt nhất khi tăng 4,36%, khi có tin tin tức rằng công ty có thể phát hành một máy chơi game mới trong năm nay.

Trong khi đó, cổ phiếu năng lượng là một trong những cổ phiếu hoạt động kém nhất, sau khi giá dầu giảm khoảng 4% do nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia giảm giá bán mạnh.

Chứng khoán Trung Quốc phục hồi nhẹ sau chuỗi năm ngày thua lỗ, với các công ty du lịch dẫn đầu mức tăng.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,20% lên 2.893,25 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,20% lên 3.292,50 điểm.

Du lịch mùa đông ở Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt tại các khu vực kinh tế yếu kém ở miền Bắc, vốn đang đấu tranh để phục hồi sau nhiều năm ảm đạm của đại dịch.

Các điểm đến ở vành đai rỉ sét phía đông bắc của Trung Quốc, chẳng hạn như thành phố Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang, đã thu hút loạt du khách nội địa từ những vùng khí hậu ấm áp hơn trong tuần qua.

Chỉ số du lịch tăng 3,8%, với cổ phiếu Changbai Mountain Tourism Co và Dalian Sunasia Tourism Holding đều tăng hết biên độ 10%.

Một động thái đáng chú ý khác, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng duy trì chính sách nới lỏng bằng cách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), cũng như củng cố kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc nới lỏng hơn nữa trong thời gian tới.

Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã vào cuối ngày thứ Hai, Zou Lan, người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của PBOC, cho biết sẽ sử dụng nhiều công cụ khác nhau để cung cấp “sự hỗ trợ mạnh mẽ” cho mức tăng trưởng tín dụng hợp lý. Ông nhấn mạnh “RRR” là một lựa chọn.

Chứng khoán Hồng Kông giảm phiên thứ năm liên tiếp, chịu ảnh hưởng bởi các gã khổng lồ công nghệ tiếp tục yếu đi.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,21% xuống 16.190,02 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,57% xuống 5.449,76 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ năm liên tiếp, khi các tổ chức tiếp tục bán ròng cổ phiếu.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 6,58 điểm, tương đương 0,26% xuống 2.561,24 điểm.

Chỉ số KOSPI duy trì trạng thái tích cực trong suốt phiên sau khi Phố Wall tăng đêm qua, nhưng đã đảo chiều sau khi các nhà đầu tư tổ chức quay ra bán ròng.

Theo đó, các tổ chức đã bán ròng 67,3 tỷ won cổ phiếu, kéo dài đợt bán ra diện rộng lên phiên thứ năm liên tiếp. Các nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng 10,4 tỷ won, trong khi khối ngoại bán ròng 73,8 tỷ won.

Kết thúc phiên 9/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 385,76 điểm (+1,16%), lên 33.763,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,71 điểm (+0,20%), lên 2.893,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 34,43 điểm (-0,21%), xuống 16.190,02 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 6,58 điểm (-0,26%), xuống 2.561,24 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Cấp room tín dụng sớm: Thông điệp "mạnh" tới thị trường

Cấp hết một lần, thay vì cấp theo từng đợt như những năm trước và định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành cả năm là 15%, cơ quan quản lý đã phát đi thông điệp đối với các ngân hàng: vốn đưa vào nền kinh tế năm nay phải mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn..>> Chi tiết

- Tìm nhóm “dẫn sóng”

Tuần qua, nhóm ngân hàng có phiên giao dịch nổi bật với nhiều mã bật tăng. Đây là một trong những nhóm ngành được nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng..>> Chi tiết

- Cung hàng sôi động từ đầu năm

Tuần này, không ít mã chứng khoán mới sẽ xuất hiện trên sàn, kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho thị trường..>> Chi tiết

- Ả Rập Xê Út giảm giá bán dầu sang châu Á khi thị trường tiếp tục suy yếu

Ả Rập Xê Út sẽ giảm giá bán dầu thô cho người mua ở tất cả các khu vực trong tháng 2 trong bối cảnh thị trường dầu mỏ tiếp tục suy yếu..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục